Đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết

H.Vũ 25/02/2023 06:50

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), ngày 24/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2023. Thủ tướng yêu cầu, phải đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị toàn quốc triển khai công tác y tế năm 2023. Ảnh: Nhật Bắc/VGP.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong các chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 theo Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 của Chính phủ, ngành y tế được giao 3 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, với chỉ tiêu 9,4 bác sĩ /10.000 dân, ngành thực hiện đạt 11,5 bác sĩ, vượt chỉ tiêu được giao; chỉ tiêu đạt 29,5 giường bệnh/10.000 dân, thực hiện là 31 giường bệnh, vượt chỉ tiêu được giao; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 92% dân số, thực hiện được 92,03% dân số, đạt chỉ tiêu được giao.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, năm 2023, Bộ Y tế đặt mục tiêu phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, tập trung kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh; tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao năng lực điều trị ở tất cả các tuyến. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách. Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.

Đối với công tác quản lý dược, cơ sở hạ tầng y tế, Bộ Y tế triển khai thực hiện Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 5/11/2022 của Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc. Tăng cường quản lý giá thuốc, bảo đảm thị trường dược phẩm được duy trì bình ổn, đáp ứng đủ thuốc vaccine cho nhu cầu phòng và điều trị của người dân.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong các giai đoạn lịch sử của đất nước, ngành y đều phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức và đã nỗ lực vượt qua, hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả của mình. Hàng nghìn cán bộ y tế đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc, vì sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước, vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe và tính mạng nhân dân. Khi đất nước hòa bình thống nhất, đội ngũ thầy thuốc lại có mặt trên khắp mọi miền Tổ quốc, âm thầm, lặng lẽ, tận tụy cống hiến để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

“Hơn 3 năm qua, chúng ta bước vào cuộc chiến chống dịch Covid-19, cuộc chiến không tiếng súng nhưng đầy cam go, vô vàn thách thức, chưa từng có tiền lệ. Trong thời khắc cam go, một lần nữa, hàng trăm nghìn y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế không quản gian lao, ngày đêm bám trụ trên tuyến đầu, chiến đấu với dịch bệnh; những “chiến sĩ áo trắng” tạm gác lại việc nhà, sẵn sàng đối diện với hiểm nguy để cùng cả nước ngăn chặn, đẩy lùi bằng được dịch bệnh. Những nỗ lực, cống hiến, hy sinh đó đã mang lại thành quả chống dịch quan trọng, góp phần để đất nước vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển khá toàn diện trong năm 2022”-Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh mục tiêu nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam, Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới ngành y tế tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, thực hiện hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước. Phải đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu, ngành y tế phải khắc ghi và hành động theo Lời thề Hippocrates, 12 điều y đức trong khi triển khai nhiệm vụ. Không ngừng trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, làm sâu y lý, giàu y đức, giỏi y thuật. Đẩy mạnh hơn nữa đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên sâu. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để ngành y tế phát triển nhanh, bền vững, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giúp cán bộ yên tâm làm việc. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, xây dựng kịch bản, ứng phó dịch bệnh.

Thủ tướng giao, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính để giải quyết vướng mắc về thẩm quyền phê duyệt quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xác lập sở hữu toàn dân đối với trang thiết bị, vật tư tiêu hao.

Thủ tướng cũng yêu cầu, các cơ quan khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết 144/NQ-CP năm 2022 về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

“Đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành dược, công nghiệp hóa dược, phát huy thế mạnh của Việt Nam, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, không để tiếp diễn tình trạng người bệnh phải mua ngoài. Tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế kịp thời, công khai, minh bạch. Khắc phục tâm lý “sợ sai”, “làm ít sai ít”, “không làm, không sai” đang xảy ra ở một số cơ sở y tế”-Thủ tướng nêu rõ, đồng thời đề nghị nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao; tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, bảo đảm cân đối giữa các tuyến, lĩnh vực, vùng miền.

Thủ tướng giao, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính để giải quyết vướng mắc về thẩm quyền phê duyệt quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xác lập sở hữu toàn dân đối với trang thiết bị, vật tư tiêu hao.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, năm 2023, Bộ Y tế đặt mục tiêu phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, tập trung kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh; tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao năng lực điều trị ở tất cả các tuyến. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách. Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.

TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: Đời sống của cán bộ công chức, viên chức và thầy thuốc còn khó khăn

Đại dịch Covid-19 đã bộc lộ nhiều vấn đề, kể cả về nguồn nhân lực, thể chế, vấn đề điều hành và cả vướng mắc ở nhiều khâu trong quá trình quản lý. Chúng ta đang đứng trước khó khăn, thách thức to lớn. Đầu tiên là chúng ta phải chia sẻ với các thầy thuốc, chia sẻ với các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế Việt Nam. Lương thấp, đời sống khó khăn, làm việc rất nhiều, không tính được thời gian làm thêm giờ, làm ngày làm đêm nhưng thu nhập vẫn thấp. Chúng ta nói là phải tính đúng, tính đủ về chi phí khám chữa bệnh nhưng trong thực tiễn chưa tính đúng, tính đủ. Vì chúng ta chưa tính đúng, tính đủ nên các cơ sở khám chữa bệnh thiếu nguồn thu, đời sống của cán bộ công chức, viên chức và thầy thuốc khó khăn.
Vấn đề nữa là chúng ta nói giao quyền tự chủ cho các cơ sở khám chữa bệnh nhưng các cơ sở đó không đủ điều kiện, làm sao tự chủ toàn phần được. Máy móc đắp chiếu nằm trong kho chờ xử lý sai phạm, người bệnh thì khổ sở vì không có máy móc, thiết bị. Sai phạm của con người, không phải sai phạm của máy móc. Chúng ta phải giải tỏa vấn đề này để có máy móc, thiết bị hiện đại chăm sóc sức khỏe nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO