Dấu ấn Quách Thị Lan

Xuân Phong 21/08/2021 08:00

Quách Thị Lan đã đi vào lịch sử điền kinh Việt Nam khi trở thành vận động viên đầu tiên góp mặt trong bán kết một kỳ Thế vận hội.

Quách Thị Lan là vận động viên cuối cùng của Đoàn thể thao Việt Nam tranh tài ở Olympic Tokyo vừa qua. Quách Thị Lan đặt mục tiêu phá kỷ lục quốc gia (55 giây 30) để có thể lọt vào chung kết nhưng bất thành. Cô gái dân tộc Mường, quê ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa đã về đích thứ thứ 6/8 vận động viên, với thành tích 56 giây 78. Quách Thị Lan đã đi vào lịch sử điền kinh Việt Nam khi trở thành vận động viên đầu tiên góp mặt trong bán kết một kỳ Thế vận hội.

1. Trước khi đặt chân tới Nhật Bản tham dự Olympic Tokyo 2020, vận động viên Quách Thị Lan đã sở hữu chiếc Huy chương vàng Asiad 2018, đồng thời đang nắm giữ kỷ lục quốc gia cự ly 400 m rào nữ với thông số 55 giây 30. Chính vì thế, nhiều chuyên gia ngành thể thao đã kỳ vọng Quách Thị Lan sẽ vượt qua kỷ lục của chính mình.

Vượt qua chính chính mình cũng chính là mục tiêu được cô gái người dân tộc Mường Quách Thị Lan và ban huấn luyện đã đặt ra tại cuộc so tài với 23 đối thủ ở bán kết Olympic Tokyo gồm ba đợt chạy.

Tham gia tranh tài ở đợt chạy đầu vòng bán kết diễn ra lúc 18 giờ 35 ngày 2/8, Quách Thị Lan đối đầu với 7 chân chạy, trong đó nổi bật nhất là nữ vận động viên người Mỹ hiện xếp thứ hai thế giới Muhamad Dalliah. Dalliah cũng là người thực hiện vòng loại với thành tích khủng 52 giây 42 trong khi thành tích của Lan là 55 giây 71.

Mặc dù các đối thủ khá mạnh, nhưng việc đặt ra mục tiêu vượt qua chính mình cũng là một kỷ lục quốc gia mà Quách Thị Lan phấn đấu.

Dù kết quả chung cuộc phải dừng chân ở bán kết nội dung 400 m rào nữ, nhưng Quách Thị Lan và điền kinh Việt Nam có thể tự hào với những gì đã làm được ở sân chơi Olympic Tokyo 2020. Thành tích của Quách Thị Lan là 56 giây 78 kém hơn vòng loại, nhưng rất đáng khen ngợi bởi vận động viên Quách Thị Lan đã thể hiện sự nỗ lực cao nhất trong điều kiện thời tiết không tốt.

Dù không thể tạo nên bất ngờ nhưng Quách Thị Lan trở thành vận động viên điền kinh Việt Nam đầu tiên vào đến bán kết một nội dung chạy ở Thế vận hội. Cô cũng là vận động viên châu Á duy nhất vào tới bán kết 400 m rào nữ.

Trước đó, mới chỉ có 4 nữ vận động viên châu Á làm được điều này là Pilavullakandi Thekkeparambil Usha (Ấn Độ, 1984), Natalya Torshina (Kazakhstan, 2000, 2004), Huang Xiaoxiao (Trung Quốc, 2004) và Satomi Kubokura (Nhật Bản, 2008, 2012).

Tại Olympic Tokyo 2020, vận động viên Quách Thị Lan đã nỗ lực hết mình tại bán kết 400 m rào nữ trong điều kiện thời tiết mưa to.

2. Quách Thị Lan cho biết, vào tới bán kết cũng là điều rất tuyệt vời, và điều đặc biệt là được thi đấu bên cạnh những ngôi sao hàng đầu thế giới như kỷ lục gia Sydney McLaughlin hay đương kim vô địch thế giới và Olympic, Dalilah Muhammad. Đó là trải nghiệm không thể quên…

Tuyển thủ quốc gia điền kinh Quách Công Lịch chính là anh ruột của Quách Thị Lan động viên em gái: “Vào đến bán kết mà vẫn còn thắng được 2 đối thủ mạnh của thế giới nữa là quá tuyệt vời rồi. Về nhà nghỉ ngơi và chúng ta sẽ trở lại với những mục tiêu kế tiếp thôi nào. Mọi người tự hào về em!”.

Nói về thành tích thi đấu của Quách Thị Lan, Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt NamNguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Quách Thị Lan đã khép lại hành trình đáng nhớ của cô ở vòng bán kết nội dung 400 m rào nữ tại Olympic Tokyo 2020. Thành tích 55 giây 71 ở vòng loại và 56 giây 78 tại vòng bán kết trong điều kiện thời tiết mưa to được giới chuyên môn đánh giá là rất tốt trong hoàn cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19”.

Quả vậy, đặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành gần 2 năm qua đã khiến nhiều chương trình tập luyện của các vận động viên bị ảnh hưởng. Quách Thị Lan cũng vậy. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, gần 2 năm qua không có bất cứ cuộc thi đấu quốc tế nào của khu vực châu Á được tổ chức, các cuộc tập huấn luôn bị hoãn hủy. Dù chỉ tập chay nhưng như tất cả đã thấy, Quách Thị Lan đã nỗ lực để khẳng định mình. Đây là tiền đề để Lan đạt được những thành tích tốt hơn sau này.

Trong thành công của Quách Thị Lan, vai trò của chuyên gia Vladimir Simeonov (người Bulgaria) là rất lớn. Vị chuyên gia này đã có thời gian rất dài gắn bó với điền kinh Việt Nam, đặc biệt là nội dung chạy vượt rào của Quách Thị Lan.

Hai anh em vận động viên Quách Công Lịch và Quách Thị Lan.

3. Vận động viên Quách Thị Lan sinh ngày 18/10/1995. Cô là một vận động viên đã mang về nhiều huy chương cho Điền kinh Việt Nam. Thành tích nổi bật của Quách Thị Lan là các tấm huy chương vàng ở Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2015, Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2017, Giải vô địch điền kinh châu Á 2017, Đại hội Thể thao châu Á 2018 tại Indonesia và Giải vô địch điền kinh châu Á 2019 tại Qatar.

Tuy nhiên, ít người biết cô bắt đầu đi tập điền kinh khi đã 16 tuổi, trong khi đó nhiều vận động viên bắt đầu sớm hơn. Lan được phát hiện từ sau một kỳ thi ở giải trường, cô gái cao 1m70 này được các giáo viên trong trường tạo điều kiện để hướng theo con đường thể thao chuyên nghiệp. Sau 5 tháng ở Thanh Hóa, cô gái người dân tộc Mường xếp đồ đạc cá nhân lên đường ra Từ Sơn (Bắc Ninh). Từ đó trở đi, Quách Thị Lan chính thức đi theo con đường chuyên nghiệp của môn thể thao nữ hoàng.

Trở lại với Olympic Tokyo 2020, dư âm của nó còn được Quách Thị Lan nhớ mãi. Nhớ cũng còn bởi, ở tuổi gần 26 – cái tuổi “gần vạch đích của sự nghiệp” trong nghề vận động viên điền kinh, cái tuổi mà cô đã “nghiêm túc nghĩ đến chuyện lập gia đình, sinh con”, thì Quách Thị Lan đã nhận được “món quà” Olympic Tokyo 2020. Theo đó, cô được Liên đoàn Điền kinh Thế giới và Ủy ban Olympic Quốc tế chấp nhận suất đặc cách tham dự Olympic Tokyo 2020 do Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đề cử. Đây là suất đặc cách dành cho quốc gia không có vận động viên giành vé trực tiếp và cô cũng là đại diện duy nhất của điền kinh Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2020.

Được biết, đây cũng là kỳ Olympic đầu tiên trong sự nghiệp của Quách Thị Lan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dấu ấn Quách Thị Lan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO