Dấu ấn Tuần lễ ‘Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam’

Hoàng Vân 23/11/2021 07:37

Diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, tái hiện một cách sinh động nếp sinh hoạt của bà con đồng bào các dân tộc, Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng du khách.

Rộn ràng hoạt động tại “Ngôi nhà chung”

Sau một tuần diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, ngày 23/11, Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” đã chính thức khép lại tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng) với nhiều dấu ấn khó phai.

Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” diễn ra từ ngày 18 đến 23/11 mở ra cơ hội để tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, khơi dậy lòng yêu nước, ý thức tự hào, tự tôn dân tộc. Những hoạt động trong tuần lễ nhằm hướng đến Ngày Truyền thống Ngày Thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11); chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).

Ngoài ra, Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” là dịp để phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa cộng đồng góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong những ngày diễn ra sự kiện, đồng bào dân tộc và du khách đã tề tựu về Làng để trải nghiệm các hoạt động văn hoá. Không khí náo nhiệt đã bao trùm không gian của Làng, tạo ra những không gian giao lưu văn hóa, đồng thời mở ra cơ hội để các đồng bào phô bày những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Đến Làng dịp này, du khách không chỉ được hòa mình vào không khí rộn ràng mà còn cảm nhận được sự gắn kết, tiếng cười thông qua những điệu múa, nếp sinh hoạt, đời sống ẩm thực của bà con dân tộc. Diễn ra song song với các hoạt động là chuỗi 8 sự kiện giao lưu văn hóa vùng miền, các hoạt động dân ca dân vũ, giới thiệu nghề truyền thống của cộng đồng dân tộc, tái hiện một số lễ hội đặc sắc.

Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2021 được tổ chức, góp phần mang lại bầu không khí vui tươi, đoàn kết, lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc đến người dân và cả du khách năm châu. Bên cạnh đó, các hoạt động còn mang lại nhiều trải nghiệm quý báu đối với các du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước. Để sau này, dù đi bất cứ nơi đâu, khi đã đặt chân tới vùng đất “ngôi nhà chung” của các dân tộc sẽ mang lại cảm giác thân thuộc như ta trở về với chính quê hương, bản quán, đồng bào mình. Ở nơi đây, chúng ta được hòa mình vào lịch sử, truyền thống 91 năm vẻ vang tự hào của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Khách tham dự Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam”.

Dấu ấn khó phai

Dù diễn ra trong bối cảnh dịch Covid -19 còn phức tạp, thế nhưng, sau một tuần diễn ra cùng với nhiều hoạt động. Tuần lễ phần nào đã để lại những dấu ấn khó phai trong lòng du khách.

Tranh thủ ngày cuối tuần, anh Nguyễn Thanh Duy (40 tuổi, Ba Vì, Hà Nội) dẫn con gái lên Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam để tham gia các sự kiện. Theo anh Duy, từ xa xưa, các hội làng đã đóng vai trò rất lớn trong đời sống tinh thần người Việt. Khi tổ chức lễ hội tại Làng, đa phần Ban tổ chức hướng tới mục đích cho việc gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa. Vì vậy, các hội làng thông thường sẽ gắn với tục thờ cúng của người đồng bào. Bởi vậy, trong quá trình thực hiện nghi lễ và tham gia các hoạt động vui chơi, người dân sẽ gắn bó với nhau hơn về tinh thần. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm về một cộng đồng cư dân trong việc bảo tồn nét văn hóa người đồng bào mình nói riêng và văn hóa của đất nước nói chung…

“Những ngày lễ lớn như thế này không những tạo điều kiện để con trẻ có dịp được quan sát nếp sống, nét văn hóa của 54 đồng bào dân tộc mà còn là dịp để du khách tham quan, chiêm ngưỡng cảnh quan, vẻ đẹp của đất nước” - anh Duy nói.

Để đón tiếp du khách về trẩy hội, suốt tuần qua, đồng bào các dân tộc sinh sống tại Làng đã tất bật chuẩn bị nguyên liệu, lương thực, trang phục cho ngày hội chung của Làng. Ông Giàng Mí Bình - đồng bào dân tộc Mông hiện đang sinh sống tại Làng chia sẻ: “Sau thời gian dài tạm đóng cửa vì dịch, được đón khách tham quan chúng tôi vui lắm. Bảy gia đình đồng bào người Mông tại Làng đã cùng nhau chuẩn bị các nguyên liệu phục vụ chế biến để đón các đoàn khách tham quan”.

Cùng chung tâm trạng, háo hức, nghệ nhân Triệu Thị Lương người Dao Quần Chẹt bày tỏ, đồng bào người Dao Quần Chẹt sinh sống tập trung tại các xã nằm dưới chân núi Ba Vì (Hà Nội) và nổi tiếng với những bài thuốc Nam trị bệnh. Nhân dịp này, chúng tôi giới thiệu tới du khách những phương thuốc hiệu quả của dân tộc mình”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết bên lề lễ hội, ông Trịnh Ngọc Chung - quyền Trưởng ban, Ban Quản lý Làng cho biết, trong một tuần diễn ra sự kiện, đồng bào dân tộc tại đây rất vui mừng khi được giới thiệu những giá trị văn hóa của đồng bào mình tới du khách. Đối với người dân khi tới với Làng trong thời gian này cũng có không gian đủ rộng, đủ đáp ứng yêu cầu về phòng dịch để vui chơi, trải nghiệm nét văn hóa, nếp sống của người đồng bào.

Ông Trịnh Ngọc Chung, quyền Trưởng ban, Ban Quản lý Làng chia sẻ, trong tình hình dịch bệnh, các hoạt động diễn ra tại Làng về quy mô, du khách tham gia, đa dạng của địa phương tham gia tuần lễ bị giảm so với những năm trước. Tuy nhiên, quy mô giảm không có nghĩa là chất lượng sẽ giảm. Trên cơ sở đó, Ban tổ chức có thông điệp, hình ảnh truyền tải tới du khách, mang đến cho người dân, đặc biệt là du khách trên mọi miền tổ quốc cái nhìn đầy đủ, toàn diện về bản sắc của các dân tộc. Thông qua những hoạt động diễn ra trong tuần lễ, Ban tổ chức mong muốn truyền tải tới người dân thông điệp kết tinh từ văn hóa tạo nên giá trị sức mạnh của dân tộc, để chúng ta vượt qua mọi khó khăn thử thách.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dấu ấn Tuần lễ ‘Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO