Dấu ấn Việt trên đất Hungary

Tuệ Phương 18/12/2020 19:00

Chỉ với 5.000 người, cộng đồng người Việt là một cộng đồng nhỏ ở Hungary. Tuy nhiên, dấu ấn Việt ở đất nước Hungary là hết sức rõ ràng. Ở nơi này, người Việt có ngôi chùa của riêng mình, có biểu tượng trống đồng xuất hiện ngay trung tâm thành phố Paks, một thành phố xinh đẹp bên bờ sông Danube. Người góp phần để lại những dấu ấn ấy là chị Phan Bích Thiện – Uỷ viên UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Chị Phan Bích Thiện.

Khẳng định bản sắc văn hoá Việt

Cứ ngày rằm, mùng một và nhất là dịp Tết Nguyên đán, người Việt ở nhiều tỉnh, thành phố trên đất nước Hungary lại đổ về Thành phố Simontornya. “Sự lạ” này bắt đầu cách đây hai năm khi chùa Đại Bi được khánh thành. Dù chỉ là một ngôi chùa nhỏ, nhưng rất nhanh chóng, ngôi chùa trở thành địa chỉ tâm linh của người Việt. Những ngày cuối năm này, giữa trời Âu lạnh giá, mái ngói đỏ nâu cong vút, mùi nhang trầm thoang thoảng và bức tượng Phật Bà đứng từ trên sườn đồi nhìn xuống phía xa khiến bất kỳ người Việt Nam nào cũng cảm thấy ấm áp, gần gũi như đang ở trên đất mẹ. Mái chùa Việt ở châu Âu khiến người ta nhớ đến câu thơ: “Mái chùa che chở hồn dân tộc/ Nếp sống muôn đời của tổ tông”. Ít ai biết rằng, người đã góp công lớn trong xin phép chính quyền thành phố, vận động kinh phí xây dựng chùa là một phụ nữ - chị Phan Bích Thiện.

Định cư ở Hungary đã nhiều năm, nhưng chị Phan Bích Thiện rất nhớ những ngày còn ở Hà Nội, nhớ không gian tĩnh lặng của ngôi chùa trong ngõ nhỏ ngày xưa, nhớ không khí trang nghiêm tĩnh mịch pha chút huyền bí của những ngôi chùa cổ được ghé thăm mỗi lần về quê, thèm được nghe tiếng chuông chùa khi hoàng hôn xuống. Chị nghĩ, hẳn là nhiều người Việt ở Hungary cũng thế. Dù cộng đồng người Việt đã hoà nhập thành công với nước bạn, nhưng trong sâu thẳm, ai cũng cảm thấy trống vắng ở “cõi tâm linh”. Thế là chị bắt tay vào vận động xây dựng ngôi chùa. Sau khi nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, ủng hộ của chính quyền thành phố Simontornya (cách thủ đô Budapest 140 km), chị đã bắt tay vào công cuộc “tìm thầy, tìm thợ” để dựng chùa. Ở cách cố hương hàng ngàn cây số, để xây dựng một ngôi chùa theo phong cách Việt là điều hết sức phức tạp. Trong các chuyến về thăm Việt Nam, chị Thiện đã đi thăm rất nhiều ngôi chùa, gặp gỡ các thầy, các thợ cũng như đọc sách để tìm hiểu về kiến trúc, cách thiết kế chùa Việt. Sau khi có được phương án ngoại thất, chị bắt đầu đi đặt các pho tượng, hoành phi, câu đối… trong chùa. Trong đó, pho tượng Phật A Di Đà được đúc bằng đồng đỏ do các nghệ nhân tại Ý Yên (Nam Định) thực hiện, chuông chùa do các nghệ nhân đất Huế. Trong chùa có 4 tấm tranh gốm 4 mùa tứ quý làm từ làng nghề Bát Tràng. Riêng tượng Phật Quan Âm đứng trước cửa chùa được đặt ở Đà Nẵng. Phải mất nhiều công sức để “gom hàng” rồi vận chuyển sang Hungary. Tốn nhiều công sức, nhưng chị và cộng đồng người Việt tại Hungary nhận được nhiều hơn đó là quê hương như đang hiện hữu ở ngay bên mình.

Nhưng đó không phải dấu ấn duy nhất chị Phan Bích Thiện để lại trong quá trình gìn giữ văn hoá Việt Nam, vun đắp quan hệ giữa cộng đồng người Việt Nam với người Hungary bản xứ. Cách đây tròn mười năm, chị Thiện cũng là người vận động để xây dựng Đài Kỷ niệm tình hữu nghị Hungary - Việt Nam tại thành phố Paks ở một công viên mang tên Việt Nam. Tuy nhiên, sau này công viên bị quên lãng, trở thành một phần của Nhà máy điện hạt nhân Paks. Với mong muốn củng cố, quảng bá và phát triển tình hữu nghị hai nước. Chị Phan Bích Thiện đã quyết định đặt vấn đề và thuyết phục Ban lãnh đạo Nhà máy về việc khôi phục Đài kỷ niệm hữu nghị hai nước. Kết quả thu được ngoài mong đợi. Phía Nhà máy đã quyết định hỗ trợ xây dựng lại một Đài kỷ niệm hữu nghị ở khu đất đối diện công viên cũ, nằm trong khu vực Quảng trường trung tâm thành phố, cạnh khu Trung tâm hội nghị mang tên “Lâu đài Erzsebet”. Thiết kế phải chuyển tải được biểu tượng hai dân tộc. Biểu tượng của dân tộc Hung được chạm trên hai cột đá. Hươu thần, biểu tượng của dân tộc Hung và một bên chạm hình hoa của bộ tộc sống trên lãnh thổ Hung từ thời La Mã. Phía Việt Nam lựa chọn hình ảnh trống đồng, đại diện cho văn hóa lúa nước. Đài kỷ niệm được thiết kế bởi những nghệ sĩ có tiếng của Hungary.

Dù là một cộng đồng nhỏ, nhưng hiếm có cộng đồng nào giữ gìn được bản sắc và góp phần xây dựng, củng cố quan hệ của người Việt Nam với người bản địa đến thế.

Cùng hướng về nguồn cội

Là chủ một khách sạn lớn ở Hungary, công việc thường ngày hết sức bận bịu, nhưng ngoài vai trò một doanh nhân, chị Phan Bích Thiện còn được nhiều bạn bè thân mật gọi là “bà Mặt trận”. Bởi chị tham gia các hoạt động xã hội, kết nối cộng đồng đã hơn 20 năm và là Uỷ viên UBMTTQ Việt Nam. Ngoài hoạt động văn hoá, chị Phan Bích Thiện còn kết hợp với CLB Doanh nhân Hungary tổ chức Diễn đàn giao lưu, giới thiệu về cơ hội đầu tư và kinh doanh với Việt Nam. Phối hợp cùng Phòng thương mại Hungary tổ chức những cuộc gặp gỡ, giao lưu cho doanh nghiệp Hungary và Việt Nam nhằm kết nối doanh nghiệp hai nước; tham gia tổ chức triển lãm về biển đảo Việt Nam để bạn bè quốc tế hiểu hơn về vấn đề biển đảo của Việt Nam; kết hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức phái đoàn đại diện các hãng truyền thông của Hungary sang thăm Việt Nam góp phần làm tăng số lượng số lượng khách du lịch Hungary sang Việt Nam. Chị cũng là người trực tiếp vận động các doanh nghiệp Hungary hỗ trợ cho Việt Nam trong các lĩnh vực Hungary có thế mạnh như giáo dục, môi trường…

“Bà Mặt trận” Phan Bích Thiện chia sẻ: “Mỗi khi nói đến cộng đồng người Việt, tôi thấy tự hào về quê hương, nhưng cũng tự thấy đóng góp của mình còn nhỏ bé. Bởi vậy, tôi thấy mình cần nỗ lực hơn nữa. Thực sự tôi rất mừng vì cộng đồng người Việt ở Hungary nhỏ, nhưng là một cộng đồng mạnh, đoàn kết, hội nhập tốt. Cộng đồng không chỉ có các hoạt động hướng về quê hương đất nước, mà còn có các hoạt động hội nhập vào xã hội nước bạn, như tổ chức chương trình từ thiện dịp Giáng sinh hàng năm hay mới đây là đợt ủng hộ các bệnh viện, cơ sở y tế của Hungary trong đợt dịch Covid-19. Những hoạt động này đã góp phần nâng vị thế của cộng đồng người Việt tại Hungary trong xã hội nước sở tại”.

Từ kinh nghiệm của mình, “bà Mặt trận” Phan Bích Thiện cho rằng, thế giới ngày nay càng ngày càng “phẳng”, việc giao lưu giữa các nước trên thế giới ngày càng dễ dàng. Do vậy song song với việc xây dựng cộng đồng đoàn kết của người Việt tại từng nước, chị đề xuất cần có định hướng để đoàn kết người Việt ở các nước khác nhau. Ở châu Âu cũng đã hình thành Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu gồm đại diện cộng đồng nhiều nước như CH Sec, Ba Lan, Hungary, Slovakia, Đức, Pháp… Nhiều hoạt động cũng đã được tổ chức với sự tham gia của cộng đồng nhiều nước khác nhau. Tất nhiên cộng đồng người Việt ở các nước khác nhau có sự hình thành và thành phần khác nhau nên việc đoàn kết người Việt ở các nước khác nhau cũng không hề đơn giản. Vấn đề trước tiên và mấu chốt là phải xây dựng, phát huy được tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng người Việt tại từng nước.n

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dấu ấn Việt trên đất Hungary

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO