Đau đầu tìm cách đưa trở lại

Đặng Xá 07/03/2021 08:00

Kế hoạch đưa V.League 2021 trở lại đã được VPF và VFF chốt lại. Ngày 13/3, chặng tourmalet sẽ chính thức bắt đầu với 54 trận đấu, 8 vòng diễn ra liên tục trong vòng hơn 1 tháng.

Tăng cường luyện tập cho đợt thi đấu dài sắp tới.

Khó trăm bề

Ngay từ đầu năm 2021, VFF và VPF đều xác định đây là một năm nghẹt thở với bóng đá Việt Nam. Những giải đấu của ĐTQG Việt Nam gồm vòng loại World Cup 2022 và AFF Cup 2020 bị ứ dọng ở năm ngoái do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đều được chuyển sang năm 2021.

Đó có thể xem là một canh bạc với nhiều tổ chức, liên đoàn bóng đá Đông Nam Á cũng như các nước trong khu vực. Bởi trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa hoàn toàn được đẩy lùi, mọi phương án đưa ra chỉ mang tính tương đối, phù hợp với từng hoàn cảnh trong năm.

VFF và VPF đã cố gắng sắp xếp một lịch trình thi đấu đủ phù hợp trong khung kế hoạch ban đầu với các giải đấu được tạm thời ấn định vào đầu năm. Nhưng dịch Covid-19 trở lại khiến phương án đưa ra thất bại. V.League 2021 phải tạm hoãn tới 1 tháng. Kế hoạch thi đấu vòng loại World Cup 2022 cũng được AFC đổi hết sang diện tập trung vào tháng 6 tới đây. Đấy là chưa kể, AFC cũng nhanh chóng khoanh vùng lịch thi đấu của AFC Champions League và AFC Cup.

AFC ra lệnh, VFF và VPF phải có trách nhiệm điều tiết. Quỹ thời gian của V.League thì vẫn chỉ được phép duy trì trong vòng khoảng 158 ngày. Bởi đâu chỉ có AFC ban hành lịch thi đấu ở cấp độ châu lục dành cho ĐTQG và CLB mà bản thân AFF rồi BTC SEA Games cũng yêu cầu cần các ĐTQG phải có một khoảng thở để tham dự các giải đấu như AFF Cup, SEA Games vào cuối năm.

Vậy là trong quãng thời gian vốn đã eo lại còn hẹp, VFF và VPF lại đau đầu tìm ra giải pháp để V.League không bị giẫm lên các giải đấu của AFF và AFC và vẫn đảm bảo đủ số vòng đấu như mong muốn. Hệ quả, 54 trận đấu với 8 vòng sẽ diễn ra dồn dập từ ngày 13/3 đến đến 17/4. Mật độ giữa các trận đấu chỉ có từ 4-5 ngày. Bản thân các đội cũng đành chẹp miệng chấp nhận, chứ cũng chẳng thể có phương án nào khả dĩ hơn nữa ở thời điểm hiện nay.

Hà Nội FC, HAGL có chịu được nhiệt?

V.League 2021 sẽ chạy một mạch từ các trận đá bù của vòng 3 (13/3) đến vòng 10 (17/4). Tức là giai đoạn 1 của mùa bóng sẽ đi được 10/13 vòng đấu, nếu như mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Nên nhớ đến thời điểm ấy, việc xác định các đội trong top 6 (tranh vô địch) và 8 đội cuối bảng (tranh vé trụ hạng) gần như đã ngã ngũ.

Những đội bóng khởi đầu chậm chạp như Hà Nội FC, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Sông Lam Nghệ An đương nhiên chịu bất lợi. Trong guồng quay liên tục của giải đấu như kịch bản tới đây, chỉ cần 1-2 cú sảy chân bất ngờ, những trường hợp kể trên coi như không có cơ hội cứu vãn và hy vọng vào top 6.

Ngay cả khi vào được top 6 đi chăng nữa thì cơ hội đua tranh chức vô địch V.League coi như cũng không thành. Bởi giai đoạn 2 với các đội tranh vô địch chỉ còn lại đúng 5 vòng đấu. Bài học khởi động chậm và tăng tốc không kịp dẫn đến hụt hơi khi về đích vẫn còn là nhãn tiền đối với Hà Nội FC, hay bất cứ những đội bóng khao khát danh hiệu mùa này.

Ở một số trường hợp khác, HAGL, TP HCM hay Sài Gòn FC cũng đứng trước thử thách không nhỏ. Các đội bóng này thực tế không có đủ một chiều sâu đội hình để sẵn sàng chạy tourmalet với 7-8 trận chỉ trong vòng 1 tháng. Sự hụt hơi trong các khúc cua (khoảng vòng 6, vòng 8, vòng 10) là điều khó có thể tránh khỏi với những đội bóng này. Đặc biệt là với HAGL. Các cầu thủ đội bóng phố Núi vốn không giỏi trong những cuộc đua đường dài. Việc phụ thuộc quá nhiều vào sự sáng tạo của Văn Toàn cũng là một điểm trừ rất lớn đối với đoàn quân của Kiatisak.

Hẳn nhiên, cuộc đua vô địch V.League năm nay sẽ rất khác so với những năm trước, khi nó có thể sẽ được định đoạt trong 1 tháng tới đây. Đội bóng nào lỳ lợm hơn, phân phối sức hợp lý hơn sẽ là đội có ưu thế về đích trước tiên trong cuộc đua marathon chưa từng có trong lịch sử của giải đấu này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đau đầu tìm cách đưa trở lại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO