Đâu là thủ phạm gây lũ?

Minh Phương 31/10/2020 08:00

Câu hỏi này tiếp tục được đặt ra khi mà liên tiếp những vụ lũ lụt, sạt lở gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở miền Trung. Dư luận có cái nhìn thiếu thiện cảm vào các dự án thủy điện, coi đây là thủ phạm chính.

Tại buổi tọa đàm “Thủy điện nhỏ và vấn đề lũ lụt” diễn ra sáng 30/10, vấn đề này được đưa ra mổ xẻ.

Nhiều dự án thủy điện đã khai quang cả một cách rừng.

Thủy điện nhỏ có phải là nguyên nhân chính?

Những đóng góp của thủy điện đối với vấn đề an ninh năng lượng là không thể phủ nhận. Song, việc phát triển ồ ạt các dự án thủy điện nhỏ được cho là một trong những nguyên nhân gây lũ lụt, kéo theo những thiệt hại nặng nề về kinh tế, thậm chí nhiều sinh mạng con người.

Và liên tiếp những trận lũ vừa qua xảy ra tại miền Trung khiến cho dư luận xã hội đổ dồn cái nhìn thiếu thiện cảm vào các dự án thủy điện, coi đây là thủ phạm chính gây nên lũ lụt. Tuy nhiên, tại buổi tọa đàm, PGS. TS. Vũ Thanh Ca, giảng viên Đại học Tài nguyên và Môi trường đưa ra quan điểm: “Nhiều người nói thuỷ điện là nguyên nhân khiến tình trạng lũ thêm trầm trọng, song, đối với nhiều trường hợp, không có hồ thủy điện, lũ cao hơn rất nhiều”.

Theo ông Ca, báo cáo của Nhóm công tác châu Âu về đập và lũ lụt đưa ra khẳng định, các đập thủy điện, thủy lợi giúp giảm nhẹ lũ lụt. Thậm chí, các hồ lớn, dự báo tốt có thể xả nước trước khi lũ lụt sẽ giúp giảm rất nhiều nguy cơ lũ lụt ở hạ du. Thủy điện ở Việt Nam mới chiếm tỷ lệ còn ít, như NaUy, thủy điện tới hơn 90%, New zealand tới 75%...

Nói rõ hơn về quy trình vận hành của các đập thủy điện cũng như đặt vấn đề: Liệu thủy điện có phải là nguyên nhân gây thêm lũ? Ông Ca phân tích, khi mưa về, hồ xả nước tới mức đón lũ. Nước trong hồ dâng lên vượt một mức nào đó thì hồ bắt đầu xả nước để giảm tốc độ nước trong hồ. Khi mực nước trong hồ đạt tới ngưỡng thứ 2, hồ xả nước với lưu lượng bằng lưu lượng nước về hồ. Lúc đó có hay không có thủy điện, lượng nước về hạ lưu vẫn thế. Thủy điện không xả quá lượng nước về vì nó vẫn cần tích nước phục vụ phát điện.

Vẫn theo ông Ca, nước trong hồ là tài sản của các công trình thuỷ điện. Mưa lớn thì bắt buộc phải xả nước ra, nhưng xả nhiều nhất cũng chỉ bằng mức lũ về.

“Thủy điện không thể xả quá lượng nước đổ về vì nó vẫn cần tích nước phục vụ phát điện. Nước trong hồ là tài sản, là tiền nên không có chuyện các nhà quản lý nhà máy xả bừa bãi để gây ngập lụt ở hạ du. Do vậy, nói các hồ xả lũ gây ngập lụt trong thời gian vừa qua là cũng không đúng”, ông Ca nói đồng thời nhấn mạnh: “Theo đánh giá của các tổ chức ở các nước phát triển, không báo cáo nào chỉ ra tác hại của thuỷ điện là gây lũ lụt”.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, vị chuyên gia này không phủ nhận những hoạt động gây ra tác động xấu đến môi trường, làm ảnh hưởng cấu trúc địa chất khi thực thi một dự án thủy điện, đó là thực trạng lợi dụng phá rừng lấy gỗ, việc đào đất làm hồ…

Và đó là lý do ông không ủng hộ việc phát triển nhiều thủy điện, thay vào đó cần phát triển các dạng năng lượng khác. “Khi phát triển bất kỳ một dự án thuỷ điện nào, cũng cần hết sức thận trọng trong thiết kế thi công, đánh giá tác động môi trường” – vị chuyên gia nêu quan điểm.

Theo nhận định của giới chuyên gia trong ngành, thuỷ điện nhỏ có thể điều hoà những trận lũ nhỏ, cục bộ nhưng hầu như không có tác động với lũ xảy ra trên diện rộng, cực đoan, như những trận mưa lũ xảy ra tại miền Trung vừa qua. Ông Nguyễn Tài Sơn, chuyên gia tư vấn xây dựng các công trình thủy điện nhận định, nhìn chung các hồ thủy điện nhỏ có rất ít, hoặc không có khả năng điều tiết lũ, tích nước.

Giới chuyên gia cho rằng, cần hết sức thận trọng khi thiết kế và thi công xây dựng các dự án thủy điện.

Tương lai của các dự án thủy điện

Không phủ nhận có những công trình, dự án phá rừng để làm thủy điện, làm đường bao quanh công trình, nhà máy một cách trái quy định, nhưng theo ông Vũ Thành Ca, đó là chuyện của đơn vị kiểm lâm, chứ không phải là vấn đề của thủy điện. Thủy điện đang đóng một vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng.

“Trên thế giới, thuỷ điện được coi là một dạng năng lượng sạch, là năng lượng tái tạo, không sản sinh ra các chất thải độc hại, như thủy ngân, lưu huỳnh và một số chất độc hại khác như các nhà máy nhiệt điện” – vị chuyên gia nhấn mạnh.

Liên quan đến việc quy hoạch, xây dựng các dự án thủy điện, Bộ Công thương cho biết, Luật Bảo vệ rừng 2006 đã có quy định, các DN khi triển khai các dự án thủy điện, nếu làm mất 1 m2 rừng thì phải trồng bù lại 1 m2. Những năm gần đây, quản lý đất đai rừng tại địa phương, một dự án bổ sung quy hoạch phải xem có bao nhiêu % đất rừng, sông suối... Từ 2016 đến nay, các dự án có liên quan đến rừng tự nhiên, Bộ không cho vào quy hoạch, đồng thời Bộ này cũng khẳng định kiên quyết loại các dự án thủy điện dưới 3MW khỏi quy hoạch.

Về vấn đề xây dựng các dự án thủy điện trong tương lai, hầu hết các ý kiến tại tọa đàm cho rằng, cần hết sức thận trọng khi thiết kế và thi công xây dựng các dự án thủy điện. Phải lập thẩm định và phê duyệt dự án một cách nghiêm túc báo cáo đánh giá tác động môi trường, có kế hoạch giảm thiểu tác động môi trường của hồ, đập thủy điện để đảm bảo xem xét, giảm thiểu mọi nguy cơ tác động môi trường.

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, từ khi có Luật Bảo vệ rừng 2006, doanh nghiệp khi xây dựng công trình, dự án thủy điện làm mất 1 m2 rừng thì phải trồng bù lại 1 m2. Từ 2016 đến nay, các dự án có liên quan đến rừng tự nhiên, Bộ sẽ không cho vào thực hiện quy hoạch. Ông Đỗ Đức Quân, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết thêm, sắp tới, Bộ sẽ yêu cầu các tỉnh rà soát, đánh giá lại các dự án thủy điện trên địa bàn xem có vấn đề gì không sau đợt lũ lụt cực đoan vừa rồi để kế hoạch phát triển về sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đâu là thủ phạm gây lũ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO