Đấu lạc đà ở Thổ Nhĩ Kỳ

Khánh Duy 17/01/2016 14:35

Trong khi người Tây Ban Nha có môn đấu bò tót, người Italy có môn chọi gà, người Anh có môn săn bắn cùng những chú chó săn, thì người Thổ Nhĩ Kỳ cũng có trò giải trí riêng hết sức độc đáo: chọi lạc đà. Cứ đến thời điểm đầu năm mới, giải đấu lạc đà Selcuk của nước này lại trở nên hết sức sôi động ở các khu vực bờ biển phía Tây của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đấu lạc đà ở Thổ Nhĩ Kỳ

Lễ hội đấu lạc đà có lịch sử hàng nghìn năm ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Lễ hội này sẽ kéo dài đến tận cuối tháng Ba, sau khi một chú lạc đà giành chiến thắng và mọi người bắt đầu lao vào tiệc tùng để ăn mừng. Chủ của chú lạc đà thắng cuộc sẽ nhận được vinh dự rất lớn cùng giải thưởng, và cũng có trách nhiệm phải đảm bảo cho chú lạc đà của mình luôn trong trạng thái tốt nhất để tiếp tục thi đấu.

Trong một trận đấu mà những chú lạc đà sử dụng cái cổ dài của chúng để tấn công, nếu một chú lạc đà quay đầu bỏ chạy hoặc bị vật ngã xuống đất sẽ bị tính là thua cuộc. 20 người đàn ông đứng xung quanh trận đấu sẽ tách 2 chú lạc đà ra trong trường hợp trận đấu trở nên quá bạo lực hoặc một trong hai chú lạc đà không chịu bỏ cuộc.

Lịch sử ngàn năm

Chọi lạc đà đã có từ lâu, bắt nguồn từ một nét văn hóa của các bộ lạc Turkic ở Thổ Nhĩ Kỳ cách đây trên 2.400 năm. Thời điểm đó, người ta nhận thấy rằng có đôi lúc loài lạc đà cũng có những cuộc đấu đá lẫn nhau trong tự nhiên, từ đó nảy sinh ý định huấn luyện chúng để đấu nhau trong những sàn đấu để giải trí. Kể từ đó, chọi lạc đà cũng trở thành một trò giải trí cho giới thương nhân khi họ băng qua sa mạc cùng đoàn buôn lữ hành của mình.

Trong khoảng những năm 1950, một sỹ quan quân đội Mỹ đã tỏ ra rất thích thú khi được xem môn thể thao kỳ lạ của người Thổ này và về sau đã thành lập một giải đấu lạc đà ngay trên đất Mỹ, cụ thể là bang Texas. Thế nhưng ông đã không thành công.

Đáng kể là sau này Liên hiệp Hàng không Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức các giải đấu lạc đà nhằm thu hút nguồn vốn để mua máy bay cho chính phủ nước này. Tuy nhiên sau đó Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lại ngăn cấm bộ môn chọi lạc đà do bị chỉ trích quá bạo lực.

Đến những năm 1980, Chính phủ mới của Thổ Nhĩ Kỳ mới bắt đầu vực lại môn thể thao này, trong nỗ lực khôi phục lại văn hóa lịch sử của nước nhà. Chọi lạc đà ngày nay trở thành một bộ môn thể thao được ưa chuộng bậc nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ, một vài giải đấu lạc đà còn xuất hiện trong các sự kiện triển lãm gia súc hoặc triển lãm ngựa. Tuy nhiên, nó lại bị hạn chế ở các vùng bờ biển phía Tây của nước này, sau khi Nữ hoàng Anh Elizabeth II đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 1961 và môn này bị coi là “quá tàn bạo”.

Đấu lạc đà ở Thổ Nhĩ Kỳ - 1

Lễ hội đấu lạc đà ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc chiến giành bạn tình

Vấn đề lớn nhất trong môn chọi lạc đà chính là việc “thuyết phục” hai chú lạc đà chiến đấu với nhau. Trong tự nhiên, loài lạc đà không có nhiều đặc tính chiến đấu, chúng có tính khí rất thất thường và thường có xu hướng sử dụng bộ răng để đe dọa, tuy nhiên khó có thể làm chúng trở nên hung bạo được.

Bởi vậy, chọi lạc đà thường được xem là môn thể thao hài hước hơn là một bộ môn đẫm máu và bạo lực. Vì lý do này mà các trận đấu thường được tổ chức vào mùa giao phối của lạc đà, khi các con đực muốn “khoe mẽ” trước những con cái. Để kích thích các con lạc đà đực đánh nhau, nhà tổ chức cần phải dẫn một con lạc đà cái đi ngang qua mặt những chú lạc đà chiến và sau đó dẫn đi.

Sau khi nhìn thấy con cái, các chú lạc đà đực thường sủi bọt ở miệng và mũi của chúng, và nếu đám đông khán giả đủ may mắn, họ có thể được chứng kiến một trận đấu lạc đà nảy lửa ngay sau đó. Một trận đấu chỉ kết khi một trong hai chú lạc đà chiến áp đảo con còn lại bằng cách đè lên người nó. Đôi khi, một chú lạc đà sẽ bỏ chạy khỏi trường đấu và bị tuyên bố thua cuộc. Các trận đấu lạc đà thường không kéo dài quá 10 phút, và thường quyết định thắng thua bằng điểm ra trên các đòn tấn công, thay vì chờ đợi các kết quả đẫm máu và thương tâm xảy ra.

Nét văn hóa độc đáo của người Thổ

Những con lạc đà đực có thể được đưa ra sàn đấu ở độ tuổi 10 và có thể chiến đấu trong suốt 10 năm liền. Các chủ lạc đà thường đặt tên các đấu xy của họ theo tên các chính trị gia nổi tiếng và các lãnh đạo thế giới. Khi xung trận, mỗi chú lạc đà đều được khoác lên mình tấm thảm trang trí sặc sỡ, yên cương và cả chuông.

Sự kiện chọi lạc đà hàng năm cũng thường được tổ chức kèm theo một cuộc thi “sắc đẹp” giữa chúng. Các lễ hội rước lạc đà kiểu này cũng khá phổ biến ở Arab Saudi, bên cạnh các cuộc đua lạc đà. Bao quanh chúng là các tay nhạc sỹ chơi sáo và trống. Ngoài ra, du khách đến với hoạt động này còn được phục vụ cả món thịt lạc đà.

Hồi năm 2011, người ta ước tính có tới 2.000 chú lạc đà chiến tham gia các giải đấu ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chỉ có một con duy nhất được mệnh danh là kẻ chiến thắng chung cuộc. Con thắng cuộc thường được chuyển nhượng với giá rất đắt, có thể lên đến trên 20.000 USD.

Giống như đấu bò tót ở Tây Ban Nha, các sự kiện chọi lạc đà đôi lúc cũng khá nguy hiểm đối với người xem, đặc biệt là khi những chú lạc đà chiến bất ngờ bỏ chạy trong hoảng loạn và lao về phía đám đông. Nhiều người còn bị lạc đà phun nước bọt vào người, vào mặt. Và trong một vài trường hợp hy hữu, các chủ lạc đà còn lao vào…tấn công nhau.

Hiện nay, có khoảng 30 lễ hội lạc đà thường niên vẫn được người dân ở các vùng ven biển Aegea phía Tây Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức hàng năm, bắt đầu từ tháng 11 cho đến tháng 3. Và trong mỗi loạt sự kiện như vậy lại có hàng trăm trận đấu lạc đà được tổ chức, với tần suất mỗi chú lạc đà sẽ tham gia 10 trận đấu.

Các trận đấu lạc đà luôn luôn được tổ chức vào ngày Chủ nhật, tại các sân bóng đá. Vào cuối mùa giải, người ta còn tổ chức cả một giải đấu vô địch mà trong đó hội tụ toàn những chú lạc đà chiến thắng cuộc trong các giải đấu thường.

Ngày nay, chọi lạc đà không còn bị các nhà hoạt động vì động vật lên án nhiều như trước, bởi vậy mà thu hút được đông đảo du khách quốc tế đến xem. Ở khu vực phía Tây Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ, chọi lạc đà thậm chí còn trở thành một hình thức thu hút du khách chủ yếu của địa phương.

Rất nhiều du khách quốc tế bị thu hút tới các sự kiện chọi lạc đà ở Thổ Nhĩ Kỳ bởi họ xem nó như một phần của văn hóa lịch sử quốc gia này. Ngoài việc mang lại giá trị cho ngành du lịch, chọi lạc đà cũng là hình thức giải trí hết sức phổ biến của những người dân ở vùng nông thông phía Tây Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, môn thể thao kỳ thú này lại có dấu hiệu suy giảm, mà chủ yếu là do chi phí. Chủ nuôi lạc đà chiến thường phải bỏ ra một khoản chi phí lớn để mua thức ăn cho lạc đà, chăm sóc và huấn luyện chúng; đó là chưa kể số tiền mà họ bỏ ra để đặt cược. Nhiều người cho rằng chỉ có người giàu mới có thể nuôi được một chú lạc đà chiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đấu lạc đà ở Thổ Nhĩ Kỳ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO