Đầu tư cho phát triển để tạo chuyển biến căn bản

Mai Loan 28/01/2021 20:45

Năm năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của Kon Tum giảm từ 23,03% năm 2016 xuống còn 10,12% đến cuối năm 2020; trong đó tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số giảm từ 41,39% năm 2016 xuống còn 24,93% cuối năm 2020. Thông tin trên được Phó Bí thư tỉnh Kon Tum cho biết hôm 28/1.

Đọc báo cáo tại Đại hội XIII của Đảng, thay mặt Đoàn đại biểu tỉnh Kon Tum, ông A Pớt, Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum bày tỏ sự nhất trí cao với các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Dành nhiều thời gian nói về việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, ông A Pớt cho biết: Việc thực hiện các chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng toàn diện, có hiệu quả, đã từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 23,03% năm 2016 xuống còn 10,12% đến cuối năm 2020; trong đó tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số giảm từ 41,39% năm 2016 xuống còn 24,93% cuối năm 2020. Công tác tư vấn, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục vùng dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện và có nhiều chuyển biến tích cực.

Các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, nhất là cấp xã. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được khôi phục, bảo tồn và phát huy; trong đó chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống, nhà rông, văn hóa cồng chiêng của các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh. Công tác thông tin, truyền thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng hoàn thiện và nâng cao…

Nhưng, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, theo Phó Bí thư Tỉnh ủy Kontum, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong việc đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số như:

Đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, nhất là ở các thôn đặc biệt khó khăn; kết cấu hạ tầng tuy được chú trọng đầu tư nhưng còn thiếu và chưa đồng bộ; nhu cầu về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, việc sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, nhất là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số còn cao; kinh tế tập trung vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; người dân chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh là vùng có rừng và đất rừng để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống; việc làm, lao động còn mang tính thời vụ, thu nhập thực tế thấp; kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo còn cao; việc triển khai thực hiện một số chương trình, chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020 còn có những khó khăn, bất cập; chuyển biến về nhận thức, tư tưởng của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn chậm…

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nhằm thúc đẩy phát triển mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Kon Tum đề xuất một số giải pháp trọng tâm:

Tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho Nhân dân các dân tộc thiểu số về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại, đặc biệt là các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tập trung triển khai đồng bộ và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030…

Bên cạnh đó, là giải pháp phát triển giáo dục đào tạo, củng cố mạng lưới y tế cấp xã; đào tạo đội ngũ cán bộ y tế thôn, làng đạt chuẩn; đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phát động và triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”.

“Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; xây dựng khối đại đoàn kết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng dân tộc và miền núi. Chủ động ngăn chặn các hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, kích động đồng bào các dân tộc thiểu số, phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc. Thực hiện có hiệu quả hoạt động phòng, chống tội phạm, ngăn chặn các tệ nạn xã hội và hoạt động tôn giáo trái pháp luật, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, không để các đạo lạ, tà đạo xâm nhập vào địa bàn”, ông A Pớt nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đầu tư cho phát triển để tạo chuyển biến căn bản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO