‘Đấu’ với tín dụng đen

Tinh Anh 22/01/2021 06:23

Thời gian qua, nhiều người dân, doanh nghiệp sập bẫy tín dụng đen đến khuynh gia bại sản, gia đình ly tán, thân bại danh liệt. Nay, các ngân hàng đang muốn chung tay “xuất chiêu” để đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen khỏi đời sống xã hội.

Theo dự kiến, trong tháng 1/2021, 6 ngân hàng sẽ phát hành thẻ tín dụng nội địa, tạo điều kiện giúp người dân có tiền mua sắm mà không cần phải tiếp cận tín dụng đen. Đây là chiêu “liên thủ” của các ngân hàng, vừa để giải ngân vốn trong bối cảnh Covid-19 không có đối tượng vay, vừa để chung tay với Nhà nước đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen. Một mũi tên trúng luôn hai đích: Giải quyết ứ đọng vốn, tạo được tiếng thơm thảo.

Cụ thể, thẻ tín dụng nội địa mà các ngân hàng dự kiến phát hành sẽ cho phép người dân chi tiêu, mua sắm trong hạn mức từ 100 triệu đồng trở xuống trong thời hạn 55 ngày không phải trả lãi. Điều này giúp ích rất nhiều không chỉ đối với các gia đình, mà còn hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể. Khi cần tiền để trang trải ngắn hạn, người dân và hộ kinh doanh cá thể không phải tìm đến tín dụng đen.

Thẻ tín dụng nội địa không chỉ cho phép chủ sở hữu của nó chi tiêu, mua sắm, mà còn cho phép rút tiền mặt tại các ATM để giải quyết ngay và luôn các nhu cầu cấp bách. Nếu rút ở ATM ngân hàng phát hành thẻ, các chủ thẻ sẽ không mất phí, còn nếu rút tại ATM liên ngân hàng thì chỉ mất 1-2% tổng mức phí sẽ rút. Vậy là người dân, hộ kinh doanh cá thể có thể trang trải tiền thức ăn chăn nuôi, tiền điện, nước... ngay tắp lự.

Thông thường, người dân hay những doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể rất khó tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng nếu không có tài sản thế chấp. Ngay cả khi có tài sản thế chấp thì thời gian làm thủ tục cũng rất lâu, quy trình rườm rà khiến người dân, doanh nghiệp phát nản. Và nếu thực sự cần vốn, cách duy nhất đáp ứng là ra ngoài “chợ đen” vay vốn với lãi suất cắt cổ, để rồi chịu đựng trăm đắng nghìn cay.

Ai cũng biết, khi đã sập bẫy tín dụng đen đồng nghĩa với việc rủi ro rất lớn, hầu như là dẫn đến hệ lụy là tán gia bại sản, mất nhà mất cửa, hoen ố thanh danh. Song, vì sao vẫn có nhiều người dấn thân vào “con đường nguy hiểm” đó? Đơn giản là họ không có sự lựa chọn nào khác. Hộ kinh doanh cá thể làm sao có thể mua chịu thức ăn chăn nuôi? Người dân liệu có thể nợ tiền học phí của con, chậm tiền điện, nước được không?

Tất nhiên là không nợ và không chịu được rồi. Không đóng học phí cho con đồng nghĩa với việc chúng phải nghỉ học, không đóng tiền điện nước thì sẽ bị cắt dịch vụ, không mua chịu được thức ăn chăn nuôi thì gia súc gia cầm sẽ chết đói... Thế thì dù có đối mặt với rủi ro cao đến đâu, người dân, doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể cũng vẫn phải tìm đến tín dụng đen một cách “tự nguyện” mà thôi.

Và hệ lụy tất yếu khi phải tìm đến tín dụng đen với lãi suất cắt cổ là gì thì ai cũng biết. Buôn bán gì cho lại được với lãi suất cắt cổ hàng trăm phần trăm, thậm chí lên tới 365%/năm. Đến doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể có cơ hội sinh sôi này nở đồng tiền còn “chết” với tín dụng đen, huống hồ là những người dân chỉ đơn giản vay tiền để trang trải những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hàng ngày như học phí, điện, nước...

Từ lâu, Nhà nước và các cơ quan chức năng đã nhìn ra “lỗ hổng” khiến tín dụng đen phát triển mạnh, mọc lên như nấm sau mưa rào. Nhưng vấn đề là giải quyết như thế nào thì lại phải cần một giải pháp đồng bộ không hề đơn giản. Vì thế, trong một thời gian dài, các cơ quan quản lý nhà nước cứ loay hoay không thể giải được bài toán nan giải trên. Giờ thì vấn đề sẽ khác, bởi có sự chung tay, vào cuộc của các ngân hàng.

Khi thẻ tín dụng nội địa được phát hành rộng rãi, bất cứ ai cũng có thể tiếp cận ngay và luôn nguồn vốn chính thống để giải quyết vấn đề cấp bách của bản thân, gia đình, doanh nghiệp. Lập tức có tiền để trang trải ngay vấn đề phát sinh mà không cần lo sợ câu chuyện “lãi mẹ đẻ lãi con” (trong vòng gần hai tháng) như khi vay vốn tín dụng đen, có người dân, doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể nào không mừng đây?

Tất nhiên, ai cũng hiểu câu chuyện mở thẻ tín dụng nội địa của các nhà băng xuất phát từ nhu cầu thực tế, tự thân của mỗi ngân hàng. Hiện, sau những làn sóng đại dịch Covid-19 quét qua, các doanh nghiệp đều liêu xiêu, điêu đứng, nhiều doanh nghiệp phá sản nên nhu cầu vay vốn rất thấp, dẫn đến nguồn vốn nhàn rỗi ở các ngân hàng dư thừa khá nhiều, trong khi vẫn phải đều đặn trả lãi vốn huy động.

Từ đó nhu cầu phải “giải ngân” nguồn vốn ứ đọng là rất cần thiết đối với mỗi ngân hàng. Song, nếu cứ chờ đợi khách vay theo kiểu há miệng chờ sung, phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của pháp luật về tín dụng, chẳng mấy chốc các nhà băng sẽ “chịu không thấu”. Vì thế, việc phát hành thẻ tín dụng nội địa cũng là một sáng kiến giúp họ giải ngân nguồn vốn ứ đọng. Song, chính từ nhu cầu cấp thiết của các ngân hàng lại tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, giúp Chính phủ đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen, vừa ích nước lại lợi nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Đấu’ với tín dụng đen

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO