Dạy học trực tuyến - giải pháp lâu dài

Thu Hương 01/09/2021 06:30

Ngoài khối mầm non không học trực tuyến, toàn ngành giáo dục đã và đang xác định việc dạy học trực tuyến là giải pháp lâu dài. Cả thầy và trò, phụ huynh và xã hội đã dần làm quen với khai giảng, họp phụ huynh, tuyển sinh trực tuyến…

Khai giảng chưa từng có tiền lệ

Lễ khai giảng truyền thống của học sinh, sinh viên (HS,SV) cả nước năm nay sẽ lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến tại nhiều địa phương trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Hà Nội sẽ tổ chức lễ khai giảng trực tuyến năm học 2021-2022 bắt đầu lúc 7h30 ngày 5/9. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các fanpage và nền tảng trực tuyến khác.

Tại Nghệ An, những vùng có dịch sẽ theo dõi lễ khai giảng qua ti vi. Ở nơi chưa có dịch, lễ khai giảng trực tiếp cũng sẽ được thực hiện đơn giản. Tại Đà Nẵng, ngày 5/9, chương trình Chào năm học mới sẽ tổ chức vào 7h trên sóng DanangTV. Tại Vĩnh Phúc, các trường học trên địa bàn tổ chức thống nhất lễ khai giảng từ 7h 30 ngày 5/9. Các trường học tự chọn hình thức khai giảng theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến trên tinh thần đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Riêng Đồng Nai, giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông sẽ khai giảng vào ngày 12/9, còn giáo dục thường xuyên khai giảng vào ngày 18/9 theo hình thức trực tuyến.

Trước đó, ngày 23/8, nhiều địa phương đã tổ chức cho HS lớp 1 tựu trường theo kế hoạch năm học 2021-2022 như Bạc Liêu, Bắc Kạn, Bình Phước, Cao Bằng, Đắk Lắk… Một số tỉnh thành khác như Bắc Ninh lại ra thông báo khẩn về việc lùi thời gian tựu trường đến khi có thông báo mới do diễn biến bất ngờ của dịch Covid-19.

Mỗi địa phương một lịch tựu trường, khai giảng khác nhau, thậm chí trong cùng một địa phương nơi học trực tuyến, nơi học trực tiếp. Tất cả vì một mục tiêu chung của ngành giáo dục năm học này đó là vừa đảm bảo chất lượng vừa an toàn phòng, chống dịch.

Nâng chất lượng đào tạo trực tuyến

Tại hội nghị giáo dục đại học 2021 vừa được tổ chức, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Đại học (ĐH), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) nêu một thực trạng đó là dạy trực tuyến đối với cơ sở giáo dục ĐH có những hạn chế không thể khắc phục, đặc biệt là đối với những nội dung cần thực hành, thực tập trong phòng thí nghiệm.

Một khảo sát về đào tạo trực tuyến với giáo dục ĐH do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp nghiên cứu cho thấy, có 3 chỉ số được SV đánh giá thấp nhất. Đó là hình thức kiểm tra đánh giá kết quả, chất lượng dạy học trực tuyến và hạ tầng công nghệ, các giải pháp hỗ trợ việc học.

Đặc biệt, chỉ số chất lượng dạy học trực tuyến đều được SV và giảng viên đánh giá thấp nhất (giảng viên cho 3,83 điểm) trong 10 chỉ số được đưa ra lấy ý kiến.

Tương tự, việc học trực tuyến vẫn còn nhiều ý kiến bất đồng với những khối lớp còn nhỏ như lớp 1, lớp 2. Có những địa phương đã quyết định lớp 1 sẽ học trực tuyến với yêu cầu phụ huynh ngồi học cùng 100% toàn thời gian trong giai đoạn đầu như Hà Nội, TP HCM…

Đáng chú ý, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã quyết định nếu không thể học trực tiếp, học sinh lớp 1, 2 và 6 sẽ học qua truyền hình. Các khối lớp còn lại học trực tuyến. Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GDĐT, HS lớp 1 chưa biết chữ nên không thể học trực tuyến. Việc dạy qua truyền hình thuận lợi cho cả HS, phụ huynh và nhà trường bởi với những ưu thế như hệ thống bài giảng sẽ được lưu lại trên website, HS có thể vào xem lại nhiều lần để nắm được bài học. Kinh nghiệm của năm học trước đó là khi triển khai phương án dạy học từ xa này, HS vẫn học được khi ở khoảng cách các địa bàn xa tới 70 km.

Vai trò quan trọng của giáo viên

Theo ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GDĐT) thì để việc học tập trực tuyến trở nên hiệu quả, quan trọng nhất là ở giáo viên (GV).

GV cần tự điều chỉnh mức độ tương tác với lớp học và từng HS khi giảng dạy trực tuyến. Khi HS thoải mái, hứng thú mới tập trung vào việc học và đạt hiệu quả.

Chia sẻ quan điểm này, TS Cao Xuân Liễu, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Quản lý giáo dục (NAEM) cho rằng trong dạy học theo hình thức E-learning, vai trò của người thầy đã chuyển từ người thuyết giảng, trình bày sang người bình luận, tranh luận. Phẩm chất và năng lực của giảng viên giảng dạy theo phương thức này đòi hỏi phải có những yếu tố riêng, trong đó đầu tiên là khả năng chia sẻ và thấu cảm. Bởi tương tác giao tiếp ở đây là gián tiếp, chủ yếu thông qua “bàn phím” nên người học rất khó hiểu được ý tưởng cũng như cảm xúc của giảng viên khi trao đổi cùng họ.

Kỹ năng không tự nhiên mà có. Trong quá trình bồi dưỡng, giảng dạy, các GV sẽ tự đúc rút, học hỏi được kinh nghiệm giảng dạy trực tuyến làm sao để phù hợp với mình và học trò của mình. Tích cực, chủ động tự học hỏi qua đồng nghiệp, các tài liệu trên mạng hiện nay rất đa dạng, dễ tiếp cận với nhiều nguồn và thực hành liên tục để nhanh chóng thành thục các kỹ năng, thao tác sử dụng máy tính, thiết bị công nghệ phục vụ cho việc giảng dạy, truyền đạt tới học trò...

Vì một nền giáo dục thực chất là quyết tâm được cụ thể bằng chính sách, hành động và sự nêu gương từ chính mỗi cán bộ, GV, nhân viên trong ngành giáo dục. Để soi vào đó, người dân có niềm tin, kiên định đồng hành đổi mới cùng ngành giáo dục.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GDĐT cũng đang chuẩn bị xây dựng tài liệu để tăng cường kỹ năng cho GV thích ứng lâu dài với việc dạy học trực tuyến. Có thể xây dựng các chuyên đề riêng bồi dưỡng GV cách dạy học trực tuyến, có kế hoạch cụ thể về thời gian đào tạo, bồi dưỡng… để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đạt hiệu quả thiết thực, đồng bộ và thực chất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dạy học trực tuyến - giải pháp lâu dài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO