Đẩy mạnh truyền thông cho trẻ em dân tộc thiểu số về tảo hôn

Lan Hương 14/12/2022 17:34

Phản ánh từ địa phương cho thấy, việc triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025” (Đề án), đã đạt được những thành quả quan trọng. Trong đó, nhận thức của người DTTS đặc biệt là giới trẻ về tảo hôn đã được nâng lên rõ rệt, đây cũng chính là “chìa khóa” để tiến tới hạn chế tình trạng tảo hôn.

Nhiều kết quả khả quan

Tại Hòa Bình đánh giá về triển khai Đề án, báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án, phê duyệt mô hình điểm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đã bố trí nguồn kinh phí tập trung thực hiện việc lồng ghép, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp uỷ Đảng, chính quyền và người dân về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Song song với hoạt động tuyên truyền, tỉnh xây dựng 11 mô hình điểm.

Tính đến nay, đã mở 8 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 396 lượt người tham gia; tổ chức 29 cuộc truyền thông cho 2.525 người tham dự. Cung cấp 11.120 cuốn tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nhờ triển khai những giải pháp này, sau hơn 4 năm triển khai đề án đã góp phần tích cực ngăn chặn, đẩy lùi tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống, cơ bản không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS.

Thanh thiếu niên dân tộc thiểu số được trang bị kiến thức, kỹ năng để chủ động phòng tránh tảo hôn và nạn buôn người.

“Số trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giảm dần theo từng năm, từ 500 trường hợp tảo hôn và 5 cặp kết hôn cận huyết thống năm 2015 giảm còn 223 trường hợp tảo hôn, không có cặp HNCHT năm 2021. 100% cán bộ, công chức cấp xã, thôn, bản vùng DTTS, miền núi; người có uy tín; cán bộ, công chức làm công tác dân tộc các cấp được cung cấp thông tin pháp luật liên quan trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình…”, báo cáo cho biết.

Tương tự tại Quảng Trị việc triển khai Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống. Theo thống kê trong giai đoạn 2016 - 2020, số cặp tảo hôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giảm 445 cặp, tình trạng kết hôn cận huyết thống giảm 7 cặp so với giai đoạn 2011 - 2015. Theo số liệu mới được cập nhật, năm 2021, trên địa bàn tỉnh còn 175 cặp tảo hôn, tình trạng hôn nhân cận huyết thống gần như đã chấm dứt, 4 năm liền không có trường hợp kết hôn cận huyết thống.

Vẫn còn đó nỗi lo tảo hôn

Không riêng Hòa Bình, Quảng Trị nhiều địa phương trong cả nước triển khai Đề án đã góp phần thay đổi nhận thức cho người dân về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Thông qua việc triển khai Đề án đã có hàng nghìn đứa trẻ thoát khỏi hủ tục được đi học thay vì phải lấy chồng sớm.

Những kết quả đạt được khi triển khai Đề án là không thể phủ nhận song thực tế hiện nay cho thấy, vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã gây những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em; làm suy giảm chất lượng dân số; ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Song để chấm dứt hủ tục kết hôn sớm và hôn nhân cận huyết thống cần nhiều hơn nữa chính sách cũng như nguồn lực.

Thực tế Dự án “Tăng cường nhận thức của trẻ em, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số” (EMPoWR) được triển khai từ tháng 7/2020 đến hết tháng 6 năm 2023 tại 4 tỉnh 11 huyện 52 xã của Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội và tổ chức Plan International Việt Nam cùng thực hiện cho thấy việc hạn chế tảo hôn còn rất nhiều việc phải làm.

Theo khảo sát đầu kỳ được thực hiện từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2020 tại 17 xã thuộc 6 huyện ở 4 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị. Dự án đã khảo sát định lượng 1.725 em dân tộc thiểu số từ 10-24 tuổi, phỏng vấn đại diện chính quyền địa phương, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, giáo viên, phụ huynh có con kết hôn sớm, và đại diện các tổ chức xã hội dân sự.

Kết quả cho thấy, chỉ có 28% được trang bị để phòng tránh tảo hôn; Chỉ có 52% các em được khảo sát hiểu biết đúng về độ tuổi kết hôn tối thiểu. Các em thường hiểu sai về độ tuổi được kết hôn của nam giới, đồng thời, các em nữ cũng cảm thấy áp lực phải lấy chồng (để không bị “ế”) lớn hơn…

Theo bà Khuất Thu Hồng, Giám đốc Dự án tăng cường nhận thức của trẻ em, thanh niên DTTS về mua bán người và tảo hôn, việc cần làm là hỗ trợ các em thanh, thiếu niên DTTS có thể hiểu và vận động cho quyền của mình được an toàn, được trang bị kiến thức, thông tin, kỹ năng để bảo vệ bản thân trước nạn buôn người cũng như phòng tránh được nạn kết hôn sớm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy mạnh truyền thông cho trẻ em dân tộc thiểu số về tảo hôn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO