Dạy môn giáo dục địa phương: Không thể dạy chay

Lam Nhi 22/12/2022 07:21

Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt với kinh phí hơn 16 tỷ đồng.

Học sinh học tại Bảo tàng Hà Nội.

Nhiều kiến thức bổ ích, thú vị

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định có thêm nội dung giáo dục địa phương dạy học sinh về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp… của địa phương mình, Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành khác đã nhập cuộc ngay.

Không chỉ dạy chay các kiến thức về Hà Nội, nhiều giáo viên cho biết đã tự sưu tập tranh ảnh, tài liệu về các chủ đề liên quan đến Hà Nội để trình chiếu cho học sinh xem, từ đó khơi gợi sự tò mò, muốn khám phá tìm hiểu của học sinh. Em Mai Khánh Ngọc - học sinh lớp 7, Trường THCS Lê Ngọc Hân cho biết, một trong những bài tập về nhà được giáo viên giao đó là tìm kiếm hình ảnh các ngôi chùa thời Lý của Hà Nội và nêu bật những thông tin khái quát về những di tích này. Một bài tập khác đó là tìm hiểu về nét đẹp, độc đáo tinh tế trong phong cách, nếp sống người Hà Nội thông qua các phong tục trong ngày lễ, Tết…

Bà Phạm Trâm Anh - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, ngay từ trước khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Ban Giám hiệu nhà trường đã cùng các thầy cô giáo xây dựng hệ thống bài giảng xuyên suốt 4 năm học liên tiếp. Trong đó, bao gồm rất nhiều chủ điểm và được triển khai riêng biệt hoặc lồng ghép trong các bộ môn Mỹ thuật, Âm nhạc, Lịch sử và Địa lý… Đặc biệt, việc giảng dạy với tài liệu hình ảnh phong phú kết hợp video sống động giúp học sinh tự tin, hiểu biết hơn, thêm gắn bó, yêu thương mảnh đất nơi mình đang sống.

Thông qua những nội dung gần gũi với cuộc sống đã giúp học sinh hiểu bài, có những trải nghiệm thú vị. Đặc biệt, những tiết trải nghiệm thực tế ngoài không gian lớp học như bảo tàng, tham quan di tích… giúp các em không chỉ học lý thuyết chay mà còn được tận mắt trải nghiệm, nhập cuộc nên các em rất thấm thía và thích thú.

Giáo viên cần được trang bị kiến thức chuyên sâu

Môn học giáo dục địa phương được cả thầy và trò đều hứng thú vì nội dung kiến thức gần gũi, gắn với thực tế địa phương ở chính nơi các em đang sống. Một khảo sát thực tế của Trường Đại học Thủ đô cho thấy, giáo viên và học sinh đều hào hứng và mong muốn có sự hiểu biết về mọi lĩnh vực của Hà Nội (lịch sử, địa lý, văn hóa, tính cách người Hà Nội....).

Tuy thế, các thầy cô chưa được trang bị kiến thức chuyên sâu về Hà Nội cũng như thiếu hụt phương pháp truyền tải có hiệu quả kiến thức về Hà Nội học cho học sinh. Các nhà trường gặp khó khăn về việc đưa học sinh đi trải nghiệm, học tập tại các di tích, địa điểm ngoài trường; cơ sở vật chất, không gian văn hóa, học liệu để nghiên cứu học tập những nội dung kiến thức liên quan đến Hà Nội còn thiếu, chưa được đầu tư.

Thực tiễn đó đòi hỏi cần có chiến lược nghiên cứu về Hà Nội học và đào đạo nguồn nhân lực cốt lõi (giáo viên) để truyền dạy, phổ biến kiến thức về Hà Nội ở mọi lĩnh vực cho thế hệ trẻ Thủ đô. Chính vì vậy, Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt đang nhận được sự quan tâm của nhà trường và giáo viên Thủ đô.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 bảo đảm 100% số giáo viên giảng dạy môn giáo dục địa phương ở 3 cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ được bồi dưỡng cơ bản về kiến thức Hà Nội học. Cũng đến năm 2025, đề án bảo đảm 100% số sinh viên sư phạm được đào tạo tích hợp kiến thức Hà Nội học khi tham gia học tập tại Trường Đại học Thủ đô.

Trên thực tế, từ năm học 2020-2021, Hà Nội đã đưa nội dung này vào dạy thí điểm, sau đó dạy chính thức cho học sinh phổ thông. Tuy nhiên, đến nay Hà Nội chưa có đội ngũ giáo viên chuyên biệt để dạy môn này. Mặc dù các nhà trường và giáo viên nỗ lực xây dựng nội dung để giảng dạy nhưng còn thiếu bài bản nên mỗi nơi tổ chức một khác.

Chính vì vậy, thông tin về Đề án được các nhà trường và giáo viên, giới chuyên gia phấn khởi. Còn nhớ từ thời điểm Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi, cố PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế - nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã từng đặt vấn đề về việc cần có ngành Hà Nội học riêng biệt với tư cách là một khoa học liên ngành, giúp đúc rút kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn, xác định phương hướng phát triển…, đóng góp tích cực và hiệu quả cho sự phát triển Thủ đô. Việc đưa nội dung này vào giáo dục trong các nhà trường trên địa bàn Thủ đô một cách bài bản sẽ đem lại những hiểu biết tích cực, góp phần vào sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dạy môn giáo dục địa phương: Không thể dạy chay

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO