Dạy thêm, học thêm: Nhìn từ các thủ khoa

Thu Hương 20/08/2016 14:10

Cấm hay không cấm, buông lỏng hay siết chặt việc dạy thêm, học thêm là vấn đề gây tranh cãi bao lâu nay của ngành giáo dục. Trong khi mỗi người mỗi quan điểm, mỗi địa phương mỗi quy định thì có một điều giống nhau ở hầu hết các thủ khoa đầu vào các trường ĐH nhiều năm liền khi được hỏi đều cho biết không tham gia học thêm hoặc nếu có thì chỉ 1, 2 môn, chủ yếu là tự học và tìm hiểu thêm kiến thức qua sách vở, tài liệu internet.

Ảnh minh họa.

1. Sau mỗi kỳ thi THPT Quốc gia, danh sách những thí sinh đạt điểm cao nhất của từng khối thi, từng cụm thi… được công khai trong sự quan tâm của phụ huynh và học sinh cả nước. Một câu hỏi muôn thuở đối với tất cả những thủ khoa này là bí quyết học tập làm sao để đạt điểm cao.

Ngoài những mẹo mực, những điểm cần chú ý trong khi làm bài thì công thức chung với hầu hết những học sinh ưu tú này là chăm chỉ, nỗ lực và phương pháp học tập đúng đắn. Đến nay, có lẽ chưa từng ghi nhận chia sẻ của thủ khoa nào cho biết trong quá trình học tập lại “chạy sô” hết lớp học thêm này đến lớp học thêm khác.

Thậm chí, có những thủ khoa còn thừa nhận không bao giờ đi học thêm – điều dường như xa lạ với phần lớn học sinh Việt Nam hiện nay, đặc biệt là học sinh ở các thành phố lớn khi công cuộc học thêm được khởi động từ lứa tuổi mẫu giáo với đủ các từ năng khiếu đến kỹ năng sống, kiến thức văn hoá…

Thủ khoa 3 khối thi duy nhất trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay là Trần Bùi Xuân Dự, học sinh lớp 12B1 trường THPT Kim Sơn A (Ninh Bình) với tổng số điểm của 5 môn thi là 45,3 điểm, không có môn nào dưới 8 điểm. Nói không với học lệch, cậu học trò Ninh Bình trong suốt 12 năm học là học sinh giỏi toàn diện.

Dự chia sẻ, ngoài thời gian học ở trường, em chưa từng đi học thêm môn nào, ngoài môn tiếng Anh em có học thêm vào kỳ II năm lớp 12 để tăng cường các kỹ năng chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Với sự giúp đỡ của các thầy cô giáo, Dự cố gắng học hiệu quả ở trường, giải quyết các bài tập ngay trong thời gian ở trên lớp.

Ở nhà là thời gian tự học cùng với các tài liệu trên mạng với một tinh thần thoải mái nhất, không gò bó, gượng ép. Rõ ràng, kỹ năng tự học, tự tìm và đọc tài liệu là yếu tố quan trọng giúp Dự có được thành tích xuất sắc như ngày hôm nay.

2. “Không thầy đố mày làm nên”. Nếu không có sự dạy dỗ, hướng dẫn tận tình của các thầy cô thì một học sinh dù thông minh đến đâu cũng khó lĩnh hội hết được kiến thức nếu chỉ thông qua quá trình tự học, tự mày mò. Tương tự như vậy, việc thủ khoa không đi học thêm không đồng nghĩa với các học sinh khác không cần học thêm.

Nhu cầu học thêm, đối với một bộ phận phụ huynh và học sinh là có thực, nhất là trước mỗi mùa thi quan trọng. Vì thế, nếu chỉ đổ lỗi cho giáo viên tìm mọi cách lôi kéo học sinh đi học thêm là cái nhìn phiến diện. Bằng chứng là có rất nhiều lớp của các thầy cô giáo đã về hưu luôn đông như trẩy hội. Các thầy cô dạy trường A nhưng học sinh trường B vẫn tấp nập đăng ký học thêm.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, hiện nay nhu cầu học thêm có 2 dạng: Học thêm xuất phát từ nhu cầu thực sự và học thêm theo kiểu trào lưu, chạy đua hoặc bị ép buộc.

“Với việc học thêm, dạy thêm tràn lan theo cách các thầy cô đang thực hiện đem đến nguy cơ khiến cho nền giáo dục càng tụt hậu thay vì phát triển lên.u học sinh học thêm thực chất là được thầy cô chỉ bảo, hướng dẫn kỹ càng một đề thi để ngày mai đi thi, dẫn tới thói quen không tốt, thụ động chờ đợi được làm hộ, chỉ sẵn, mớm thêm thay vì phải tự mình vận động, tư duy.

Ở một khía cạnh nào đó, học trò đi học thêm tràn lan theo phong trào hoặc bị ép buộc một cách thường xuyên từ năm này sang năm khác sẽ dễ gặp phải những khuyết tật về trí tuệ và nhân cách: Học sinh dễ ỷ lại vào thầy cô, thiếu nỗ lực cá nhân, không biết tự học, thiếu tự tin, tính độc lập tự chủ, sáng tạo yếu” - TS Nguyễn Tùng Lâm phân tích.

Riêng với lứa tuổi tiểu học, dạy thêm, học thêm còn đem lại nhiều tác động xấu hơn nữa vì đây là lứa tuổi tránh tạo áp lực học tập, cần khuyến khích phát triển toàn diện như tăng cường hoạt động thể chất, kỹ năng, lối sống, hội họa, âm nhạc...

3. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là không khuyến khích dạy thêm học thêm dưới mọi hình thức, chỉ có thể rèn luyện ôn tập thêm cho học sinh yếu, kém. Việc quản lý chuyện dạy thêm, học thêm được phân cấp về các địa phương và hiện nay, mỗi nơi lại có những quy định, những cách làm khác nhau. Ở nơi này có chủ trương cấm, nhưng nơi khác lại vẫn ghi nhận những lớp học ca 3, ca 4…

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vào đầu tháng 6/2016, ông Đinh La Thăng – Bí thư Thành ủy TP HCM đặt ra những yêu cầu đối với nhiệm vụ nâng cao chất lượng GD&ĐT TP HCM.

Trong đó, khi đề cập sâu đến công tác dạy và học hiện nay, ông Đinh La Thăng yêu cầu: “Dạy thêm, học thêm thì phải dứt khoát bỏ. Tại sao các trường quốc tế không dạy thêm, học thêm mà chất lượng đầu ra vẫn cao? Chúng ta chỉ phụ đạo cho học sinh yếu, chứ tuyệt đối không được mở lớp dạy thêm trong các trường công”.

Riêng đối với Hà Nội, vấn đề này không được khẳng định là có xóa bỏ, cấm triệt để hay không. Theo ông Hoàng Cơ Chính- Chánh thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội, để cấp phép dạy thêm, học thêm trong nhà trường từ cấp THCS trở xuống thuộc quận huyện quản lý. Cấp THPT do Sở GD&ĐT Hà Nội quản lý. Việc quản lý học thêm ngoài nhà trường dưới dạng các trung tâm thì cần phải có phối hợp với chính quyền địa phương.

Như vậy, có thể thấy tranh cãi về chuyện dạy thêm, học thêm có cần cấm triệt để hay không có lẽ vẫn còn là câu chuyện dài. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế là các thủ khoa ĐH không mấy người dành nhiều thời gian cho các lớp học thêm nhưng vẫn đạt kết quả cao. Cùng với đó, những năm gần đây, các trung tâm luyện thi vắng bóng người học.

Học sinh các tỉnh đổ về Hà Nội để luyện, ôn thi cũng không còn. Vì sao? Vì đề thi ĐH những năm gần đây đã thay đổi, theo hướng mở, không học tủ học lệch, kiến thức chủ yếu trong chương trình phổ thông, không phải đi học ôn thi “cao siêu” mới làm được.

Nếu các cấp tiểu học, THCS cũng dần có chương trình học phù hợp, khuyến khích học sinh tự học, không nặng nề điểm số, thứ hạng thì chuyện dạy thêm học thêm lúc đó chắc sẽ không phải cấm nữa, mà sẽ tự dừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dạy thêm, học thêm: Nhìn từ các thủ khoa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO