Dạy tiếng Việt ở nước ngoài: Khó khăn vẫn nhiều

M.Loan 22/08/2017 15:27

Sáng 22/8 tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phối hợp với Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức tọa đàm “Trao đổi thực trạng dạy và học Tiếng Việt cho NVNONN và các giải pháp”.

Quang cảnh khai mạc tọa đàm.

Ông Nguyễn Công Hinh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GDĐT trong phát biểu đề dẫn tọa đàm đã nêu rõ: Mục đích của tọa đàm là để nghe ý kiến của bà con kiều bào ở các nước phản ánh về thực thạng của việc dạy tiếng mẹ đẻ cho NVNONN; thông qua tọa đàm trao đổi với nhau về những giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc dạy Tiếng Việt cho NVNONN.

Thực trạng của việc dạy tiếng Việt cho NVNONN cho thấy, “bà con ta ở các nước rất đông và mong muốn được giữ gìn tiếng Việt cho các thế hệ sau. Tuy nhiên, mong muốn là một việc nhưng để thực hiện lại là việc khác.

Có những cộng đồng, việc dạy và học tiếng Việt được tổ chức tốt, thuận lợi nhưng cũng có những cộng đồng việc dạy Tiếng Việt cho các thế hệ sau rất khó khăn. Khó khăn là bởi, thiếu thầy dạy, thiếu tài liệu và thực sự thì việc đầu tư quan tâm, ý thức đến việc học tiếng Việt cũng có mức độ; trong mỗi gia đình cũng có nhận thức khác nhau.”, ông Hinh chia sẻ.

Về phía Chính phủ rất coi trọng việc dạy tiếng Việt cho NVNONN để tạo điều kiện giữ bản sắc dân tộc; mặt khác, cũng là để giải quyết những bất đồng, bất cập trong cuộc sống của bà con ta ở nước sở tại.

Riêng về việc dạy tiếng Việt, những năm qua, Chính phủ đã phê duyệt 3 đề án. Kết quả là 2 bộ sách Tiếng Việt vui, Quê Việt và chương trình dạy tiếng Việt trên truyền hình đã phát sóng 1 số năm. Bộ sách hiện là tài liệu sử dụng chung cho cộng đồng người Việt.

Thủ tướng cũng đã phê duyệt đề án Dạy tiếng Việt online và sẽ xây dựng một cổng thông tin để giúp người Việt Nam học tiếng Việt trực tuyến tạo công cụ để bà con có thể học tiếng Việt ở mọi lúc, mọi nơi.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban VNVNONN Lương Thanh Nghị đứng từ góc độ một người từng gắn bó với cộng đồng trong thời gian công tác tại nước ngoài đã chia sẻ: Việc dạy và học tiếng Việt từ lâu đã là một nhu cầu thiết yếu của các cộng đồng NVNONN nhưng do điều kiện khách quan và chủ quan nên việc dạy và học tiếng Việt diễn ra với các mức độ và hiệu quả khác nhau tùy thuộc vào từng địa bàn và có thuận lợi hơn ở các quốc gia nơi tiếng Việt được công nhận và coi trọng.

Cô Đồng Thị Dung (TP Đài Nam – Đài Loan) – người đã tham gia giảng dạy 4 năm tại hơn 10 trường tiểu học, một số trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm gia đình tân di dân và 2 trường đại học cộng đồng ở Đài Loan thì nêu kinh nghiệm: Số lượng học sinh tham gia không nhiều, một phần vì đây là một môn ngoại ngữ không bắt buộc, không thi lấy điểm, đăng ký mang tính chất tự nguyện.

Trong đó, đối với học sinh tiểu học, môn học này gần như trở thành áp lực, mất đi thời gian vui chơi của các em. Vì vậy, giáo viên phải lên kế hoạch dạy để lôi cuốn học sinh tham gia. Còn, đối với học sinh trung học cơ sở, đây là môn học cộng điểm nhưng tiếng Việt lại chỉ là một trong nhiều môn lựa chọn, đa phần học sinh chỉ học vì hiếu kỳ, muốn học thử để biết tiếng Việt như thế nào.

Tuy nhiên, đáng mừng là có nhiều đoàn thể, hiệp hội, trường học quan tâm đến việc dạy và học tiếng Việt tại Đài Loan – đó cũng là tia hi vọng mới cho môn tiếng Việt tại Đài Loan.- cô Dung cho biết.

Tình hình dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN

Theo thống kê sơ bộ của Ủy ban VNVNONN hiện nay ở Mỹ có khoảng 200 trung tâm/cơ sở dạy tiếng Việt, ở Thái Lan có 39 lớp dạy tiếng Việt; Campuchia có 33 điểm trường/lớp dạy tiếng Việt; Lào có 13 trường/trung tâm dạy tiếng Việt. Các nước Pháp, Đức, Séc, Nga… cũng có hàng chục trung tâm dạy tiếng Việt. Nhưng các cơ sở dạy tiếng Việt thường có quy mô nhỏ, mang tính tự phát, không có tài trợ thường xuyên, cơ sở vật chất thiếu thốn, số lượng học viên không nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dạy tiếng Việt ở nước ngoài: Khó khăn vẫn nhiều

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO