Đề án văn hóa đọc trong cộng đồng: 3 năm nhìn lại

Hoàng Minh 29/12/2020 08:00

Ngày 28/12, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2020” và trao Giải thưởng phát triển văn hóa đọc năm 2020.

Trao Giải thưởng phát triển văn hóa đọc 2020. Ảnh Thành Tùng.

Sau hơn 3 năm thực hiện Đề án, các chỉ tiêu, chỉ số về phát triển văn hóa đọc đều có sự gia tăng. Thông qua việc triển khai Đề án môi trường đọc đã được cải thiện, mạng lưới thư viện không ngừng phát triển. Đã có hơn 3.000 thư viện phòng đọc sách cộng đồng.

Các đối tượng đặc biệt như người khuyết tật, phạm nhân cũng được quan tâm nhiều hơn… Nếu so sánh với năm 2017, số lượng sách xuất bản tăng hơn 100 triệu bản; các hình thức xuất bản cũng phong phú và hấp dẫn hơn, tổng số bản sách/ đầu người dân được nâng lên 4,6 bản/người; số đầu sách của Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

Phát biểu tại buổi lễ, Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà bày tỏ: Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng được thực hiện đã góp phần nâng cao nhận thức về văn hóa đọc, khơi dậy lòng yêu đọc sách, hình thành thói quen và kỹ năng đọc của người dân đặc biệt là tầng lớp thanh, thiếu niên.

Tuy nhiên, theo bà Vũ Dương Thúy Ngà: Nhận thức của một số địa phương, cơ quan, bộ, ngành cũng như một bộ phận người dân về vai trò của văn hóa đọc vẫn còn hạn chế. Từ đó dẫn đến việc thiếu sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư cũng như sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan cho hoạt động phát triển văn hóa đọc.

Cụ thể, kinh phí dành cho việc thực hiện Đề án chưa được bố trí đồng đều giữa các địa phương, bộ, ngành. Ngân sách dành cho xây dựng, phát triển tài nguyên thông tin còn hạn chế. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến các mục tiêu đã đặt ra trong Đề án, cụ thể như tiêu chí 1 bản sách/người dân vào năm 2020 là không thực hiện được.

Ngoài ra, cho dù thư viện là thiết chế văn hóa giữ vai trò quan trọng, tiên phong trong việc phát triển văn hóa đọc nhưng một số thư viện vẫn còn thụ động, thiếu sự sáng tạo, đổi mới trong hoạt động, thiếu sự năng động trong kết nối đến cộng đồng, chưa cải thiện được chất lượng phục vụ. Tình trạng này khiến cho các hoạt động thư viện thiếu sức hấp dẫn, không thu hút được bạn đọc cũng như không đáp ứng được nhu cầu đọc và học tập suốt đời của người dân trên địa bàn.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh khoa học công nghệ không ngừng phát triển hiện nay, nhu cầu đọc bằng nhiều hình thức hiện đại của người dân không ngừng tăng cao. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng, sản xuất các loại sách điện tử, sách nói,… của các nhà sách, nhà xuất bản vẫn còn hạn chế.

Công tác số hóa tài liệu trong hệ thống thư viện tại nhiều nơi vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Tỷ lệ sách giáo khoa xuất bản vẫn còn cao, sách kỹ năng sống còn hạn chế về số lượng và chất lượng, chất lượng sách vẫn chưa đảm bảo, còn nhiều sách xuất bản không có giá trị. Sự phối hợp giữa các ngành trong thực hiện Đề án chưa được quan tâm đúng mức. Công tác chỉ đạo, báo cáo, thống kê việc triển khai Đề án tại nhiều nơi chưa được nghiêm túc thực hiện…

Vụ trưởng Vụ Thư viện cũng đề xuất, phát huy những kết quả đã đạt được trong 3 năm qua, các hình thức thông tin truyền thông cần không ngừng đổi mới, sáng tạo, áp dụng các phương thức mới, hiện đại nhằm nâng cao khả năng tiếp cận, tính hấp dẫn, thu hút đối với người dân.

Cũng tại Hội nghị, BTC cũng trao Giải thưởng phát triển văn hóa đọc 2020 cho 15 tập thể và 9 cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề án văn hóa đọc trong cộng đồng: 3 năm nhìn lại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO