Để con không nghiện game online

Thủy Anh 16/05/2016 14:00

Cuối tuần vừa qua, Trung tâm Phụ nữ và phát triển đã tổ chức diễn đàn dành cho các bậc phụ huynh với tên gọi “Nghiện game online”. Tại diễn đàn, diễn giả, chuyên gia giáo dục trẻ Trần Văn Hùng, giám đốc Trung tâm lớp học xanh Sơn Nam cho rằng: Nếu thấy các con chơi game đến 3 tiếng 1 ngày, thì đó chính là biểu hiện của nghiện game. 

Ảnh minh họa.

Tìm đến game để thỏa mãn tính tò mò

Theo ông Trần Văn Hùng: Các gia đình hiện nay rất thiếu hiểu biết về tác hại của game. Luôn chỉ nghĩ rằng, cứ nộp tiền học cho con xong là hết, không tạo điều kiện cho con tham gia những trò chơi truyền thống. Vì thế trẻ con dễ bị sống trong thế giới ảo, và game là thế giới ảo.

Thế giới ảo thì dễ sống hơn thế giới thật rất nhiều. Khi các em chơi thua thì thấy bình thường, có thể chấp nhận được nhưng thua trong đời thì khó chịu lắm, nên lâu dần thì chúng thích sống ảo. Thêm vào đó, có rất nhiều em không có tiếng nói chung trong gia đình. Ví dụ bố mẹ cãi nhau thì đứa bé trở nên cô đơn. Tìm đến game là điều dễ hiểu, và chúng ta cần phải suy nghĩ.

Tất cả gia đình cứ mải mê tìm thầy giỏi nhất cho con, nhưng bậc thang giá trị sống như lòng biết ơn, trách nhiệm ai cũng bảo con thiếu. Họ rất mải mê xây dựng phần tâm trí cho con nhưng phần tâm hồn thì bỏ, miễn là con học giỏi.

Trao đổi tiếp về những vấn đề liên quan đến game, ông nói: Chính bởi sự thiếu quan tâm của các bậc phụ huynh, bởi các em thiếu không gian để xả stress, cho nên dễ bị game làm cho tò mò. Các em bị hấp lực của hình ảnh, sách báo và các dịch vụ khiêu dâm. Vì qua đó các em được thoả mãn tính tò mò mà không bị dòm ngó hay phát hiện. Hoặc hấp lực từ việc các em có thể làm giàu trên máy tính rất nhanh mà không cần bằng cấp, không bị giám sát, không sợ chịu trách nhiệm.

Khi kết nối ảo, người chơi tự cắt đứt một mối tương tác xã hội thực sự, tự giam mình. Xáo trộn đồng hồ sinh học, không có suy nghĩ cần thiết cho một sự phát triển nhân bản lành mạnh… Đâm chém nhau trong game thường xảy ra có xu hướng chọc ghẹo, quậy phá bạn bè, hay cáu gắt và tinh thần không ổn định. Rất nhiều trường, lớp cứ một nửa phía dưới ngủ gật.

Thêm vào đó, khi các em nghiện game sẽ gia tăng nói dối, không có hứng thú và sở thích gì ngoài game, chán ăn, ăn ít, giảm cân, trầm cảm. Đôi khi có em thấy mình vô dụng, tội lỗi có thể nghĩ đến cả tự sát.

Ông cũng khẳng định: Trò chơi ăn thua trên mạng này khiến các em căng thẳng, không giảm thiểu stress. Sức khỏe xấu, bao tử bị bào mòn dẫn đến viêm loét do nhịn ăn bỏ bữa, gặm bánh mì, mỳ tôm thay cơm, dành tiền chơi vi tính. Càng nghiện game, stress càng gia tăng, càng ít giao tiếp, tự giam mình trong phòng. Nhiều em lại rơi vào các trạng thái của bệnh lý trầm cảm thậm chí tâm thần, có hành vi tự huỷ hoại bản thân như tự tử hoặc giết người.

Giải pháp mang tính toàn diện

Ông Hùng cho rằng: Trong bức tranh cực kỳ khó khăn như thế, không thể cắt được internet vậy giải pháp là gì? Giải pháp quan trọng và hữu hiệu nhất đó là dành thời gian đúng cho con, ngồi xuống sàn chơi với con, cùng con đi tham quan, câu cá…

Đưa ra giải pháp về cách tạo sân chơi cho trẻ em, ông cho biết có thể tạo cho con khoảng không gian để nuôi thú vật, cá cảnh… Có thể ban đầu con không thích nhưng hãy rủ từ từ, rồi sau con sẽ thích. Đặc biệt, con thích gì thì hãy tạo sân chơi cho các con.

Nuôi cá không phải để thật đẹp, mà quan trọng là tạo tính tự lập cho con. Khi có con chó, con mèo, ngoài tính tình các con sẽ nhẹ nhàng đi mà khi chơi với chúng, chăm chúng thì bản chất sẽ không dính vào game nhiều. Chẳng may con làm vỡ bình cá cũng đừng mắng con… Hãy làm sao để con biết yêu thiên nhiên, và trở nên hiền lành.

Các phụ huynh cũng cần nhận thức rõ về việc chăm con, đặc biệt không cãi nhau trước mặt con, để con thấy bố mẹ đồng tâm. Cãi nhau thì con sẽ không biết theo ai. Tránh trường hợp để con có cảm giác cô đơn. Khi con chán sẽ tìm cách tiêu khiển, ngay cả người lớn cũng vậy thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để con không nghiện game online

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO