Dễ dãi phong ‘thần’

Tinh Anh 16/03/2021 10:30

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi vừa có công văn gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu dừng việc mời “thần y” Võ Hoàng Yên về địa phương này chữa bệnh. Xưa nay, mời được “thần y” chữa bệnh là chuyện may mắn cầu còn chẳng được, vì sao lại có chuyện UBND tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo cấp dưới không được mời “vị thần” này?

Thực ra, trên đời này không có gì là tự nhiên cả. Mọi sự đều có nguyên nhân và hệ quả tất yếu của nó, kể cả trong các phạm trù khoa học, hay thuyết nhân quả luân hồi của nhà Phật. Trong khoa học, đào tạo tốt sẽ cho ra nhân tài. Trong kinh Phật, gieo nhân thiện sẽ hưởng phúc, ngược lại gieo mầm ác sẽ gánh hậu quả, tai ương.

Vì thế, không phải vô cớ mà UBND tỉnh Quảng Ngãi lại “chặn” “thần y” Võ Hoàng Yên tới “cứu giúp” dân lành. Chỉ lệnh trên xuất phát từ thực tế là ông Võ Hoàng Yên thực ra không phải là thần thánh gì cả, mà chỉ là có sự ngộ xưng ở đây. Bởi nếu thực sự là “thần”, ông Yên đã có thể “phù phép” cho các cháu nhỏ khỏi bệnh.

Vào tháng 7/2020, ông Võ Hoàng Yên đã từng được “vời” về huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) để chữa bệnh cho hàng trăm trường hợp, trong đó có hàng chục cháu nhỏ bị bệnh teo cơ, câm điếc bẩm sinh... Tuy nhiên, sau quá trình chữa trị của “thần y” Võ Hoàng Yên, bệnh của các cháu nhỏ không có tiến triển gì khả quan cả.

Giờ thì Công an huyện Bình Sơn mới chỉ đang vào cuộc điều tra xem việc chữa bệnh của “thần y” Võ Hoàng Yên ở địa phương có dấu hiệu vi phạm pháp luật hay không. Song, danh xưng “thần y” của ông Võ Hoàng Yên trong con mắt của nhiều người dân nơi đây đã sụp đổ hoàn toàn, bởi không có “phép màu” xảy ra đối với con cái họ.

Tức cười ở chỗ, chưa biết khả năng chữa trị bệnh của ông Võ Hoàng Yên có hiệu quả như thế nào, các cháu nhỏ bị bệnh bẩm sinh có thực sự khỏi bệnh câm điếc, teo cơ hay không, lãnh đạo địa phương tổ chức khen thưởng vì những đóng góp trong việc khám, chữa bệnh trên địa bàn. Để rồi giờ đây người dân thất vọng tràn trề.

Làm sao có thể không thất vọng, khi mà bao nhiêu năm mòn mỏi chờ mong một phép màu có thể khiến con cái họ khỏi hẳn bệnh tật bẩm sinh, có thể đi lại được, có thể nghe mọi thứ và bi bô những câu nói dễ thương của con trẻ, để rồi một vị “thần y” bỗng nhiên xuất hiện hứa đủ điều, nhưng sau đó mọi hy vọng đều tan tành như bong bóng?

Lạ một điều, làm sao ông Võ Hoàng Yên có thể được “phong thần”, khi mà việc chữa bệnh của ông không hiệu quả? Dư luận xã hội đặt vấn đề, liệu danh xưng “thần y” là do người bệnh tôn vinh vì ông Võ Hoàng Yên chữa trị quá giỏi, hay chỉ đơn giản là do bản thân ông này và các “cộng sự” tự tung hô, kẻ xướng người họa?

Ở bài viết này, tôi không muốn lạm bàn về danh xưng “thần y” của ông Võ Hoàng Yên là xuất xứ từ đâu, mà muốn để dành cho cơ quan chức năng cứu xét. Song, có một điều rõ ràng là nếu ông Yên thực sự giỏi về y thuật như vậy, tại sao Nhà nước, Bộ Y tế và các cơ quan hữu trách chưa công nhận, tôn vinh cho xứng tầm?

Như vậy lẽ nào chúng ta đã để lãng phí một nhân tài hiếm có hay sao? Chẳng phải lúc sinh thời Bác Hồ đã từng lặn lội sang tận nước Pháp xa xôi để mời cho bằng được những nhân tài, trong đó có những bác sĩ rất giỏi về phục vụ cho đất nước đó sao? Cớ sao hiện có một vị “thần y” đang hiển hiện ngay trước mắt lại không được trọng dụng?

Điều đó chỉ có thể được lý giải rằng, trình độ chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên chưa đến mức để tung hô là “thần y”. Đến như GS Tôn Thất Tùng và nhiều GS.TS đầu ngành y tế còn chưa được vinh danh là thần y, lẽ nào ông Võ Hoàng Yên giỏi hơn họ? Chắc chắn là không rồi, bởi nếu vậy ông Yên đã được Nhà nước trọng dụng thỏa đáng.

Như vừa phân tích, danh xưng “thần y” xét về khía cạnh khoa học là không ổn, nên chỉ có thể có ý nghĩa về mặt tâm linh. Tất nhiên, hiện có những vấn đề nằm ngoài sự hiểu biết của con người, không thể lý giải bằng logic thông thường nên người ta gọi là tâm linh, thần thánh. Song, ông Võ Hoàng Yên lại chưa có bất cứ sự “đột phá” nào trong y học mà không thể lý giải bằng logic khoa học.

Vậy thì danh xưng “thần y” nói có văn hóa là danh hão, là “chém gió”, còn nói một cách cay cú, nanh nọc thì đó là “lừa đảo”. Lừa đảo ở đây không hẳn chỉ có nghĩa là lừa tiền của người bệnh, mà nó bao hàm sự hứa hẹn hão huyền để rồi khiến người bệnh thất vọng ê chề, mất niềm tin dẫn đến suy sụp tinh thần đối với bệnh tật.

Vậy nên, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần “trả lại tên cho em”, vào cuộc xác minh, làm rõ việc khám chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên là dựa trên căn cứ nào, khoa học biện chứng hay tâm linh, và quan trọng hơn là có hiệu quả hay không. Nếu thực sự hiệu quả thì cần được tôn vinh, còn nếu chỉ là giả mạo thì cần có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc. Không thể dễ dàng phong thần như vậy được!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dễ dãi phong ‘thần’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO