Để dân hưởng lợi từ giá điện

H.Vũ 30/05/2020 08:00

Ngành điện vẫn cho là giá điện ở ta thấp hơn nhiều nước trên thế giới. Nhưng đáng chú ý là trong khi chúng ta có khá nhiều nhà máy điện và nhiều nguồn điện năng thì người dân, doanh nghiệp vẫn “than” về giá điện. Vậy, vấn đề nằm ở đâu?

Để dân hưởng lợi từ giá điện

Dù hệ thống điện đã phát triển nhưng giá điện vẫn cao. Ảnh: Quang Vinh.

Giá thấp sao dân vẫn than?

Theo Global Petrol Prices: Trong số 93 nước được thống kê, nếu tính từ thấp đến cao thì Việt Nam đứng thứ 21. Nếu so với một số nước/khu vực trong khu vực thì giá điện của Việt Nam chỉ bằng 81,7% so với Lào, và bằng 73,5% so với Campuchia.

Theo quy hoạch ngành điện, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong các năm tới, cả nước cần tới 60.000MW vào năm 2020, năm 2025 cần 96.500MW và đến năm 2030 là 129.500MW.

Thế nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ chế giá điện đang “có vấn đề”, cần phải có tư duy lại về giá điện và cơ chế định giá. PGS.TS Trương Duy Nghĩa- Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho rằng, giá điện trung bình của Việt Nam khá thấp so với thế giới, nhưng nếu phải tính theo các bậc trên cao, giá Việt Nam lại thuộc hàng đắt đỏ. Do đó, biểu giá cần thay đổi theo hướng hợp lý hơn so với mức trung bình.

Hiện nay, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt ở mức 5 bậc thang thay vì 6 bậc như hiện hành song người dân vẫn cảm thấy giá điện vẫn cao và đòi hỏi một sự công khai minh bạch trong cách tính giá điện. Mỗi lần giá điện được điều chỉnh thì lại một lần người dân có những thắc mắc, và hoài nghi về cách tính giá. Ngay trong tháng 4 vừa qua, cá biệt có những hộ tiền điện tăng lên tới 80%.

Lý giải cho việc trong thời gian qua có nhiều khách hàng khiếu nại tại sao hóa đơn tiền điện tháng sau tăng cao hơn tháng trước, ông Nguyễn Văn Lý- Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty điện lực miền Nam giải thích rằng, qua theo dõi thấy sản lượng điện sinh hoạt của hộ gia đình cao hơn tháng 3 khoảng 11%. Cộng thêm tháng 4 tăng cao do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cha mẹ ở nhà làm việc từ xa, con cái không đi học nên ở nhà, tất cả làm tăng sản lượng điện tiêu thụ. Tất cả yếu tố đó cộng lại khiến mức chênh lệch cao hơn.

Nhưng sự giải thích đó cũng chỉ là để giải đáp một trong rất nhiều thắc mắc của người dân sau mỗi lần điều chỉnh giá điện. Đơn cử như khi giá điện tăng 8,36% từ ngày 20/3/2019, thì hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình bỗng “nhảy vọt” gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi.

Và một nguyên nhân khiến giá điện cao theo đánh giá của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) là giá điện cao nằm ở sự độc quyền và thất thoát trong quá trình truyền tải điện. Nhất là việc ngành điện chưa rõ ràng được đầu vào, đầu ra, giá thành, giá cả, lời lãi thỏa đáng. Theo ông Thịnh, độc quyền sinh ra cồng kềnh lạc hậu vì vậy ngành điện muốn có được giá thành hợp lý phải nâng cao năng suất lao động, cổ phần hóa doanh nghiệp, thực hiện cơ chế quản lý theo thị trường, giá thành hợp lý nhất sao cho có lợi cho doanh nghiệp và khách hàng. Ông Thịnh nói: “Ta đừng vin cớ ngang bằng với nước này, hay thấp hơn nước kia, điện là cái chúng ta sản xuất, quản lý và có thể làm cho giá thành thấp hơn nếu cố gắng đổi mới cơ chế quản lý, công khai minh bạch”.

Để dân hưởng lợi từ giá điện - 1

Giảm giá điện cũng chính là để thúc đẩy tăng trưởng. Ảnh: Quang Vinh.

Tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng

Vậy làm sao giảm được giá điện để DN và người dân hưởng lợi? Bởi lẽ giá điện cao là nguyên nhân khiến giá các mặt hàng sản xuất cũng tăng theo, khiến sản phẩm của nước ta khó có thể cạnh tranh được so với các nước khác. Để giảm giá điện, Bộ Công thương đã kiến nghị Thủ tướng xem xét trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), trong đó, cho phép áp dụng các quy định về xã hội hóa đối với lưới điện truyền tải.

Chính vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa cung cấp dịch vụ thiết yếu (điện, nước, xử lý môi trường) là 1 trong 5 nhóm lĩnh vực được lựa chọn trong đầu tư dự án PPP. Bởi lẽ nó phù hợp với sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Từ thực tế giám sát đi giám sát tại các địa phương, ông Bùi Thanh Tùng- Ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, có nhiều dự án xây dựng nhà máy điện gió, điện mặt trời, điện khí quy mô lớn cần phải đầu tư theo phương thức PPP. Theo ông Tùng, việc cho phép DN chủ đầu tư PPP được đầu tư vào lưới điện sẽ tạo điều kiện san sẻ bớt áp lực tài chính với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhằm đưa nhanh sản phẩm điện từ các nhà máy điện cung cấp bổ sung cho lưới điện quốc gia. “Đầu tư PPP không phải là đầu tư tư nhân thuần túy nên quyền kiểm soát, quyết định các yếu tố liên quan đến phát triển điện, cung ứng dịch vụ truyền tải điện vẫn phải do cơ quan có thẩm quyền để thực hiện. Do đó, việc cho phép đầu tư dự án PPP trong lĩnh vực lưới điện là không trái với quy định độc quyền của Nhà nước tại Luật Điện lực”- ông Tùng bày tỏ.

Cho rằng cần đưa lĩnh vực năng lượng nói chung và nhà máy điện, lưới điện nói riêng vào lĩnh vực đầu tư dự án theo phương thức PPP, bà Mai Thị Ánh Tuyết- Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận: Thực tế thời gian qua người sử dụng điện rất bức xúc về tính minh bạch về giá điện và các vấn đề liên quan đến dịch vụ cung cấp điện do tính độc quyền trong cung cấp điện. Nhất là những năm gần đây, năng lượng tái tạo phát triển mạnh, thậm chí nhiều thời điểm phát triển nóng, nhưng tỷ lệ đóng góp trong tổng công suất điện gió, điện mặt trời vẫn còn hạn chế do hệ thống pháp lý phát huy nguồn điện tái tạo và xã hội hóa trong ngành điện gặp khó khăn.

Từ phân tích trên, bà Tuyết đề nghị, cần việc đưa lĩnh vực năng lượng nói chung và nhà máy điện, lưới điện nói riêng vào lĩnh vực đầu tư dự án theo phương thức PPP nhằm thực hiện tính minh bạch trong định giá điện và tiến tới áp dụng giá thị trường đối với lĩnh vực năng lượng để khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng.

“Cần đầu tư lưới điện, nhà máy điện theo phương thức PPP. Vì việc lựa chọn này phù hợp với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Yêu cầu việc phát triển năng lượng nhanh và bền vững, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng, có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia, vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia độc lập dưới sự kiểm soát của nhà nước hay thực tế hiện nay đã có nhiều dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo phương thức PPP. Do đó áp dụng phương thức đầu tư PPP đối với lĩnh vực lưới điện, nhà máy điện là hoàn toàn phù hợp”- ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để dân hưởng lợi từ giá điện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO