Để du lịch Mường La cất cánh

Thanh Sơn 30/12/2020 08:06

Huyện Mường La là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch lịch sử -văn hóa, du lịch nông nghiệp hấp dẫn.

Bể tắm nước khoáng nóng Bản Lướt.

Huyện Mường La cách phía Bắc TP Sơn La (tỉnh Sơn La) gần 80 km. Huyện Mường La được biết đến là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch lịch sử -văn hóa, du lịch nông nghiệp hấp dẫn. Tuy nhiên, có không ít những tồn tại, bất cập, hạn chế khiến du lịch chưa thu hút du khách.

Tiềm năng du lịch Mường La

Bà Mùa Thị Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La cho biết: Điểm nhấn của du lịch Mường La đối với du khách trong những năm qua là thị trấn Ít Ong và xã Ngọc Chiến. Đến với thị trấn Ít Ong, du khách được tham quan di tích hang Co Nong, di tích lịch sử đồn Pom Pát, thủy điện Sơn La, Bảo tàng thủy điện, Đài tưởng niệm thủy điện Sơn La, du thuyền lòng hồ sông Đà, được trải nghiệm tắm suối khoáng nóng bản Hua Ít.

Từ thị trấn Ít Ong di chuyển khoảng 40 km theo tuyến đường tỉnh 109 đến xã Ngọc Chiến có độ cao hơn 1.600 m so với mặt nước biển, nơi đây là nơi sinh sống của các dân tộc Thái, Mông, La Ha, đến đây du khách được hòa mình vào không gian thơ mộng của núi rừng Tây Bắc, nơi có núi non trùng điệp, những bản làng e ấp bên sườn núi, có suối nước khoáng nóng bản Lướt.

Nổi bật, khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của rừng sơn tra Nậm Nghẹp, khám phá du lịch cộng đồng bản Pom Mỉn, cánh đồng Mường Chiến, cây sa mu nghìn tuổi, thưởng thức hát Then ở bản Tu Nguồng, hòa mình vào lễ hội Mừng cơm mới được tổ chức vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 dương lịch hàng năm.

Người dân đan đồ thủ công ở Mường La.

Thời điểm này, du khách được chiêm ngưỡng không gian tuyệt đẹp bởi sắc vàng của mùa lúa chín. Hoặc từ trung tâm huyện theo tuyến đường liên xã Mường Trai - Chiềng Lao - Hau Trai, du khách sẽ tới tham quan di tích lịch sử Pom Đồn, du thuyền lòng hồ thủy điện Sơn La, du lịch cộng đồng xã Mường Trai, tham quan hang Đán Đanh, du lịch cộng đồng xã Chiềng Lao, thủy điện Huổi Quảng.

Bên cạnh đó, công tác lưu giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc được chú trọng, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã tổ chức thành công Lễ hội “ Kin khẩu máư”( Mừng cơm mới) tại xã Ngọc Chiến; Phực dựng lễ hội “Pang a” (Lễ hội tạ ơn) của dân tộc La Ha, xã Pi Toong; “Ngày hội văn hóa dân tộc Mông” tại xã Chiềng Công… góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc đồng bào các dân tộc.

Nhiều sản phẩm du lịch, dịch vụ bước đầu được hình thành như du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và nông nghiệp…

Đập thủy điện Sơn La.

Giải pháp để phát triển

Mặc dù tiềm năng du lịch Mường La là rất lớn, bước đầu địa phương đã có sự quan tâm, đầu tư, phát triển, hình thành các sản phẩm du lịch phục vụ khách du lịch nhưng cho đến nay nhiều tiềm năng, thế mạnh vẫn chưa được khai thác, vai trò, các chính sách phát triển du lịch chưa hiệu quả, chưa thu hút được các nhà đầu tư. Các điểm đến còn thiếu các biển chỉ dẫn. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch còn thiếu.

Nổi lên trước hết là vấn đề giao thông nối từ TP Sơn La vào huyện Mường La. Có đoạn đường dài khoảng 5 km nhiều dốc, cua đã xuống cấp, chưa được đầu tư nâng cấp khi nắng thì bụi mù mịt, khi mưa thì lầy lội, dễ bị sạt lở, gây khó khăn cho việc đi lại, phục vụ khách du lịch đến các điểm tham quan. Tại các điểm du lịch nhất là tại các điểm tắm suối khoáng nóng các dịch vụ phục vụ khách còn thiếu, chưa chuyên nghiệp, thiếu các biển chỉ dẫn, thông tin dành cho khách. Ở các nhà nghỉ homestay còn thiếu các nhà tắm nóng lạnh, nhà vệ sinh nếu đoàn đông đến nghỉ ngơi.

Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam: Tiềm năng của Mường La là rất lớn về tài nguyên tự nhiên, tài nguyên du lịch văn hóa, các giá trị kiến trúc truyền thống với những nếp nhà sàn bằng gỗ pơmu hàng trăm năm tuổi. Các lễ hội mang đậm tín ngưỡng bản địa, nét ẩm thực độc đáo. Mường La có đặc điểm khí hậu trong lành, mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, nhiều hang động, thác, suối chưa được khám phá. Mường La hoàn toàn có thể đa dạng hóa sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách”.

Bên cạnh tài nguyên nước khoáng nóng đáp ứng khách nghỉ dưỡng, chữa bệnh, Mường La có địa hình rất phù hợp đối với khách khám phá, trải nghiệm thiên nhiên, thể thao, mạo hiểm, trekking. Tuy nhiên, do tính liên kết còn quá yếu nên hình ảnh điểm đến Mường La còn rất mờ nhạt trong bức tranh du lịch chung của Sơn La và cả vùng Tây Bắc”. Qua thực tế, Giám đốc Công ty Tiên Phong Phùng Xuân Khánh cho biết: Các sản phẩm du lịch Mường La hiện tại chưa phát huy được tiềm năng cũng như tạo lợi thế cạnh tranh.

Theo ông Khánh: Tuyến du lịch đường thủy trên hồ là một trong những thế mạnh, có thể tổ chức những tour trải nghiệm đặc thù của Mường La. Từ Thủy điện Sơn La có thể ngắm cảnh lòng hồ thủy điện Sơn La, quan các bản làng tái định cư; thăm hang Đán Đanh; trải nghiệm cách nuôi cá tầm trên sông. Đây chính là cơ sở, điều kiện thuận lợi để phát triển tour đường thủy. Tuy nhiên, hiện mới có 2 thuyền phục vụ và một nhà hàng nổi phục vụ ăn uống tuyến này, các điểm dừng, nghỉ, thăm thú cảnh quan hầu nhưu chưa được khai thác, nên chưa tạo sức hút du khách.

Mường La cần quan tâm, chú trọng xây dựng điểm đến, nhà vệ sinh, điểm đón khách cùng các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ khách, các hoạt động trải nghiệm đối với khách. Vấn đề quảng bá về du lịch, vấn đề y tế cần được quan tâm, đầu tư, nâng cấp cho phù hợp với nhu cầu và phát triển của du lịch. Tăng cường đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp, địa phương với địa phương, liên kết vùng trong xây dựng sản phẩm, quảng bá hình ảnh, thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực, góp phần xây dựng Mường La thực sự là điểm đến hấp dẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để du lịch Mường La cất cánh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO