Để giữ 'sân nhà'

Duy Phương 24/05/2019 07:00

Hàng Việt muốn đến tay người Việt tưởng dễ mà không dễ. Đó là chia sẻ của nhiều doanh nghiệp bán lẻ khi nói đến việc tìm cách đưa các sản phẩm của mình lên các kênh bán hàng lớn như trung tâm thương mại, siêu thị lớn… Không phủ nhận, mở rộng cửa hội nhập, chúng ta thu hút được ngày càng nhiều các doanh nghiệp ngoại đầu tư vào thị trường trong nước.

Để giữ 'sân nhà'

Để thu hút người tiêu dùng, các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm.

Người tiêu dùng Việt từ đó cũng sẽ có cơ hội lựa chọn những sản phẩm đến từ nước ngoài mà không cần phải cất công đi đến tận các thị trường quốc tế mới có thể sắm đồ. Với việc mở cửa, chúng ta đã được chứng kiến nhiều trung tâm thương mại, nhiều hệ thống siêu thị lớn được xây dựng lên. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc thị phần hàng hóa của các DN Việt bị thu hẹp đi.

Ngay từ đầu những năm 2000,chúng ta đã chứng kiến thị trường bán lẻ Việt Nam thu hút hàng loạt các DN nước ngoài thâm nhập, trong đó phải kể đến Tập đoàn Central Group (Thái Lan) hiện đang sở hữu 4 đại siêu thị, 19 siêu thị Mega Market, 75 cửa hàng tiện lợi B’smart, 32 siêu thị Big C, đồng thời nắm 49% cổ phần hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim và Lan Chi Mart…

Một đại gia khác đến từ Nhật Bản hiện đang nắm giữ 5 đại siêu thị gồm Aeon Mall, Trung tâm Thương mại Saigon Centre cùng hệ thống cửa hàng tiện ích Family Mart, 7-Eleven… Có thể thấy, các nhà bán lẻ ngoại đã không bỏ lỡ cơ hội khi nhìn thấy thị trường Việt Nam thực sự là một “miếng bánh ngon”.

Đến thời điểm này, chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội hiện có 22 trung tâm thương mại, 125 siêu thị, hơn 700 cửa hàng tiện lợi. Song có một thực tế là, càng hiện đại, càng lớn thì thị phần mà các DN Việt giành được tại những trung tâm thương mại, siêu thị kia lại càng nhỏ bé. Thời gian đầu, chứng kiến sự thâm nhập của các nhà đầu tư ngoại vào trong nước xây dựng hệ thống bán lẻ, nhiều DN nội đã “khấp khởi mừng thầm” với hy vọng sẽ có cơ hội đưa hàng hóa của mình vào các hệ thống phân phối này, từ đó không chỉ đưa được hàng hóa “made in Việt Nam” đến tay người tiêu dùng trong nước mà hơn thế, còn có thể xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới qua các kênh này.

Thế nhưng chỉ sau một thời gian đưa hàng vào siêu thị ngoại, các DN Việt đã phải thất vọng tràn trề. Số lượng DN và sản phẩm Việt tồn tại ở những kênh phân phối ngoại ngày một teo tóp và hiện cũng chỉ ở một con số vô cùng khiêm tốn. Con số thống kê của giới chuyên gia ngành bán lẻ cho hay, cứ 10 DN sản xuất Việt Nam thì chỉ một DN có khả năng đưa được hàng vào siêu thị ngoại, nguyên nhân là bởi chi phí hàng hóa quá cao, bị đối tác ép giá, chiếm dụng vốn, và đặc biệt, nhiều DN “kêu trời” khi chiết khấu bán hàng “quá khủng”, lên tới 30%...

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, khối ngoại trong ngành bán lẻ hiện đã chiếm lĩnh 70% thị phần các cửa hàng tiện lợi, 17% các siêu thị và trung tâm thương mại, 15% đối với các siêu thị mini, 50% qua các hình thức bán hàng trực tuyến như qua điện thoại, truyền hình. Riêng với việc thâu tóm nhiều hệ thống phân phối lớn tại Việt Nam trong thời gian qua của hai “đại gia” Thái Lan và Nhật Bản cũng cho thấy, các DN nội muốn đưa hàng hóa ra thị trường qua các kênh phân phối hiện đại quả là không dễ dàng gì. Có lẽ, điểm yếu lớn nhất của các DN Việt là không làm chủ được các kênh phân phối, chính vì thế, chúng ta buộc phải “qua cửa” của các nhà bán lẻ ngoại và phải “gánh” đủ mọi thiệt thòi:

Chiết khấu cao,bị ép giá và hàng loạt các yêu cầu khắt khe khác. Chúng ta biết rất rõ rằng,kênh phân phối là cả một chuỗi liên kết tham gia vào quá trình đưa sản phẩm từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Do đó, nếu làm tốt kênh này, các DN nội sẽ tạo nên dòng chảy sản phẩm Việt đến tay người tiêu dùng trong nước một cách dễ dàng nhất. Tất nhiên, muốn thực hiện được mục tiêu này, nội lực của các DN Việt phải đủ mạnh để có thể đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức hiệu quả các chuỗi khép kín từ sản xuất đến phân phối... Làm được như vậy chúng ta mới có thể vượt qua được những rào cản kỹ thuật trong việc tiếp cận hệ thống bán lẻ quốc tế.

Trong bối cảnh kênh phân phối của DN Việt còn vướng phải quá nhiều điểm nghẽn như trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế thu hút đầu tư tư nhân vào hạ tầng thương mại trong thời gian tới theo hướng hình thức đối tác công – tư (PPP); khuyến khích DN lớn tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại phân phối hàng hóa của các DN nhỏ và vừa trong nước; tăng cường liên kết giữa DN bán lẻ nội với các nhà sản xuất Việt trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh, bảo đảm đủ tiêu chuẩn chất lượng có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm tiêu dùng đa dạng như hiện nay. Khi đó, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đang phát động lâu nay cùng các nhà quản lý DN Việt sẽ đạt được kết quả kép.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để giữ 'sân nhà'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO