Để học sinh trở lại trường an toàn

Thu Hương 23/10/2021 07:19

Hiện tình hình dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát ở nhiều địa phương trong cả nước. Nhiều phụ huynh mong muốn con em trở lại trường thay vì học trực tuyến. Tuy nhiên, mở cửa trường học cần lưu ý đến việc phòng, chống dịch để các em được an toàn.

Vừa mong ngóng, vừa lo lắng

Thông tin một số cấp học của Hà Nội có thể được trở lại trường học từ 25/10 khiến nhiều bậc phụ huynh “vỡ òa cảm xúc”. Mặc dù ngay sau đó, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội đã rút lại đề xuất để xây dựng phương án mới căn cứ theo đánh giá mức độ dịch theo các cấp độ 1, 2 của các xã, phường nhưng hy vọng về một tương lai không xa con em mình có thể được trở lại trường học khiến các bậc phụ huynh đều mừng rỡ.

Anh Trần Tuấn Đăng (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, suốt thời gian qua hai con của anh học trực tuyến, giao tiếp với thế giới bên ngoài chủ yếu bằng máy tính bảng, điện thoại thông minh khiến anh thực sự lo lắng. Ngoài giờ học trên lớp, con còn chụp ảnh, gửi bài cho thầy cô, theo dõi thông tin nhắc nhở của giáo viên trên nhóm chat chung của lớp, tìm kiếm tài liệu học tập trực tuyến theo nhiệm vụ giáo viên giao… nên liên tục thấy con sử dụng thiết bị điện tử. Nếu được đi học lại, sẽ không phải nơm nớp lo những nguy cơ như giật điện, điện thoại phát nổ hay những tình huống không mong muốn khi con ở nhà cả ngày không có người lớn giám sát.

“Băn khoăn duy nhất là các cháu vẫn chưa được tiêm vaccine phòng dịch. Khi mở cửa trường học, dù rất thận trọng nhưng vẫn còn nguy cơ nên để đảm bảo an toàn cần triển khai tiêm phòng cho trẻ em càng sớm càng tốt”- anh Đăng nói.

Chị Lê Mai có con đang học lớp 9 Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, dịch bệnh vẫn còn kéo dài với những diễn biến phức tạp. Là một bác sĩ, chị thấy trong tình hình mới cần thích ứng bằng các biện pháp linh hoạt, trong đó có việc cho trẻ em trở lại trường học.

“Đến trường không chỉ để học mà các con được tham gia vào các hoạt động tập thể, được giao lưu với bạn bè, thầy cô… nhằm xây dựng, hoàn thiện các kỹ năng, tính cách. Không thể giữ các con mãi trong nhà mà nhà trường, gia đình cần phối hợp để dạy con cách giữ an toàn cho chính mình khi hòa nhập với cộng đồng”- chị Mai bày tỏ.

Khử khuẩn lớp học chuẩn bị đón học sinh trở lại.

Ngày 21/10, Bộ GDĐT đã ban hành công văn về việc thực hiện các biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học khi HS trở lại trường học tập. Trong đó nhấn mạnh nhà trường cần sử dụng hiệu quả thời gian HS được đến trường để tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GDĐT phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng HS, tránh gây áp lực, quá tải đối với HS. Đồng thời bố trí thời gian hợp lý hỗ trợ, bù đắp kiến thức còn thiếu ngay trong từng bài học cho những HS gặp khó khăn trong học tập, nhất là những HS gặp khó khăn về điều kiện học trực tuyến, học qua truyền hình trong thời gian phải tạm dừng đến trường.

Giãn cách, chia nhỏ lớp học

Đây không phải lần đầu tiên mở cửa trường học trong đại dịch. Đến nay các trường học trên toàn quốc đều đã có kinh nghiệm để triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn. Đầu tiên là tiêu độc khử trùng các trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, phòng học… vệ sinh toàn trường để phòng, chống dịch bệnh. Trước trong và sau mỗi buổi học, các cơ sở giáo dục thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, chủ động trang bị máy đo thân nhiệt, xà phòng, nước rửa tay, nước sát khuẩn tại khu vực vệ sinh, cổng trường, trong lớp học để giáo viên, học sinh (HS) sử dụng.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến về dịch Covid-19; hướng dẫn trẻ em, HS, cha mẹ HS, cán bộ, giáo viên, nhân viên cách thức phòng dịch và ngăn ngừa lây nhiễm. Theo dõi sát tình hình sức khỏe của mỗi người để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, báo cáo với cơ quan quản lý và cơ quan y tế địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan trong trường học.

Đến thời điểm này nhiều tỉnh, thành đã ban hành các bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch tại cơ sở giáo dục để làm căn cứ quyết định trường học nào sẽ được mở cửa. Theo đó, tại TPHCM, nhiều trường cho biết đang gặp khó khăn về tiêu chí số lượng HS, giáo viên. Cụ thể, khi mở cửa học trực tiếp, số lớp và số HS tối đa trong mỗi lớp phải dưới 50% theo quy định. Với tiêu chuẩn hiện hành là lớp tiểu học 35 em, lớp THCS - THPT là 45 em, các trường buộc phải chia ca, tách lớp, kết hợp các hình thức học trực tuyến - trực tiếp… trong khi số lượng giáo viên nhà trường vẫn chỉ có vậy. Tăng tiết, tăng giờ, tăng lương và làm sao để bố trí thời khóa biểu, sắp xếp giáo viên không đơn giản. Trong đó, với những lớp học có sĩ số trên 50 HS, không chỉ chia đôi mà còn phải ghép số HS dôi dư vào 1 lớp.

Mặc dù chưa có thông báo chính thức về thời gian đón HS trở lại trường, song các trường ở Hà Nội đều đã chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, y tế, sẵn sàng đón HS trở lại lớp học. Đại diện Trường THCS Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), cho biết với kinh nghiệm từ các lần dịch trước, nhà trường đang lên các phương án để nếu mở cửa trường học, sẽ hạn chế tiếp xúc gần trong HS; HS đến trường sinh hoạt theo từng lớp, không tương tác với các lớp khác để tránh lây lan nếu có yếu tố dịch tễ phức tạp liên quan dịch Covid-19. Các lớp học phải yêu cầu và liên tục nhắc nhở các em đeo khẩu trang, thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch.

Chủ động thích ứng

Ông Trương Thanh Phòng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nam cho biết, với kinh nghiệm ở đợt dịch gần nhất, Hà Nam vừa tổ chức cho HS đến trường thì có ca mắc Covid-19 trong tỉnh nên ngay lập tức phải chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến. Đây cũng là một tình huống báo trước để các trường học, các địa phương khi cho HS đi học phải tính đến.

Về phía Bộ GDĐT, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết, Bộ đã ban hành công văn 4726 quy định về đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên. Theo đó, căn cứ phân loại đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn cấp phường/xã, cấp quận/huyện, cấp tỉnh/thành để quyết định tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đối với các cơ sở giáo dục cho phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại từng địa bàn, theo nguyên tắc khu vực nào kiểm soát được dịch thì cho HS trở lại trường học tập; chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo quy định. Trong đó, phân thành 4 cấp độ. Cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình) sẽ tổ chức dạy học trực tiếp; củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp…

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Cân nhắc tác hại của việc trẻ học ở nhà lâu

Trước những lo ngại trẻ đến trường có thể dẫn tới bùng phát dịch, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, để đề phòng trường hợp đó, phụ huynh nên tiêm vaccine đầy đủ. Với lo lắng của không ít người khi trẻ đi học trong tình trạng chưa được tiêm vaccine, ông Nam khẳng định nếu không may mắc Covid-19, trẻ thường ít diễn biến nặng, tỷ lệ tử vong rất thấp. Ông Nga nhận định, nếu cứ chờ tiêm vaccine cho trẻ em rồi mới mở cửa trường học, phụ huynh còn phải chờ rất lâu. Chưa kể khi có vaccine, một số người vẫn không đồng ý cho con tiêm.

Theo PGS.TS Nga, vấn đề bây giờ là phải cân nhắc tác hại của việc ở nhà. Các loại rối loạn tâm lý, bệnh về mắt, béo phì thậm chí còn nặng nề hơn Covid-19. “Đây là việc đánh đổi, cái gì cũng có rủi ro. Có khi, trẻ ở nhà còn rủi ro hơn”- ông Nga nêu ý kiến.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, nguyên Trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện Bạch Mai: Cần cơ quan y tế kiểm tra, giám sát cụ thể

Đến thời điểm này Bộ Y tế mới có phương án chuẩn bị tiêm cho trẻ em nhưng chưa có hướng dẫn tiêm loại gì, tiêm như thế nào, tiêm ra sao…

Trên thế giới, mới có một số nước thực hiện tiêm vaccine cho trẻ em. Nên hiểu không phải chỉ trẻ được tiêm mới được đi học. Vaccine là một trong những biện pháp. 3 đợt dịch trước chúng ta triệt để thực hiện 5K là vẫn phòng ngừa được. Tuy rằng đợt dịch này phức tạp hơn nhưng qua khảo sát thực tế ở TPHCM và các tỉnh vừa qua, tỷ lệ trẻ em mắc chỉ chiếm chưa đến 10% tổng số lượng những ca bị nhiễm. Đa số các cháu không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, giống như cảm cúm. Trừ một số cháu có bệnh lý nền mới bị nặng.

Vì vậy, tiêm vaccine là để phòng ngừa, không tuyệt đối. Nên ưu tiên tiêm cho người lớn hơn trẻ em do tỷ lệ người lớn mắc nhiều hơn. Thứ 2 là để giảm tỷ lệ bệnh nặng thì cũng ưu tiên cho người lớn nhiều hơn. Nếu người lớn được tiêm, được bảo vệ thì khả năng trẻ em bị nhiễm sẽ giảm đi nhiều.

Kiểm soát lây nhiễm ở trẻ em bằng các biện pháp không đặc hiệu là 5K với trẻ em sẽ dễ dàng hơn so với người lớn bởi trẻ em đa số chỉ di chuyển từ nhà đến trường trong khi người lớn phải đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người hơn.

Nếu tiêm cho trẻ em được thì tốt còn không thì cũng không nên chần chừ việc đi học. Bởi vaccine được cấp phép cho trẻ em hiện mới có một vài loại thôi, Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo cân nhắc tiêm cho những đối tượng có nguy cơ cao chứ không phải tiêm đại trà cho trẻ em.

Lam Nhi (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để học sinh trở lại trường an toàn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO