Để không còn những vụ việc đau lòng

Tâm Như 18/09/2021 06:35

Theo thống kê của Bộ Công an mỗi năm trung bình có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, trong đó 1.000 vụ xâm hại tình dục. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay đã phát hiện 1.233 vụ xâm hại người dưới 16 tuổi, với 1.389 đối tượng, xâm hại 1.284 em.

Những con số trên quả thật đã làm xã hội lo lắng và những người có lương tri đau lòng. Có thể thấy, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội thì tình trạng bạo hành trẻ em và tội phạm XHTD ngày càng diễn biến phức tạp. Căm phẫn và đau lòng hơn khi kẻ đang tâm bạo hành, XHTD trẻ em phần nhiều lại là những người có quan hệ gần gũi, thân thiết với nạn nhân.

Theo các chuyên gia y tế và xã hội học, hậu quả mà các em phải gánh chịu không chỉ là những tổn thất về sức khỏe thể chất và tinh thần mà còn làm giảm khả năng học tập, hòa nhập xã hội và thậm chí có thể hủy hoại tinh thần các em trong tương lai. Theo thời gian, các tổn thương tâm lý này có thể dẫn tới sự lạm dụng chất kích thích như rượu, bia và nặng hơn là các chất ma túy, thậm chí tự vẫn...

Một số ý kiến cho rằng, nhiều bậc cha mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ còn thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý trẻ em, thiếu nhận thức về nguy cơ, thiếu sự quan tâm chia sẻ vấn đề giới tính với trẻ em. Từ đó, dẫn tới các em thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, về kiến thức, kỹ năng phòng tránh XHTD, khâu phát hiện và báo cáo số vụ xâm hại trẻ em còn chưa kịp thời, luật pháp về bảo vệ trẻ em còn nhiều khoảng trống, mô hình trợ giúp thiếu tính chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, còn do những rạn vỡ trong gia đình và sự sói mòn những giá trị truyền thống ...

Đặc biệt, do tác động của phim ảnh bạo lực, khiêu dâm… không được kiểm soát lan tràn trên mạng internet cũng dẫn đến các hành vi lệch chuẩn ở trẻ em và người lớn. Đồng thời, nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; công tác phát hiện, tố giác tội phạm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí có cả thái độ bất hợp tác từ phía nạn nhân và gia đình nạn nhân; một số tội danh chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe tội phạm, nhiều khi không tương xứng với hành vi bạo lực.

Trong nhận thức của xã hội nói chung thì cha mẹ có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, thật đau lòng khi nhiều trường hợp chính cha mẹ là người vi phạm nghĩa vụ này, trở thành người bạo hành, thậm chí XHTD đối với con em mình. Hậu quả lâu dài và nghiêm trọng của việc này đối với tâm sinh lý trẻ em là vô cùng nguy hiểm. Bởi vậy theo các chuyên gia cần phải huy động sự tham gia của toàn xã hội. Trong đó, rất cần mô hình trợ giúp của phòng tham vấn học đường, bởi các em có thể ngần ngại trao đổi với người thân nhưng lại có thể thổ lộ với nhân viên tư vấn tâm lý tại phòng tham vấn học đường. Ở phương diện luật pháp, việc ngăn chặn loại tội phạm này cần có những khung hình phạt nghiêm khắc, đủ sức răn đe hơn.

Mới đây nhất, ngày 17/9, giữa cao điểm dịch Covid -19 tại Hà Nội, dư luận lại bàng hoàng trước cái chết thương tâm của một bé gái mới 6 tuổi, học sinh Trường tiểu học Xuân Đỉnh, Hà Nội. Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ nhận định nạn nhân có dấu hiệu bị bạo hành…

Cơ quan chức năng rồi sẽ làm rõ cái chết đau lòng của em. Nhưng còn biết bao vụ xâm hại xảy ra ở nơi tưởng an toàn như trường học, thậm chí ở ngay chính trong gia đình các em chưa bị phát hiện? Biết bao vụ việc diễn ra trong thời gian dài mới bị tố giác, thậm chí biết nhưng che giấu? Đó là những câu hỏi cũng là nỗi bức xúc của dư luận. Dù những kẻ phi nhân tính có phải chịu hình phạt của pháp luật đích đáng đến đâu đi nữa cũng không thể làm dịu nỗi đau, hậu quả nặng nề mà mỗi đứa trẻ bị xâm hại phải đối mặt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để không còn những vụ việc đau lòng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO