Để mùa hè không hoang phí

Thu Hương 15/08/2020 08:30

Mùa hè với học sinh lớp 12 và lớp 9 thi vào 10 năm nay vừa mới bắt đầu còn với các khối lớp khác, các em đã trải qua mùa hè được gần 1 tháng. Làm gì để những ngày hè trôi qua có ý nghĩa và an toàn trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay?

Trẻ em ít được tham gia các hoạt động hè do dịch Covid-19.

Đến hẹn lại… lo

Khoảng 1 tháng trở lại đây, chị Thanh Nhàn (Khu tập thể Nam Thành Công, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết lúc nào cũng tất bật đi làm rồi vội vàng về nhà vì lo cho hai cậu con trai 6 tuổi và 8 tuổi ở nhà tự trông nhau. Mặc dù gia đình có lắp camera rồi để đồng hồ định vị, điện thoại ở nhà để bất cứ khi nào con cần có thể gọi bố mẹ và ngược lại song chị vẫn không thể yên tâm.

“Ngày nào cũng dặn con ở trong nhà khóa cửa cẩn thận nhưng cũng có hôm, hai anh em rủ nhau sang hàng xóm chơi. Điện thoại không mang, mẹ soi camera không thấy nên phải gọi điện thoại loạn lên nhờ hàng xóm ở xung quanh sang tìm hộ. Biết là con chán nhưng cũng chẳng còn cách nào khác vì gửi con về quê thì cũng chỉ được 1 tuần là hai anh đòi lên”, chị Nhàn tâm sự.

Trên thực tế, dù bày rất nhiều trò chơi cho trẻ rồi lên kế hoạch giờ nào học bài, giờ nào chơi… nhưng khi trẻ ở nhà một mình, không phải bé nào cũng tự giác tuân thủ nghiêm ngặt nội quy cha mẹ đề ra. Ngay cả với những trò chơi mới mua, trẻ cũng chỉ được vài ngày là chán… nên cách nào để giúp con ở nhà vui vẻ, bổ ích và an toàn là tâm trạng chung của nhiều bậc phụ huynh mỗi dịp hè đến.

Nếu như các năm trước, các gia đình có thể cân nhắc cho con tham gia một khóa học hè dạy kỹ năng sống, các môn nghệ thuật hoặc các trại hè quân đội… thì năm nay do tình hình dịch bệnh, các trung tâm cũng ít mở và các bậc phụ huynh cũng không dám mạo hiểu để con tham gia.

Không gian vui chơi an toàn của học sinh trên địa bàn dân cư thực sự cũng hiếm vì quỹ đất hạn hẹp, nhiều nơi sử dụng diện tích chung vào các mục đích khác. Nhà văn hóa cũng không có nhiều hoạt động do dịch bệnh và cũng không ai có ai đưa đón nên để an toàn, các gia đình đành chọn giải pháp để trẻ ở nhà bầu bạn với ti vi và sách vở…

Cùng con xây dựng kế hoạch

Theo chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hương, trừ một số gia đình có bố mẹ, người thân ở cùng thì việc quản lý trẻ trong dịp hè cũng sẽ dễ dàng hơn. Còn bài toán để trẻ ở nhà một mình hoặc anh/chị trông em thì việc đầu tiên cần làm là dạy trẻ tuân thủ các nguyên tắc an toàn. Đó là cách sử dụng bếp ga, các thiết bị điện trong nhà, khi xảy ra việc cần cấp cứu thì gọi cho bố mẹ, hàng xóm xung quanh và các số điện thoại khẩn cấp khác…

Thứ hai, cần xây dựng thời khóa biểu để trẻ biết giờ nào làm việc gì trên cơ sở tôn trọng ý kiến của trẻ, để trẻ tự quyết định mình sẽ làm gì, vào lúc nào. Bố mẹ chỉ đóng vai trò góp ý, gợi ý và… thưởng, động viên trẻ mỗi khi con thực hiện đúng và tốt các công việc đề ra trong ngày. Không nên tuyệt đối hóa kiểu trẻ chỉ có thể học Toán, viết Văn, đọc sách… mà không cho con xem ti vi hay sang nhà bạn ở tầng dưới chơi. Thay vào đó, đưa ra các giới hạn về việc xem ti vi bao nhiêu giờ một ngày, các kênh/chương trình con có thể xem, sang nhà bạn nào chơi, chơi khoảng bao lâu…

Hầu hết thời gian ban ngày con đã ở nhà một mình nên buổi chiều tối, khi bố mẹ về cần dành nhiều thời gian trao đổi, tâm sự với trẻ. Có thể cùng con đi dạo dưới sân chung cư hoặc khuyến khích trẻ tập luyện thể dục thể thao như đá bóng, đạp xe, trượt patin… dưới sự giám sát của người lớn cũng là cách để trẻ giải phóng năng lượng mỗi ngày. Đây là ý kiến của TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, để những ngày hè trôi qua không hoang phí với việc chỉ ăn rồi ngủ hay dán mắt vào các thiết bị điện tử, các gia đình cần khuyến khích trẻ tăng cường vận động với các hình thức phù hợp, an toàn. Hiện nay có các thiết bị thể dục tại nhà khá an toàn và cũng không đắt đỏ như tập xà đơn, chạy bộ tại chỗ…

Việc tăng cường giao tiếp với mọi người trong tình hình dịch bệnh hiện nay không phải là phương án được khuyến khích, tuy nhiên cũng cần tạo không gian cho trẻ trò chuyện, giao tiếp để các em được bộc lộ bản thân. Nếu chỉ sống thu mình, khép kín, ngôn ngữ chậm phát triển thì những hệ lụy sau này như bạo lực học đường, các vụ trẻ em vi phạm pháp luật sẽ có nguy cơ xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để mùa hè không hoang phí

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO