Dễ như chặt một cái cây

Cẩm Thuý 03/06/2020 08:00

Nhiều cây xanh khác trong sân trường bị đốn hạ sau khi một cây phượng bật gốc đè lên một số em học sinh, khiến một em vĩnh viễn không thể trở về nhà. Nỗi đau không được xoa dịu mà bị nhân lên, đau hơn, bằng hành xử né tránh trách nhiệm. Linh hồn đứa trẻ qua đời dưới cây phượng bật gốc liệu có được an ủi không khi những cây xanh khác gục xuống? Và nữa, những linh hồn cây được an ủi bằng gì?

Dễ như chặt một cái cây

Sợ trách nhiệm, nhiều nơi vội vã chặt bỏ cây trong sân trường.

Nhiều năm, cô hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội nhìn ra sân trường chang chang nắng, mơ một ngày những gốc cây còi cọc đủ sức toả bóng râm. Trường được xây lên trên một nền đất trũng, người ta tôn nền sân trường toàn bằng đá sỏi vôi vữa chở từ nơi khác đến. Cho nên, cô kể rằng, hàng chục năm trời miệt mài trồng cây, mua cả những gốc cây to từ nơi khác về, chăm bón đủ kiểu cây vẫn không thể lên được. Những tán cây cứ chon von và những đứa trẻ vẫn chạy chơi trên sân nắng...

Năm ngoái, một trường cấp 2 danh tiếng ở Hà Nội đập đi xây mới. Các dãy nhà thì cũ nhưng sân trường có hàng cây tuyệt đẹp. Trước ngày người ta đập trường cũ, trên nhiều diễn đàn, học sinh các thế hệ đồng loạt đưa những bức ảnh nao lòng. Rồi đây sẽ có một hình ảnh trường mới, đẹp và hiện đại, nhưng ký ức về những hàng cây thì không bao giờ có thể quên được...

Suốt nhiều năm, khi chọn trường cho con, một trong những tiêu chí tôi đặt ra là sân trường phải rợp bóng cây. Cho tới một lần, khi con trai tôi vào cấp 3, chúng tôi đứng trước 2 lựa chọn: Vào lớp chuyên một ngôi trường danh tiếng có lịch sử hàng trăm năm bên Hồ Tây hay vào trường phổ thông chuyên của một trường đại học. Cuối cùng thì phương án 2 được lựa chọn. Nhưng hình như đó là lựa chọn chưa đúng của tôi. Khi nhiều lần đi qua trường, con đều nói trường đẹp thế này mà không được học. Và trong lòng tôi đầy tiếc nuối khi đã không lấp đầy ký ức tuổi học trò của con bằng những tháng năm rực rỡ trong ngôi trường đẹp vào bậc nhất ở Hà Nội với những hàng cây cổ thụ tuổi đời cả trăm năm. Suy cho cùng thì kiến thức ở trường nào cũng như nhau nhưng ký ức về tuổi học trò thì mỗi sân trường một khác. Mà khi chúng ta đi học thì ký ức bao gồm cả “sân trường đêm rụng xuống trái bàng đêm”, cả “cánh phượng hồng ngẩn ngơ”... chứ đâu phải chỉ là sách bút.

Ký ức tuổi học trò nhiều thế hệ gắn với những chùm hoa thắp lửa, rồi Phượng hồng bỗng một ngày trở thành phượng buồn. Lỗi không của phượng. Nhưng ngành quản lý cây xanh bảo không quản lý cây trong sân trường. Thầy cô lo việc dạy học trò không biết việc cây. Thế thì phượng thành có lỗi. Cho nên, để phòng ngừa tai hoạ tương tự, người ta chặt phượng, đốn cây xanh. Thế là nhanh gọn nhất. Đỡ lo phượng đổ cây bật gốc đè vào học trò.

Giống như khi trong trường có học sinh hư, cách nhanh nhất, gọn nhất là đuổi học. Đuổi rồi học trò đi đâu. Không cần biết. Miễn là học sinh hư không gây ra chuyện trong nhà trường, trách nhiệm về học sinh hư đã được đẩy đi nơi khác, đâu đó.

Giống như nhiều việc khác ngoài xã hội, cái gì khó quản lý thì cấm tiệt. Như khó quản lý quán bar thì cấm hoạt động sau 0 giờ. Như lễ hội nào đó phức tạp thì cho dừng lễ hội...

Quả bóng trách nhiệm được đá ra khỏi chân, thế là nhẹ nợ.

Trồng được một cái cây to khó lắm, như khắc khoải của cô hiệu trưởng một trường tiểu học. Chặt một cái cây thì dễ lắm. Rà soát lại cây xanh trong sân trường để đảm bảo an toàn không có nghĩa là chặt cây hàng loạt. Một cây phượng bật gốc không có nghĩa là mọi cây phượng đều phải bị loại ra khỏi sân trường.

Chuyện cây phượng chỉ là chuyện chặt cái cây, nghe thì nhẹ thế mà lại đang phản ánh một tâm thế quản lý rất phổ biến: Việc gì khó thì đẩy trách nhiệm.

Trách nhiệm của các cơ quan chức năng (nhà trường hay cơ quan quản lý cây xanh thì phải phân định rõ ràng) là đảm bảo cho cây vẫn đủ bóng mát ở sân trường mà vẫn an toàn cho trẻ. Chứ không phải vì một cây phượng mất an toàn mà loại bỏ các cây phượng khác.

Chuyện cây phượng đâu phải chỉ là chuyện một cái cây, mà là nhiều vấn đề tương tự khác đòi hỏi trách nhiệm, chứ không phải là việc đẩy quả bóng trách nhiệm khỏi chân mình.

Việc đòi hỏi sự dám chịu trách nhiệm của những người có trách nhiệm không phải chỉ là để giữ lại bóng mát sân trường, giữ ký ức tuổi học trò mà lớn hơn thế là cung cách để vận hành xã hội một cách có trách nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dễ như chặt một cái cây

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO