Dễ như… nuôi hổ?

Điền Bắc 08/08/2021 00:05

Mấy ngày qua, dư luận tại xứ Nghệ “nóng bỏng” câu chuyện cơ quan chức năng triệt phá vụ nuôi nhốt hổ trong nhà dân. Số lượng cá thể hổ bắt được lớn nhất từ trước đến nay. Dư luận ngỡ ngàng, chính quyền không có thông tin, cơ quan chức năng nói có kiểm tra nhưng không phát hiện.

Những vụ án “khủng”

Nếu không tính vụ triệt phá rạng sáng ngày 4/8 vừa qua, trong thời gian qua cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An từng triệt phá nhiều vụ buôn bán, nuôi nhốt hổ khiến dư luận xôn xao. Trước đó, vào năm 2012, cũng tại xã Đô Thành, đã từng phát hiện tình trạng “nuôi hổ như nuôi heo”.

Thời điểm đó, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã vào cuộc kiểm tra. Lúc đó, nhiều hộ dân đã chủ động vận chuyển hổ sang huyện Diễn Châu bên cạnh nhằm tránh bị phát hiện. Tuy nhiên, sau đó cũng bị ngăn chặn, thu giữ 4 con hổ, trong đó có con nặng 170 kg.

Tiếp đó vào tháng 1/2013, lực lượng kiểm lâm phối hợp công an huyện Yên Thành đã bắt được một con hổ đang nuôi trái phép tại nhà ông Lê Văn Đ., xóm Phú Vinh, xã Đô Thành. Con hổ này có chiều cao gần 1 m, chiều dài gần 3 m, cân nặng khoảng 200 kg.

Có một thực tế, trong 10 năm qua, Nghệ An là một trong những địa phương để xảy ra nhiều trường hợp nuôi nhốt, giết thịt hổ nấu cao. Nhiều vụ buôn bán, giết thịt hổ trên địa bàn cả nước có liên quan đến địa phương này.

Điển hình, tháng 11/2016, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp với Công an TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên bắt quả tang tại sân nhà ông Cao Tiến Đức (ngụ phường Đồng Quang, TP Thái Nguyên) đang giết thịt một con hổ nặng 304 kg. Ông Đức khai nhận mua con hổ trên với giá 1 tỷ đồng ở Nghệ An, rồi đưa về Thái Nguyên giết thịt để nấu cao.

Hay như vào tháng 3/2017, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (Bộ Công an) bắt quả tang tại nhà ông Cao Xuân T. trú tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, 5 con hổ đã bị giết mổ để nấu cao.

Thậm chí, trước vụ triệt phá và thu giữ 17 con hổ nói trên, cơ quan chức năng Nghệ An đã tóm gọn 2 đối tượng cùng 7 cá thể hổ trên xe ô tô con.

Theo đó, vào rạng sáng ngày 1/8, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Nghệ An) chủ trì, phối hợp với Trạm CSGT Diễn Châu tiến hành bắt giữ vụ vận chuyển 7 cá thể hổ Đông Dương từ Hà Tĩnh ra Nghệ An để tiêu thụ.

Thống kê như trên để thấy, việc nuôi, mua bán hổ diễn ra nhiều nơi, nhiều hình thức. Thậm chí, có thể nuôi tại gia mà từ chính quyền, cơ quan chuyên môn dù kiểm tra nhưng không hề hay biết sự tồn tại của hổ.

Vậy tại sao, người dân nuôi hổ nhiều như vậy? Anh T. - người từng nuôi hổ cho rằng, trước hết là lợi nhuận. Những vụ nuôi hổ bị triệt phá lâu nay, chủ nuôi thường mua hổ từ Lào lúc còn nhỏ. Sau đó, xây dựng chuồng trại sau từ 1,5-2 m dưới lòng đất (tránh tiếng hổ gầm bị phát hiện). Quá trình sau đó được chăm nuôi rất khắt khe.

“Hổ cho ăn một ngày 3 lần, loài hổ này ăn đút từ khi nhỏ, nên tập tính nó quen, hiền lành. Một ngày một con hổ ăn khoảng 10 kg thịt, so với hổ tự nhiên, hổ nuôi được ăn nhiều gấp đôi. Thức ăn chủ yếu của hổ là thịt gà, chủ yếu công nghiệp, gà này được kiểm dịch. Tuy nhiên, trong một tuần được ăn 2 lần thịt lợn”, anh T. cho biết thêm.

Thậm chí, theo anh T. việc nuôi hổ nhiều lúc chỉ một gia đình, nhưng có lúc nhiều hộ góp vốn nuôi chung. Bởi, ngay cả khi mua hổ con có trọng lượng từ 5-7 kg đã có giá từ 150-250 triệu đồng mỗi con.

“Việc chung vốn nuôi hổ thường xảy ra khi lượng hổ mua nhiều, đồng thời cũng là cách để chia sẻ khi rủi ro”, anh T. chia sẻ.

Từ vụ bắt 17 cá thể hổ tại xã Đô Thành, qua tìm hiểu được biết, việc người dân nuôi hổ của những năm về trước khá phổ biến. Tuy nuôi hổ khó, nhưng lại có giá.

“Khi hổ đang dưới 30-40 kg cần chăm bẵm, theo dõi kỹ càng. Tuy nhiên, lúc hổ trên 50 kg thì việc nuôi dễ dàng hơn. Đến khi hổ từ 100 kg trở lên là có thể đem bán, mỗi kg hơi có giá từ 5-7 triệu đồng. Một con 200 kg trên 1 tỷ là dễ dàng”, một người từng nuôi hổ tại xã Đô Thành cho biết.

Khi được hỏi, liệu có phong trào nuôi hổ trên địa bàn, người đàn ông này cho rằng, rất rủi ro. Không chỉ việc bị cơ quan chức năng phát hiện, mà việc nuôi hổ từ lúc nhỏ như vậy là đánh cược với chuyện vỡ nợ.

Vụ triệt phá, thu giữ 17 cá thể hổ vừa qua tại Nghệ An đặt ra nhiều vấn đề đối với chính quyền địa phương cũng như cơ quan chuyên môn về việc nuôi nhốt động vật quý hiếm.

Chính quyền buông lỏng?

Sau vụ triệt phá nuôi nhốt hổ tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành. Nhiều ý kiến cho rằng, trách nhiệm của chính quyền và cơ quan kiểm lâm như thế nào. Bởi, việc nuôi nhốt hổ trái phép ngay trong khu dân cư, không chỉ vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao về an toàn cho người dân, nguy cơ lây lan dịch bệnh. Do đó, để xảy ra việc 2 hộ dân ở xã Đô Thành nuôi nhốt trái phép 17 con hổ, có sự buông lỏng của chính quyền địa phương.

Nói về vấn đề này, ông Phan Văn Tuyên, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, cho rằng, để xảy ra sự việc này là do chính quyền cơ sở chưa làm hết trách nhiệm. Cơ quan công an đang điều tra, sau khi có kết luận sẽ làm rõ trách nhiệm các bên liên quan.

Ngoài ra, ông Tuyên cũng cho rằng, việc nuôi hổ là trái pháp luật, do đó không ai khuyến khích. Việc này người dân lén lút nuôi tự phát.

“Từ những năm trước, sau khi công an triệt phá nhiều vụ, huyện đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các cơ quan liên quan tuyên truyền đến người dân, cam kết không nuôi nhốt hổ. Nhưng thực tế vẫn xảy ra”, ông Tuyên cho biết thêm.

Trong khi đó, trao đổi với ông Nguyễn Văn Bính, Trưởng Phòng Thanh tra Pháp chế (Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An), ông Bính cho biết, vụ triệt phá, thu giữ 17 cá thể hổ vừa qua, đơn vị cũng có người tham gia. Tuy nhiên, qua nhìn nhận thì thấy, họ nuôi rất kín, nuôi trong hầm thì khó mà biết được. Khi được hỏi, công tác kiểm tra của ngành kiểm lâm như thế nào trong thời gian qua.

Vì lợi nhuận, nhiều đối tượng đã xây dựng chuồng trại dưới lòng đất, nuôi nhốt hổ trái phép.

Ông Bính cho biết, trong năm 2020, đơn vị đã thành lập 3 đoàn kiểm tra chuyên ngành nhưng không phát hiện được gì. Về trách nhiệm liên quan trong việc quản lý nhà nước khi cơ quan chức năng phá chuyên án bắt 2 gia đình nuôi nhốt hổ, ông Bính cho biết hiện vụ việc này đang được cơ quan công an điều tra làm rõ nên chưa quy được trách nhiệm cụ thể ra sao.

Cũng theo ông Bính, hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 cơ sở được phép nuôi hổ là Khu Sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm và Khu sinh thái Hòn Nhạn. Ngoài ra có 365 cơ sở được cấp phép nuôi nhốt các loại động vật như rắn, chồn hương thuộc nhóm 2.

Cũng trong ngày 6/8, Thượng tá Trần Phúc Thịnh, Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Nghệ An xác nhận, hiện đã có 8/17 con hổ bị chết chưa rõ nguyên nhân. Số hổ chết này đang được cấp đông để phục vụ công tác điều tra theo quy định của pháp luật.

Nói về việc này, ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) cho biết, những cá thể hổ trong quá trình giải cứu bị chết là sự việc ngoài mong muốn của cơ quan chức năng. Quan trọng trong việc bảo tồn động vật về lâu dài là cần phải triệt phá, bắt giữ các đối tượng mua bán, nuôi nhốt động vật hoang dã để răn đe, giáo dục.

Ông Thái cũng cho biết thêm, những cá thể hổ đã được giải cứu này không thể tái thả về môi trường tự nhiên mà chỉ có thể đưa vào các khu bảo tồn, chăm sóc mang tính bảo tồn, giáo dục.

Bởi những cá thể hổ này đã được nuôi nhốt từ lâu, mất khả năng săn mồi, mất khả năng sinh tồn trong tự nhiên nên có thể chết. Hơn nữa, hổ có thể tấn công người.

Trong khi đó nó được nuôi nhốt bởi con người từ lâu, đã quá quen với sự có mặt của con người nên nếu thả về tự nhiên thì những con hổ này có thể quay trở lại khu vực dân cư để tấn công người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dễ như… nuôi hổ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO