Đề phòng ngộ độc khí than

T.MAI 20/02/2022 14:00

Thời điểm này, các tỉnh, thành miền Bắc đang trải qua đợt rét đậm kéo dài. Để chống lại cái lạnh thấu xương, không ít gia đình đã phải đốt than, củi sưởi ấm trong nhà. Tuy nhiên, việc sưởi ấm này nếu không cẩn trọng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí không ít người đã tử vong vì ngộ độc khí than.

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, trên địa bàn xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) đã xảy ra vụ ngạt khí làm 2 người chết, 2 người phải nhập viện cấp cứu do đốt than tổ ong sưởi ấm.

Cụ thể, tối mùng 3 Tết, tức ngày 3/2, bà Trần Thị Chí 66 tuổi ở xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương cùng con gái Dương Thị Pha (40 tuổi) và bé trai Đặng Duy Anh (12 tuổi), Đặng Văn Tú (9 tuổi, cả hai đều là con chị Pha) dùng than sưởi ấm trong phòng ngủ rộng khoảng 10 m2 đóng kín cửa.

Sáng hôm sau, người thân không thấy mẹ con bà Chí ra khỏi phòng, vào kiểm tra người nhà phát hiện bà Chí và bé Tú đã tử vong. Chị Pha và bé Duy Anh được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, rối loạn đông máu, suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn, nhồi máu cơ tim.

BS Lê Văn Sĩ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho biết, ngay khi tiếp nhận 2 mẹ con chị Pha, các bác sĩ đã tập trung cấp cứu, hỗ trợ hô hấp, điều trị và chăm sóc tích cực. May mắn là hai mẹ con đã qua cơn nguy kịch. Hai nạn nhân còn lại được chẩn đoán chết do ngạt khí CO2.

Gần đây, ngày 14/2, cũng thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn vừa xảy ra vụ ngộ độc khí than do sưởi ấm khiến một người tử vong, một người rơi vào tình trạng hôn mê sâu.

Nhiều năm qua, tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị ngộ độc khí CO do đốt than, đốt củi sưởi ấm ở trong nhà vào thời điểm miền Bắc rét đậm, rét hại. Đáng báo động, hầu hết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, bị tổn thương não, dẫn tới hôn mê, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Theo các chuyên gia y tế, ngộ độc khí than là do thiếu oxy não, trong khi các tế bào chất xám chỉ huy hoạt động của con người, chịu trách nhiệm về hoạt động tinh thần, tình cảm, lý trí lại rất nhạy cảm với tình trạng thiếu oxy.

Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, CO không màu, không mùi vị nên rất khó phát hiện, khi hít phải khí CO, nạn nhân nhanh chóng bị giảm oxy trong máu, gây đau đầu, chóng mặt, đau ngực, di chứng thần kinh hoặc có thể bị tâm thần. Thậm chí, hít phải lượng lớn khí CO, nạn nhân có thể bất tỉnh và tử vong nhanh, đặc biệt là với phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ và người già mắc các bệnh về tim, phổi mãn tính.

Để phòng tránh những vụ tai nạn đáng tiếc như trên, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không được đốt các loại than, củi trong phòng kín, hay không gian chật hẹp để sưởi ấm. Khi người thân phát hiện nạn nhân bị nhiễm độc khí CO do sưởi ấm bằng than, củi, cần nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng khí, đưa nạn nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt.

Nếu bệnh nhân thở yếu hoặc ngừng thở, phải tiến hành ngay việc thổi ngạt bằng hô hấp nhân tạo, hoặc nếu nạn nhân không còn tỉnh táo thì đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở tư thế an toàn rồi vừa hà hơi thổi ngạt, vừa nhanh chóng chuyển đến bệnh viện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề phòng ngộ độc khí than

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO