Đề phòng tai nạn thương tích trẻ em

Đức Trân 14/02/2023 06:55

Trẻ em với bản tính hiếu động, thích tò mò và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích trong sinh hoạt.

Phẫu thuật bệnh nhi nhập viện vì tai nạn sinh hoạt tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: BVCC.

Bệnh viện Nhi trung ương vừa tiếp nhận và điều trị cho trường hợp bệnh nhi gặp chấn thương thận nặng do tai nạn sinh hoạt. Cụ thể, bé gái N.T (10 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt cao, bụng chướng, có khối tụ máu lớn sau phúc mạc. Khai thác tiền sử, mẹ cháu bé chia sẻ, trước khi nhập viện 2 ngày, trong lúc đang nô đùa tại nhà, bé T. bị trượt chân ngã và đập mạnh vùng thắt lưng bên phải vào thành của bậc cầu thang. Sau khi ngã, bé khóc kêu đau vùng thắt lưng bên phải nhưng vẫn sinh hoạt bình thường, được người nhà xoa dầu và dán cao theo dõi tại nhà.

Tuy nhiên, hơn 1 ngày sau đó bé vẫn liên tục kêu đau, nên được gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh. Tại đây, trẻ được các bác sĩ thăm khám và phát hiện thận phải bị chấn thương nặng và ngay lập tức trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương để tiếp tục điều trị.

“Cứ nghĩ là con ngã bình thường như mọi lần chơi đùa vì bên ngoài da không thấy vết bầm tím và không sưng nên tôi đã chủ quan không cho cháu đi khám ngay” - mẹ của bé T. cho hay.

ThS. BS Vũ Duy Anh - Khoa Ngoại Tiết niệu cho biết, tại Bệnh viện Nhi trung ương, qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, trẻ được chẩn đoán chấn thương thận phải độ nặng, nhu mô bị tách làm 2 phần và tụ máu lớn quanh thận. May mắn sau hơn 1 tuần điều trị và theo dõi tích cực, tình trạng chảy máu do vỡ thận của trẻ không tăng lên.

ThS. BS Lê Anh Dũng - Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, chấn thương thận là tình trạng thận bị tổn thương do lực tác động mạnh từ bên ngoài, chủ yếu là do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt… Thời gian qua, khoa Ngoại Tiết niệu của Bệnh viện tiếp nhận điều trị một số trường hợp trẻ bị chấn thương thận nặng sau ngã đập vùng thắt lưng vào thành của bậc cầu thang, thành bàn ở lớp học… Sau tai nạn trẻ vẫn tỉnh táo, sinh hoạt bình thường nên cha mẹ hoặc người chăm sóc dễ chủ quan mà bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo tình trạng tổn thương nội tạng ở trẻ.

Một trường hợp khác cũng ghi nhận tại Bệnh viện Nhi trung ương, bé N.G.H. (3 tuổi) khi chơi tại nhà ông bà, trẻ chui vào gầm bàn gấp, trong lúc vui đùa ngực của trẻ bị kẹp giữa 2 chân bàn khiến trẻ không thở được. Khi phát hiện thì trẻ đã tím tái, gia đình đưa bé đến Trung tâm y tế huyện để sơ cứu rồi chuyển đến bệnh viện tuyến tỉnh. Trẻ được đưa đến bệnh viện tuyến tỉnh trong tình trạng suy hô hấp, tím tái, huyết áp thấp, hôn mê. Sau khi trẻ được sơ cứu ban đầu, các bác sĩ đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp, ổn định bệnh nhân và vận chuyển an toàn lên Bệnh viện Nhi trung ương. Bệnh nhi vào viện trong tình trạng suy hô hấp phải hỗ trợ thở bằng bóp bóng qua nội khí quản, hôn mê, huyết áp thấp. Tại khoa Cấp cứu và Chống độc - Bệnh viện Nhi trung ương, bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp, sử dụng thuốc trợ tim đảm bảo huyết áp, ổn định tình trạng nguy hiểm ban đầu, sau đó đưa trẻ vào Khoa Điều trị tích cực Nội khoa để thở máy và chăm sóc đặc biệt.

BSCKII Nguyễn Tân Hùng - Phó trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết: Mỗi ngày Khoa Cấp cứu và Chống độc tiếp nhận khoảng 4-5 ca tai nạn thương tích ở trẻ với rất nhiều hình thái: Vết thương ngoài da, chảy máu, bong gân, gãy xương, chấn thương các tạng, bỏng, đuối nước, ngộ độc, hóc dị vật... Bản thân trẻ nhỏ thường hiếu động, chưa có nhận thức, phản xạ bảo vệ bản thân, trong khi vì bận rộn mà lơ là, không giám sát chặt chẽ, khiến trẻ gặp phải nhiều tình huống đáng tiếc gây nguy hại sức khỏe, tính mạng.

Để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ, chuyên gia y tế khuyến cáo, cha mẹ hoặc người chăm sóc cần đánh giá, xem xét bao quát môi trường sống của con, chú ý đến tình huống nào có thể gây rủi ro cho trẻ.

Cách phòng ngừa hiệu quả nhất tai nạn thương tích ở trẻ chính là sự quan tâm chú ý của người lớn trong quá trình nuôi dạy chăm sóc trẻ. Chỉ một phút thiếu tập trung có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, cần trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để tự bảo vệ mình từ khi trẻ bắt đầu hình thành những ý thức đầu tiên. Không phải cha mẹ mà chính bản thân các em mới là người có trách nhiệm tự bảo vệ mình trước mọi nguy hiểm rình rập trong suốt cuộc đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề phòng tai nạn thương tích trẻ em

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO