Đê sông Cầu Chày kêu cứu

Nguyễn Chung 08/10/2020 13:20

Suốt nhiều năm qua, do thường xuyên phải gánh chịu một lượng lớn xe quá tải cày ải, hơn 3 km đê hữu sông Cầu Chày (đoạn chạy qua xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) bị hư hỏng nghiêm trọng. Phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã về địa phương để tìm hiểu thực tế.

Ông Trịnh Duy Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Long tại một đoạn trên tuyến đê.

Mặt đê nát vì xe quá tải

Trên đoạn đê dài khoảng 1,5 km, mặt đê đã được bê tông hóa nối với xã Thiệu Giang, chúng tôi chứng kiến các loại phương tiện giao thông phải giảm tốc độ, dò dẫm “bò” qua đoạn đường đê này.

Trên mặt đê là “thiên la địa võng” các ổ trâu, ổ voi giăng khắp mặt đường. Phần bê tông trải trên mặt đê, theo thời gian đã bị các phương tiện quá tải bẻ gãy, vỡ vụn. Nhiều đoạn tạo thành hố sâu tới cả 20 cm và kéo dài cả chục mét để lộ phần đá cấp phối trong thân đê. Thật khó để hình dung ra, đây là đoạn đê đã từng được UBND tỉnh Thanh Hóa đầu tư cả chục tỷ đồng để bê tông hóa.

Gặp chúng tôi khi đang cho đàn bò gặm cỏ bên triền đê, ông Lê Văn Phan, trú tại thôn 1, xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa không khỏi bức xúc cho biết: Do trước đó, đoạn đê này đã bị hư hỏng nghiêm trọng, không thể lưu thông, năm 2009, UBND tỉnh đã đầu tư, làm lại phần phần mặt đê để người dân thuận tiện trong việc đi lại, đồng thời cũng để gia cố cho tuyến đê. Tuy nhiên, chỉ một năm sau khi đưa vào sử dụng, đoạn bê tông trên mặt đê đã bị bong tróc, gãy vỡ… cứ thế theo thời gian tạo thành những ổ trâu, ổ voi như hiện nay.

Theo ông Phan, tác nhân gây ra điều này là các đoàn xe chở vật liệu xây dựng, xe quá tải chở đất nguyên liệu cho các nhà máy gạch hoạt động tại các xã Thiệu Giao, Thiệu Công, Thiệu Quang v.v.. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do vật liệu dùng để thi công đoạn đê do chất lượng quá kém gây ra.

“Chỉ sau một năm đưa vào sử dụng, mặt đê đã bắt đầu bị gãy vỡ, bong tróc. Tại thời điểm đó, người dân địa phương đã xì xào bàn tán, thậm chí kiến nghị về chất lượng của công trình, nhưng không được các cơ quan chức năng để ý và họ vẫn nghiệm thu như không có gì xảy ra. Hậu quả là suốt gần 10 năm nay, đoạn đường càng trở nên khó đi lại hơn do mặt đê lổn nhổn toàn mảnh bê tông vỡ. Mỗi khi trời mưa, các điểm hư hỏng nặng này thật sự trở thành những chiếc bẫy. Đã có không ít các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đoạn đường và nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và các cháu học sinh yếu tay lái!”- ông Phan cho biết thêm.

Kêu không thấu!

Tìm hiểu thêm từ phía chính quyền, chúng tôi được biết: Đoạn đê hữu sông Cầu Chày, đoạn chạy qua xã Thiệu Long có chiều dài khoảng hơn 3 km. Đoạn trên được nối với xã Định Bình, huyện Yên Định, đoạn dưới nối thông với xã Thiệu Giang, huyện Thiệu Hóa.

Do bị hư hỏng nặng nề không thể đi lại, thêm vào đó là sự mất an toàn đê điều, năm 2009, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định nâng cấp 1,5 km (đoạn từ công sở UBND xã Thiệu Long đến giáp gianh xã Thiệu Giang) bằng bê tông kiên cố phần mặt đê, do Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Sau ít lâu đưa vào sử dụng, đoạn đê đã bị hư hỏng và chưa một lần được tu sửa như đã nói ở phần trên.

Để “cứu” tuyến đê, năm 2017, UBND xã Thiệu Long đã trích ra 45 triệu đồng từ nguồn ngân sách xã để xây dựng 2 điểm trụ bê tông ở đầu đường đê dẫn qua xã, nhằm hạn chế sự lưu thông của lực lượng xe quá tải chở nguyên liệu cho các nhà máy gạch chạy qua. Biện pháp bảo vệ tuy muộn mằn này nhưng cũng đã làm giảm được các xe quá tải lưu thông và phần nào trì hoãn được sự xuống cấp của cả tuyến đê.

Thực tế còn cho thấy, ngoài 1,5 km đê được bê tông hóa bị hư hỏng, đoạn còn lại dài hơn 1,5 km là đường đất chưa được gia cố cũng đang tồn tại nhiều những ẩn họa khi mùa mưa bão đang về.

Ngoài vấn đề gây trở ngại về giao thông cho người dân Thiệu Long và các xã xung quanh mỗi khi phải đi qua. Mới đây nhất là vào tháng 8/2020, một vết nứt lớn, dài gần 40 m, bất ngờ xuất hiện trên mặt đoạn đê đã gây ra nhiều lo lắng hoang mang cho bà con nhân dân.

Trước tình thế cấp bách, UBND xã Thiệu Long lại phải trích ra gần 10 triệu đồng từ ngân sách để vá víu vết nứt. Tuy nhiên, cách xử lý tạm bợ này được người dân địa phương ví von một cách khá hài hước rằng: “Khác nào đau bụng lại uống thuốc giảm đau”! “Hiểm họa là khôn lường!”.

Trao đổi với với PV báo Đại Đoàn Kết về vấn đề nêu trên, ông Trịnh Duy Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Long nói: “Chúng tôi kêu nhiều nhưng không thấu anh ạ! Mới đây nhất là vào giữa tháng 8/2020, sau sự cố nứt mặt đê, đoàn liên ngành của tỉnh bao gồm Sở Giao thông vận tải, Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa và UBND huyện Thiệu Hóa có về khảo sát, đánh giá lại thực trạng của tuyến đê. Nhưng rồi họ đã “một đi không trở lại”, không có bất kỳ một hồi âm hay tín hiệu nào cho thấy sẽ có phương án cụ thể cho tuyến đê bị hư hỏng này”, ông Phương than thở.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đê sông Cầu Chày kêu cứu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO