Để tàu vỏ thép vươn khơi

Thanh Tùng 30/08/2017 08:35

Ngày 29/8, tại TP Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo Sửa đổi Nghị định 67 - Những vấn đề cần đặt ra, nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập về chính sách và thực tiễn, phát huy hiệu quả của tàu vỏ thép. Hội thảo do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức với sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương ven biển.


Ảnh minh họa.

Tiếng nói ngư dân

Khai mạc hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn nêu ra 5 vấn đề cần thảo luận, tháo gỡ. Về chính sách đầu tư, ông Môn đưa ra câu hỏi: Hạ tầng cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão đã đồng bộ chưa? Cần phải làm những gì để thời gian tới đầu tư hạ tầng cho ngành khai thác thủy hải sản được tốt hơn?

Về chính sách tín dụng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, vẫn còn những hạn chế, bất cập như: Thủ tục cho vay rườm rà, phức tạp, các ngân hàng vẫn yêu cầu ngư dân phải thế chấp sổ đỏ, lãi suất cho vay còn cao, vì thế nên nhiều ngư dân rất khó vay hoặc không muốn vay vốn. Việc bảo hiểm tàu cá cũng được ông Lại Xuân Môn nhìn nhận: Từ đầu năm đến nay, do hướng dẫn chậm, các doanh nghiệp bảo hiểm không tiếp tục thực hiện bảo hiểm theo Nghị định 67/2014 đã phát sinh vướng mắc, làm cho các ngân hàng thương mại không tiến hành giải ngân cho các tàu đang đóng hoặc tàu đã đóng xong nhưng không có bảo hiểm nên không đi biển được.

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho rằng, sửa đổi bổ sung Nghị định 67 cần lấy cơ sở từ Luật Công nghệ cao và Luật Biển Việt Nam. Vướng mắc đối với tàu cá theo Nghị định 67 cũng được ông Trần Hữu Thế đề cập là vốn. Nếu Nhà nước đầu tư 100% vốn thì liệu có duy trì được lâu dài không? Cần phải làm gì để kêu gọi và phát huy hiệu quả nguồn vốn xã hội hóa cho Nghị định 67 – ông Trần Hữu Thế nêu câu hỏi. Một vấn đề khác cũng được ông Thế đặt ra là có nhiều tàu vỏ thép được đóng mới nhưng lại không đi kèm với sự đầu tư đồng bộ về bến bãi, hạ tầng neo đậu.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, đến thời điểm này, Quảng Trị đã hoàn thành đóng mới 32 tàu vỏ thép. Nghị định 67 ra đời “được nhiều hơn mất” nhưng bên cạnh đó cũng tồn tại những bất cập - đặc biệt là khó khăn về tiếp cận nguồn vốn của ngư dân. Theo ông Hà Sỹ Đồng, trước đây ngư dân bỏ tiền đóng tàu vỏ gỗ mỗi tháng thu về hàng trăm triệu, mỗi năm thu vài tỷ đồng rất “nhẹ nhàng” nhưng khi vay khoản tiền lớn lên đến vài chục tỷ đồng, đóng tàu vỏ thép, ngư dân phải “gồng mình” trên từng chuyến biển để lo trả lãi ngân hàng. Không tăng số lượng tàu vỏ thép công suất lớn cho đội hình đánh bắt của ngư dân thì kinh tế biển khó lớn mạnh được nhưng rất cần có chính sách phù hợp đi kèm, chẳng hạn như kéo dài thời gian hoàn vốn lên đến 20 năm. Cùng với đó, các khu hậu cần dịch vụ, hạ tầng neo đậu cũng phải đầu tư đồng bộ

Chính sách chưa “khớp” với thực tiễn cũng được đại biểu dự hội thảo nhìn nhận, là cơ hội để doanh nghiệp đóng tàu “trục lợi”. Liên quan đến vấn đề này, ông Đinh Công Khánh, đại diện cho các ngư dân đóng mới tàu vỏ thép ở Bình Định cho biết, ông vay ngân hàng 18,7 tỷ đồng để thuê Công ty Nam triệu đóng tàu vỏ thép, thay thế tàu vỏ gỗ truyền thống. Trong năm 2115, 2016 ông Khánh phải 8 lần từ Bình Định ra Hải Phòng để theo dõi việc đóng tàu.

Tháng 9/2016 khi đưa tàu vừa đóng mang số hiệu BĐ 99086 TS ra đánh bắt tại vùng biển Trường Sa thì xảy ra sự cố hầm đá không bảo đảm bảo làm ông lỗ 280 triệu đồng. Tháng 3/2017, tàu mới ra khơi cách bờ 10 hải lý thì hỏng máy, nằm bờ luôn đến bây giờ. Từ chỗ đi tàu vỏ gỗ thu nhập bình quân 1 tỷ đồng/năm, ông Đinh Công Khánh phải lơ lửng trên đầu món nợ ngân hàng không biết bao giờ mới trả được do gặp phải doanh nghiệp đóng tàu làm ăn gian dối.


Tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định được bàn giao năm 2016 đã bị gỉ sét.

Mở hướng từ chính sách đến thực tiễn

Nhìn lại 3 năm triển khai Nghị định 67, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn đưa ra đánh giá: Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được khi có hơn 1.500 con tàu được nâng cấp, đóng mới, thời gian qua đã xảy ra sự cố đáng tiếc với 40 con tàu bị hỏng hóc máy móc, gỉ sét, phải nằm bờ. Vì thế trong thời gian tới, các cấp, ngành hữu quan cần phải thực hiện các quy trình, bảo đảm tính công khai, minh bạch ra sao; trách nhiệm của các bên như thế nào để hạn chế tối đa các sự cố đáng tiếc.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2014/NĐ-CP trong thời gian tới, được ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề cập: Sẽ sửa đổi, bổ sung thời gian thực hiện chính sách đến năm 2020. Hỗ trợ đóng mới, nâng cấp tàu cá cần chuyển từ chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng đóng mới tàu cá sang chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá theo hình thức hỗ trợ một lần sau đầu tư. Chính sách tín dụng lưu động đề xuất sửa đổi bổ sung theo hướng tăng hạn mức cho vay tối đa cho một chuyến biển; sửa đổi, bổ sung thêm cơ chế cho vay, cơ chế xử lý rủi ro cho tổ chức tín dụng (theo hình thức vay tín chấp và bỏ thủ tục do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phê duyệt danh sách) chủ tàu đủ điều kiện được vay vốn.

Chính sách bảo hiểm thực hiện hỗ trợ đối với tàu công suất từ 250 CV trở lên, được ông Nguyễn Văn Trung cho biết: Quy định mức hỗ trợ là 70% chi phí bảo hiểm thân tàu và thuyền viên. Bổ sung hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá và thuyền viên tàu có công suất máy chính từ 400CV trở lên. Để Nghị định 67 thực sự là luồng gió mới cho ngư dân vươn khơi, phát triển kinh tế biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo; ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định nêu ý kiến: Cần phải loại bỏ ngay lập tức những cơ sở, doanh nghiệp làm ăn chụp giật gian dối, không đủ điều kiện

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để tàu vỏ thép vươn khơi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO