Đề thi THPT tăng cường câu hỏi vận dụng thực tiễn: Thí sinh lưu ý gì?

Nguyễn Hoài 12/03/2023 10:22

Dự kiến đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ tăng cường câu hỏi, nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn. Thí sinh cần lưu ý ôn thi như thế nào để đạt điểm cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây?

Theo Bộ GDĐT, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 do Bộ GDĐT xây dựng, với dự kiến giữ ổn định như năm 2022. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12.

Bộ cũng lên phương án tăng cường câu hỏi, nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nhận định về đề thi minh họa của các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 do Bộ GDĐT công bố, nhiều giáo viên cho rằng, đề tham khảo năm nay giữ được tính ổn định, không có thay đổi đột biến so với cấu trúc đề thi của những năm gần đây. Điều này hoàn toàn hợp lý, không gây ra xáo trộn trong việc ôn tập của thí sinh, phù hợp với mục đích chính là xét công nhận tốt nghiệp.

Tuy nhiên, ở đề thi minh họa môn Toán vẫn có một số câu hỏi ở dạng mới, cách cho dữ kiện đề bài mới lạ mang tính thử thách dành cho những thí sinh muốn lấy điểm tuyệt đối.

Cán bộ coi thi kiểm tra thông tin thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT.

Trước xu hướng đề thi tốt nghiệp THPT các năm gần đây xuất hiện câu hỏi mở, nội dung nằm ngoài sách giáo khoa, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GDĐT cho biết, nội dung đề thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình, chủ yếu ở lớp 12. Do đó, học sinh dựa theo chương trình và sử dụng sách giáo khoa là tài liệu chính để ôn tập.

Bên cạnh đó, các em có thể tham khảo đề thi minh họa của Bộ GDĐT đã công bố để biết định dạng, cấu trúc đề thi và làm thử các bài kiểm tra theo dạng đề sau mỗi chương, chủ đề trong quá trình học.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành lưu ý, đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn vài năm trở lại đây bắt đầu sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa ở phần đọc hiểu và nghị luận xã hội. Trong tương lai, nhất là khi tổ chức thi tốt nghiệp với học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông mới, việc sử dụng tác phẩm đã học trong sách giáo khoa để đưa vào đề thi sẽ không còn nữa.

Năng lực, kỹ năng của học sinh chỉ thực sự được đánh giá chính xác khi đề thi sử dụng ngữ liệu mới lạ. Cách này cũng tránh việc học sinh học thuộc lòng máy móc và làm theo văn mẫu. Do đó, để tránh học tủ hay đoán đề, các em cần luyện tập để có kỹ năng trả lời các câu hỏi theo yêu cầu của chương trình và trong đề thi.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, để đạt được điểm cao, học sinh cần chủ động xây dựng kế hoạch học tập với từng môn học. Để dễ nhớ, các em xây dựng đề cương dạng sơ đồ hóa theo từng chương, từng chủ đề của chương trình học.

Các em luyện tập theo các câu hỏi, bài tập liên quan, trước khi mở rộng luyện tập theo yêu cầu vận dụng kiến thức. Bằng cách này, các em sẽ nắm vững và vận dụng được kiến thức theo bốn mức độ yêu cầu của đề thi tốt nghiệp THPT là nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.

Về phía giáo viên, ông Thành cũng lưu ý, thầy cô thường xuyên kiểm tra, đánh giá, bổ sung mảng kiến thức còn yếu, còn thiếu giúp các em hiểu bản chất và biết cách vận dụng trong các tình huống cuộc sống. Đề thi có một tỷ lệ câu hỏi gắn với thực tiễn nên nếu học sinh được rèn luyện, kiểm tra với các hình thức đa dạng hơn sẽ không bỡ ngỡ với những câu hỏi như vậy.

Ngoài ra, việc luyện quá nhiều đề hay làm nhiều bài tập nhưng không có tính hệ thống là không cần thiết, gây quá tải. Giáo viên chỉ nên cho học sinh luyện tập theo đề thi với số lượng phù hợp, chủ yếu giúp các em biết cách thức làm bài ở các mức độ khác nhau, phân bố thời gian hợp lý và rèn luyện khả năng tập trung khi làm bài.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29, 30/6/2023. Trong đó ngày 27/6 thí sinh làm thủ tục dự thi; ngày 28 và 29/6 tổ chức coi thi; ngày 30/6 để dự phòng.

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT, nội dung đề thi tốt nghiệp THPT năm nay dự kiến nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12.

Bộ cũng đang lên kế hoạch điều chỉnh để kỳ thi diễn ra tốt hơn như điều chỉnh một số vấn đề kỹ thuật để tăng cường kỷ cương, nền nếp phòng thi cũng như bảo đảm an toàn, an ninh trong suốt kỳ thi; tăng cường chất lượng đề thi đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra toàn bộ các khâu tổ chức thi

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề thi THPT tăng cường câu hỏi vận dụng thực tiễn: Thí sinh lưu ý gì?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO