Để vùng dân tộc, miền núi đồng hành cùng cả nước

Tuệ Phương 13/09/2022 07:13

LTS: Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021-2025, là một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta dành cho đồng bào các DTTS. UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch Triển khai thực hiện và giám sát Chương trình Mục tiêu quốc gia DTTS và miền núi năm 2022, nhằm thực hiện tốt hơn nữa vai trò và sứ mệnh của Mặt trận trong việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động và giám sát của Mặt trận sẽ góp phần tạo động lực to lớn đối với đồng bào các DTTS trong công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực phấn đấu vươn lên, hòa nhịp cùng sự phát triển chung của cả nước. Để thông tin tới bạn đọc ý nghĩa của chương trình, kể từ số báo này, Báo Đại Đoàn Kết xây dựng chuyên mục: Dân tộc và Phát triển.

Nhờ các chương trình hỗ trợ của Trung ương, đồng bào vùng cao đã đổi mới, vươn lên, giữ gìn bản sắc văn hóa quê hương. Ảnh: Quang Vinh

Những năm gần đây, đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào DTTS và miền núi đã có những bước phát triển vượt bậc. Nhưng do điều kiện địa hình gồm nhiều vùng núi cao, dân trí còn chưa cao, tiêu thụ hàng hóa, nông sản còn nhiều bất cập… nên vùng dân tộc, miền núi vẫn còn nhiều khó khăn. Trong bối cảnh ấy, việc thực hiện hiệu quả các Chương trình hỗ trợ của Trung ương không chỉ đưa vùng dân tộc, miền núi đồng hành cùng cả nước, mà còn củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Miền núi gần hơn với đồng bằng

Là tỉnh địa đầu Tổ quốc, Hà Giang là vùng đất nổi tiếng với cao nguyên đá, cũng đồng thời “nổi tiếng” là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước. Nhưng những năm gần đây, Hà Giang đã đổi thay. Những con đường bê tông phẳng lỳ vắt qua những đèo cao để đến tận thôn bản. Sản vật của bà con, vì thế thuận lợi hơn trong tiêu thụ. Nhiều nơi, bà con không chỉ góp tiền mở rộng đường, mà còn góp tiền để đưa điện thắp sáng những khu công cộng. Những tin vui về “miền hoa nở trên đá” liên tục được báo về. Tính đến nay, tỉnh Hà Giang có 1 đơn vị là thành phố Hà Giang đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) cấp huyện; 47 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 69 thôn NTM. Nền tảng cho những bứt phá ấy, chính là những Chương trình hỗ trợ của Trung ương dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW năm 2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân tộc. Những chương trình hỗ trợ về hạ tầng điện, đường, trường, trạm; hỗ trợ các xã vùng cao xây dựng NTM đã được địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo, kết hợp với huy động sức dân để tạo ra một diện mạo mới cho Hà Giang.

Nếu Hà Giang là tỉnh cực bắc, thì Lai Châu là tỉnh cực tây của Việt Nam. Lai Châu vốn là một “bạn đồng hành” của Hà Giang. Bây giờ, cụm từ “bạn đồng hành” được hiểu theo nghĩa tích cực. Lai Châu là chính là tỉnh có có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhất cả nước giai đoạn 2006-2021. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58,2% năm 2006 xuống 27,9% năm 2021. Như vậy, sau 16 năm, tỷ lệ hộ nghèo của Lai Châu đã giảm tới 30,3%. Mường Tè vốn là một trong những địa bàn khó khăn nhất của Lai Châu, với 6 xã biên giới. Giai đoạn 2016-2020, huyện Mường Tè được phân bổ nguồn vốn gần 381 tỷ đồng để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; trong đó Chương trình 30a hơn 293,5 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn Chương trình 135. Nguồn vốn này được thực hiện xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như hệ thống đường giao thông, công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, trường học; hỗ trợ xóa nhà tạm cho các hộ nghèo, hộ khó khăn, ổn định cuộc sống cho người dân; hỗ trợ các giống cây, con giống, máy móc thiết bị, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cho các hộ nghèo, cận nghèo. Từ đó, tạo điều kiện cho các hộ gia đình phát triển kinh tế, cải thiện đời sống và được hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản. Huyện Mường Tè giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 54,63% năm 2016 xuống còn 24,09% vào cuối năm 2021 (theo tiêu chí cũ); thu nhập bình quân năm 2021 đạt 24,5 triệu đồng/người/năm.

Vốn là những tỉnh khó khăn nhất, nghèo nhất, nhưng Hà Giang, Lai Châu đang chuyển mình. Đó chính là những “mảnh ghép” trong bức tranh lớn hơn về vùng DTTS và miền núi ở nước ta. Các tỉnh tập trung nhiều đồng bào DTTS, dù là vùng núi phía Bắc như: Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên…; hay vùng Tây Nguyên như: Lâm Đồng, Kon Tum… cho đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đời sống nhân dân có nhiều đổi mới, chất lượng cuộc sống nâng lên. Các chương trình hỗ trợ, Chương trình mục tiêu quốc gia đã phát huy tác dụng, đưa miền núi gần hơn với miền xuôi.

Kỳ vọng từ động lực mới

Mặc dù đã được Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ, đầu tư phát triển, nhưng kết quả thực hiện một số nhiệm vụ đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung còn chuyển biến chậm. Vùng DTTS và miền núi vẫn đang là “lõi nghèo” của cả nước. Từ thực tế ấy, năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 về công tác dân tộc trong tình hình mới. Tiếp đó, cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, giai đoạn 1 (2021-2025) có mục tiêu hết năm 2025, mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng hơn 2 lần so năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 3% trở lên; đồng thời phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% số thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp...

Để hiện thực hóa mục tiêu này, đòi hỏi sự nỗ lực lớn của các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, hệ thống MTTQ các cấp. Bởi việc thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình trải rộng trên hàng chục dự án, tiểu dự án, bao quát tất cả các đời sống của người dân, từ hạ tầng cơ sở, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… cho tới giáo dục, văn hóa, nâng cao nhận thức của bà con.

MTTQ các cấp, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân nhận thức đúng đắn, đầy đủ các chính sách, chương trình hành động của Trung ương đối với công tác dân tộc, còn trực tiếp vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mạnh dạn trong đầu tư làm ăn, giữ gìn bản sắc văn hóa… Đặc biệt, thực hiện tốt công tác giám sát việc thực hiện các dự án thành phần của chương trình, ngăn chặn, hạn chế thấp nhất việc thất thoát tài sản.

Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 được kỳ vọng sẽ giải quyết căn cơ những khó khăn, nâng cao đời sống cho đồng bào. Chỉ khi thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, Chương trình mới thực sự tạo động lực mới, thổi luồng gió mới làm thay đổi cơ bản đời sống đồng bào vùng DTTS và miền núi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước trong thời kỳ hội nhập.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện và giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS và miền núi năm 2022. Việc ban hành Kế hoạch triển khai nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân, đơn vị trong hệ thống MTTQ Việt Nam đối với nhiệm vụ giám sát các chương trình, dự án theo Quyết định 1719 ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trên cơ sở đó, kiến nghị những giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện và giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS và miền núi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để vùng dân tộc, miền núi đồng hành cùng cả nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO