Đề xuất cách ly toàn bộ F1, F0 không triệu chứng tại nhà

Đoàn Xá - Thanh Tùng 06/08/2021 05:42

TP Hồ Chí Minh vừa có đề xuất cho toàn bộ các trường hợp F1 được cách ly tại nhà, cùng với những trường hợp F0 không triệu chứng.

Tương tự, thành phố Đà Nẵng cũng quyết định thí điểm cách ly F1 tại nhà. Đây là quyết định hợp lý, sát thực tiễn. Tuy nhiên, việc đồng loạt cách ly F1 và một số F0 tại nhà cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khâu giám sát, ý thức của người cách ly cũng như quy trình y tế đảm bảo an toàn cho người thân, hàng xóm.

TP Hồ Chí Minh: Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát cách ly tại nhà

Ghi nhận thực tế sau tại TP HCM, khoảng 2 tuần cho thí điểm cách ly F0, F1 tại nhà cho thấy một số hiệu quả tích cực, những trường hợp này đều ổn định tâm lý, được gần người thân và có điều kiện chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng tốt hơn so với khu vực cách ly tập trung. Đặc biệt tình trạng lây chéo trong khu cách ly tập trung cũng được ngăn chặn.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết, việc cách ly y tế tại nhà cho F1 là một chiến lược phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Điều này giúp giảm tải và giảm nguy cơ lây nhiễm chéo (nếu có) tại các khu cách ly tập trung, đồng thời tạo được tâm lý thoải mái cho người được cách ly. Việc cách ly y tế tại nhà cho F1 và theo dõi bằng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát cách ly tại nhà bằng phần mềm VHD (VietNam Health Declaration) sẽ giúp ích rất nhiều cho lực lượng chống dịch thành phố. Hơn nữa, hầu hết các trường hợp F1 đều có nguyện vọng được cách ly tại nhà.

Trước đây, TP HCM yêu cầu toàn bộ các F1 phải cách ly tập trung tại các cơ sở như trường học, ký túc xá... trong thời gian 14 ngày, rồi kéo dài lên 21 ngày khi dịch bệnh với biến chủng Delta bùng phát.

Thống kê cho thấy hiện TP HCM có khoảng 43.000 người cách ly y tế, trong đó gần 6.000 người cách ly tập trung. Trong số những trường hợp cách ly tại nhà hiện thống kê là hơn 6.300 người. Việc cho những trường hợp F1 khác được trở về nơi cư trú để cách ly sẽ giảm tải rất nhiều cho hệ thống y tế của thành phố. Những nhân viên này sẽ được tăng cường tới các địa điểm khác cần thiết hơn xét nghiệm, tiêm chủng, truy vết...

Nhân viên y tế đo thân nhiệt trường hợp cách ly. Ảnh: Hoàng Triều.

Tuy nhiên, việc cách ly tại nhà không hề đơn giản, tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể phát sinh thành các ổ dịch. Trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là trước kia, chính quyền địa phương phải khảo sát nơi cư trú của người cách ly trước khi quyết định cho cách ly tập trung hay cách ly tại nhà.

Những trường hợp sinh sống ở chung cư, nhà trọ chật hẹp, mật độ cư trú cao... sẽ không được chấp thuận vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Nếu quy định cho phép toàn bộ F1 cách ly tại nhà được thông qua, những trường hợp trên sẽ được ở tại nơi cư trú.

Ngoài đặc thù nơi cư trú, ý thức và kiến thức phòng chống dịch Covid-19 của F1 (hoặc F0) cùng người thân khi cách ly tại nhà cũng vô cùng quan trọng. Hiện này, việc giám sát cách ly tại nhà sẽ gồm lực lượng dân quân, công an, y tế và Tổ Covid cộng đồng phối hợp thực hiện.

Lực lượng dân quân, công an sẽ đảm nhận việc tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự, giám sát sự tuân thủ cách ly. Lực lượng y tế sẽ đảm trách việc hướng dẫn người cách ly khai báo, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe trên ứng dụng VHD.

Hàng ngày Tổ Covid cộng đồng sẽ tiếp nhận thông tin và kiểm tra sức khỏe người cách ly, người chăm sóc hỗ trợ, người cách ly. Yêu cầu người ở cùng nhà với người cách ly không được tiếp xúc với những người xung quanh, không đi ra ngoài khi không cần thiết và phải ghi chép đầy đủ các mốc tiếp xúc. Tuy nhiên thực tế thì tại nhiều địa phương, các lực lượng chống dịch như dân quân, công an, y tế đang phải đảm nhiệm rất nhiều công việc, từ các chốt chặn, điều trị, truy vết ca nhiễm mới cho tới tổ chức tiêm chủng đại trà toàn dân...

Vì thế, yêu cầu các lực lượng này có thể giám sát từng hộ dân F1 (hay F0) cách ly tại nhà là khó khăn hơn rất nhiều so với cách ly tập trung trước kia. Tất cả đều trông chờ vào ý thức của người F1 (hoặc F0) và gia đình họ.

Hiện nay, toàn bộ các trường hợp cách ly tại nhà F1 (hoặc F0) đều được chính quyền địa phương gắn biển báo trước cửa nhà. Tuy nhiên, với hàng ngàn trường hợp, nguy cơ lây nhiễm nguồn bệnh vẫn là rất lớn nếu thành phố không có biện pháp giám sát chặt chẽ, khoa học.

Kiểm tra một trường hợp F1 thí điểm cách ly tại nhà ở Bình Dương. Ảnh: BYT.

Đà Nẵng: Phối hợp quản lý, kiểm tra, giám sát cách ly y tế tại nhà

Bà Ngô Thị Kim Yế, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, từ ngày 5/8, thành phố thí điểm phương án cách ly F1 tại nhà, bước đầu áp dụng tại quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang. Sau đó, tùy vào hiệu quả thí điểm, căn cứ thực tế và diễn biến dịch bệnh, thành phố sẽ điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phương án, xem xét áp dụng trên các địa phương khác hoặc trên toàn thành phố.

Theo BS Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc CDC thành phố Đà Nẵng, trước mắt, thành phố áp dụng thí điểm đối với F1 đang cách ly tập trung đủ 7 ngày, có kết quả xét nghiệm PCR ngày thứ 1, thứ 4 và thứ 7 âm tính với SARS-CoV-2. Đồng thời, F1 phải bảo đảm đủ điều kiện về cơ sở vật chất, có cam kết thực hiện của bản thân, người ở cùng nhà; đủ khả năng nhận thức, điều khiển hành vi, tuân thủ tuyệt đối quy định 5K của Bộ Y tế và tuyệt đối không tiếp xúc với người khác trong quá trình cách ly.

Bên cạnh đó, bản thân F1 hoặc người chăm sóc phải có điện thoại/thiết bị di động truy cập được internet; bảo đảm có người cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm trong trường hợp tất cả mọi người trong nhà đều là F1 cách ly tại nhà. Đặc biệt, không có người già hoặc người có bệnh nền cần chăm sóc y tế trong nhà F1 thực hiện cách ly tại nhà.

“Yêu cầu bắt buộc về cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với F1 là nhà ở riêng lẻ, căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư trên trục đường đủ rộng để ôtô, xe cấp cứu có thể vào được trước cửa nhà mà không ảnh hưởng lưu thông. Đồng thời, phải có phòng cách ly riêng, bảo đảm thông thoáng khí, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình.

Nếu nhà có nhiều tầng thì sử dụng một tầng riêng biệt để thực hiện cách ly y tế. Bố trí tầng cách ly là tầng trên cùng của nhà nhiều tầng. Nếu phòng tắm, nhà vệ sinh ở ngoài phòng cách ly thì cũng phải cùng tầng. F1 thực hiện cách ly tại tầng này và không tiếp xúc với các tầng khác trong nhà. Người được cách ly tập trung 7 ngày thì tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày. Sau khi hết thời gian cách ly, phải thực hiện tiếp việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định” - bác sĩ Nguyễn Hóa cho biết.

Theo Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, đối với trường hợp không phải tất cả người trong nhà đều là F1 thì yêu cầu thực hiện theo 6 bước gồm: lập danh sách F1 đủ điều kiện; chính quyền địa phương tiếp nhận danh sách, kiểm tra điều kiện cách ly; đồng thời ra quyết định cách ly tại nhà; tiến hành đưa người cách ly tập trung về địa phương tiếp tục cách ly tại nhà; tổ chức giám sát F1 cách ly tại nhà; hoàn thành cách ly, theo dõi y tế.

Với trường hợp toàn bộ người trong nhà là F1, ngoài việc thực hiện 6 bước như trên, bổ sung thêm các điều kiện: Tuyệt đối không được ra khỏi nhà, các thành viên trong gia đình hạn chế tối đa việc tiếp xúc, nói chuyện với nhau; trường hợp tiếp xúc, nói chuyện phải tuân thủ đeo khẩu trang và giữ khoảng cách; có bàn tiếp nhận thức ăn trước nhà, tuyệt đối không tiếp xúc với người giao thức ăn; thực hiện quy trình tiếp nhận thức ăn bảo an toàn, phòng, chống Covid-19; đồng thời, xử lý rác thải trong nhà được xem là chất thải có nguy cơ lây nhiễm.

Theo bà Ngô Thị Kim Yến, cái khác so với hướng dẫn của Trung ương là Đà Nẵng chọn thí điểm đối với F1 đã được cách ly tập trung 7 ngày và lấy mẫu xét nghiệm 3 lần âm tính với SARS-CoV-2. Điều này giúp tăng độ an toàn khi triển khai cách ly tại nhà, cũng như giảm áp lực lớn cho các đơn vị, địa phương và lực lượng trực tiếp tham gia.

Bởi trước khi được đưa về nhà, những F1 này thực hiện cách ly tập trung 7 ngày nên có những kiến thức, kinh nghiệm cơ bản trong các thao tác cách ly.

Mục đích của phương án cách ly F1 tại nhà nhằm giảm áp lực và nguy cơ lây nhiễm chéo tại cơ sở cách ly tập trung. Đồng thời, nâng cao ý thức, nhận thức, kiến thức, thái độ về phòng, chống Covid-19; tăng cường công tác phối hợp quản lý, kiểm tra, giám sát cách ly y tế tại nhà trong phòng, chống Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề xuất cách ly toàn bộ F1, F0 không triệu chứng tại nhà

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO