Đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo: Giáo viên được hưởng lợi gì?

Nguyễn Hoài 24/10/2022 14:24

Tại dự thảo đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ GDĐT đề xuất 5 nhóm chính sách chủ yếu nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo.

Bộ GDĐT đang đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho ngành, cho đất nước.

Nhiều hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn phát triển đội ngũ nhà giáo

Bộ GDĐT cho biết, tính đến năm học 2020-2021, tổng số nhà giáo trong cả nước là 1.402.469 người. Biên chế sự nghiệp của ngành Giáo dục chiếm khoảng 70% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước.

Như vậy, có thể thấy, đội ngũ nhà giáo là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả các ngành/lĩnh vực, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Đội ngũ nhà giáo hoạt động rộng khắp trong các ngành, lĩnh vực, thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau.

Tuy nhiên, Bộ GDĐT cũng chỉ ra 6 vấn đề hạn chế, vướng mắc chủ yếu trong thực tiễn phát triển đội ngũ nhà giáo.

Trong đó, hạn chế đầu tiên là cơ cấu đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông còn mất cân đối. Vấn đề thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông diễn tại nhiều địa phương, trong từng cơ sở giáo dục, trong từng cấp học, môn học vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Nhiều địa phương không đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định của Bộ GDĐT. Đặc biệt, thiếu một số lượng lớn giáo viên để đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Bộ GDĐT cho rằng, nếu xây dựng được 1 luật riêng điều chỉnh về nhà giáo sẽ giúp giải quyết căn cơ vấn đề này.

Một tiết học của cô và trò Hà Nội.

Cũng theo Bộ GDĐT, trong giai đoạn 2010-2021, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành gần 200 văn bản liên quan đến đội ngũ nhà giáo. Nhưng tổng kết, đối chiếu với nhu cầu thực tế cho thấy có những tồn tại, hạn chế lớn, tác động cơ bản đến tương lai của nền giáo dục Việt Nam.

Quan điểm xây dựng luật

Bộ GDĐT cho biết, việc xây dựng Luật Nhà giáo nhằm luật hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu", nhà giáo "giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục".

Luật Nhà giáo vừa là sự kế thừa, hoàn thiện các quy định về nhà giáo trong Luật Giáo dục, vừa bổ sung, phát triển hóa các quy định của pháp luật hiện hành về nhà giáo; rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định đã phát sinh hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục.

Ngoài ra, luật sẽ kiến tạo một số chính sách mới để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo để đáp ứng các yêu cầu trong bối cảnh hiện nay.

Trong đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ GDĐT đề xuất 5 nhóm chính sách chủ yếu nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo, gồm: Định danh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền và nghĩa vụ nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo; Quy hoạch, đào tạo, phát triển nghề nghiệp nhà giáo; Đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Đây là điều giáo viên cả nước rất mong chờ khi Luật Nhà giáo được xây dựng và ban hành, vị thế nhà giáo, những bất cập, hạn chế trong phát triển đội ngũ sẽ được thay đổi tích cực.

Bộ GDĐT đề xuất trình dự án Luật Nhà giáo tại kỳ họp thứ năm của Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024), trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024). Thời gian luật có hiệu lực dự kiến từ 1/7/2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo: Giáo viên được hưởng lợi gì?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO