Hơn trăm năm trước, đèn điện, phố xá và những chiếc xe ô tô đã làm thay đổi cả một đời sống tâm hồn thâm u và huyền bí.
Màn đêm ấy được vén lên cũng là khi những huyền thoại đường rừng bị quên lãng bởi rừng cũng thưa thớt rồi lui vào xa xăm. Những con đường mới mở xuyên núi, băng đồi xoá nhoà những nghi kị về những lời nguyền này, về phép màu nọ. Thế nhưng, cho đến mãi bây giờ, đêm thanh vắng u huyền ở miền sơn cước vẫn là một bí mật quyến rũ những ai còn luôn trăn trở với những giá trị truyền thống, vẫn luôn ám ảnh với hồn vía của núi rừng.
Chỉ có đêm mới giúp ta cảm nhận được mảnh đất nào có sức níu kéo bàn chân phiêu lãng nhất. Ngày là khúc tráng ca quật khởi của vượt khó mưu sinh và sự cay đắng mang màu sắc bi ca thất bát. Hai sắc điệu ấy đối lập nhau, định đoạt số phận của nhau và chỉ khi đêm về mới là khúc du ca êm ả nhất. Đêm, nếu ở lại nơi nào mà tâm ta không thể tĩnh lặng được thì sớm mai ắt phải ra đi khỏi nơi ấy.
Tôi đưa tay đẩy tung cánh cửa sổ bằng gỗ nhãn rừng, bất giác chạm vào cành na đong đưa từng trái. Đã chớm thu rồi, anh chủ nhà thì cứ chậm rãi đến mức làm người ta phát sốt ruột nhưng cũng khá thú vị bởi cái phong cách cầu kì và chu đáo. Bữa tối ở nơi đây thật sang trọng. Nó không chỉ cốt làm ấm bụng trước khi đi nằm mà là một bữa để chủ và khách tâm tình trong cái không gian tĩnh lặng của màn đêm.
Đêm miền ngược thật sự có hồn. Đỉnh dốc vắng, khúc đèo cua đã là một dấu ngắt câu, một bước ngoặt dứt khoát với những ai lưu luyến phố thị. Vỉa hè, mái phố, đèn đường, cửa hiệu… giờ đây bỗng đã thành kí vãng, nhường cho những quy ước riêng của núi đồi. Bên này là tà luy đất đá câm lặng, bên kia là ngai ngái mùi bùn đất, mướt mát lúa xanh. Như có một hiệu lệnh, khi trời chuyển tối, tất cả đều im phăng phắc. Tiếng mõ trâu văng vẳng ở một dải đồi xa như từ thuở xa xưa vọng lại, tiếng côn trùng ngân khúc như một điệu hát: Anh đã trở về với đồng quê, hay quên đi những thứ xa xỉ, cầu kì của người phố thị!
Nhớ lúc chiều, bước vào sân nhà bắt gặp tiếng chó sủa và ánh lửa bập bùng trong gian bếp. Chủ nhà múc gáo nước trong làm bằng vỏ trái dừa dội cho khách rửa chân rồi cùng bước lên cầu thang. Nếu đêm ở đồng bằng chiêm trũng ta như bị lút sâu vào khắc khoải của tiếng ếch, lập loè đom đóm mà thấp đi, cũ dần rồi chợt thấy mình bé nhỏ thì ở đây, từ độ cao chênh vênh của lưng đồi mà cảm nhận, đêm như điềm tĩnh và thanh tao hơn, thoát ra ngoài những rợn ngợp của vũ trụ.
Ở đây con người với thiên nhiên làm bạn nhưng thực ra thiên nhiên luôn đòi hỏi, thử thách lòng người. Người cũng khéo léo mà nương theo sức mạnh huyền bí của thiên nhiên để đạt được những giá trị của mình. Chén rượu nút lá chuối khô thơm và ấm đặt ngang môi đã ngọt. Con cá nướng đậm vị khói than gọi tiếng lòng say đắm. Anh chủ nhà cũng chạc tuổi tôi mà nước da đã thẫm một màu trải nghiệm nhẩn nha cất tiếng. Tiếng nói chậm rãi gợi sự bình yên của mảnh đất này.
- Anh mới lên chơi sẽ thấy lạ. Tôi sinh ra ở đây chưa đêm nào sống xa nhà. Ngần ấy năm nằm một hướng, ngóng đêm qua một khung cửa, tôi có thể nghe được tiếng đêm, nghe nó sáng như ngắm bản Mường dưới ánh trăng ngàn.
- Anh kể tiếp đi. - Tôi nói.
Thư thả rót thêm rượu vào chén, anh kể tiếp. Đêm ở đây trời mát và trong là bởi màu xanh bất tận cây cỏ, con người có được sự thanh nhàn trong tâm là bởi hà hít muôn vàn thứ hương hoa tinh khiết.
Anh kể rằng có mùa đông gió thổi ào ào như ngàn con trăn đang băng trên cành cây đuổi đàn khỉ vàng phía đại ngàn thuở xưa. Tiếng gió thốc vào hiên nhà, hốc đá như tiếng hộc khô khốc của con lợn rừng trúng thương. Mùa hè, mưa trút trên cành lá như ông trời toan đưa làng Mường trở lại ngày vũ trụ hỗn mang, mờ mịt: “Đất còn nên bạc lạc/ Nước còn nên bời lời”. (Đẻ đất đẻ nước). Trăm ngàn lời thương nhớ bị lấp trong tiếng mưa, bàn chân phải duyên nhau cũng bị mưa ngàn níu lại. Nhưng đến mùa thu, đêm thật tĩnh lặng, vạn vật như nín thở nhường lại không gian cho những tiếng thầm thì. Tiếng côn trùng bé mọn cất lên lời tâm tình của đất, hay lòng đất nâu mượn tiếng vĩ cầm đêm để hát lời mê hoặc lòng người yêu tha thiết ruộng đồng. Tiếng con trâu mộng dưới gầm sàn cọ sừng vào chân cột lim nghe nhồn nhột như một lời thủ thỉ. Chắc nó nhớ những cuộc đấu nảy lửa ngoài đồng cỏ xa xôi, nhớ tiếng khóc của những đứa trẻ khóc dạ đề não nuột. Tiếng cọ sừng ấy gọi tiếng mõ rung nhẹ, áp tai xuống gầm sàn trong đêm tối tưởng như đàn trâu đang lững thững đi xuyên vào sương khói hư ảo để ảo lạc vào thế giới xa xăm. Tiếng mõ như nhịp thời gian ngự trị nơi “chín đèo mười suối” bình yên này.
Trong bát canh măng chua, mùi hạt dổi thơm ngậy, vị lá lồm bùi bùi ngấm vào nơi cuống lưỡi như càng dậy lên không khí tĩnh mịch của đêm nay. Nhưng đêm nay, ngoài những thanh âm ấy, hương vị ấy, còn phải kể đến tiếng nền chày nơi cối gạo ngoài đầu suối kia. Giờ không còn là thời của những cỗ máy: sơ thủ công nhưng hễ có khách quý, làng vẫn đem thóc ngon ra cối giã. Tiếng nện chày tự nhiên của nó chẳng khác nào nhịp trái tim trong lồng ngực của con suối. Cứ thế, điểm nhịp cho làng đến khi tảng sáng.
Ngoài hiên, có một con chòe than trong chiếc lồng bằng gỗ đã cất tiếng hót gọi ngày. Bên hàng xóm, gà đã gáy. Anh chủ nhà vuốt lại mái tóc sau một đêm thức trắng đã xô lệch đi nhiều. Tôi có cảm giác đêm miền ngược như một câu chuyện cổ dài bất tận. Sự yên ả của thôn quê pha lẫn cái mát lành thoáng đãng của núi đồi tạo nên một sự thảnh thơi kì lạ. Nhưng điều sâu lắng nhất là những thanh âm của đêm. Tiếng của nhịp sinh sôi, phồn phụ của nên văn minh nông nghiệp. Tiếng mẹ gà gọi khẽ đàn con vun vén ổ rơm ấm, tiếng sừng trâu cọ cột nhà, tiếng côn trùng… Tất cả như thế giới cổ tích của làng mà ta từng nghe trong đồng thoại, những gì mộc mạc, chân phác của núi rừng đều dễ gặp nhưng mãi mãi là bí ẩn của thiên nhiên, một tiếng lòng thao thiết mà đôi khi trong nhịp sống thường nhật ồn ã ta đã từng lãng quên.
Ở đây con người với thiên nhiên làm bạn nhưng thực ra thiên nhiên luôn đòi hỏi, thử thách lòng người. Người cũng khéo léo mà nương theo sức mạnh huyền bí của thiên nhiên để đạt được những giá trị của mình. Chén rượu nút lá chuối khô thơm và ấm đặt ngang môi đã ngọt. Con cá nướng đậm vị khói than gọi tiếng lòng say đắm.