Đến bao giờ chất lượng nguồn nhân lực tiệm cận các nước trong khu vực?

Mai Loan 06/06/2023 10:09

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, số lao động qua đào tạo bằng các hình thức khác nhau là trên 70% nhưng số có bằng cấp, chứng chỉ hiện nay là 26,4%, thấp so với các nước phát triển.

Ngày 6/6, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Bí thư trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tham dự phiên chất vấn.

Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn (Ảnh: Quang Vinh).

Trước phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phiên chất vấn được tiến hành theo phương thức hỏi nhanh đáp gọn, hỏi một phút, tranh luận hai phút, trả lời ba phút. Vì vậy các đại biểu cần cân nhắc, lựa chọn, mỗi lần chất vấn chỉ nên nêu một vấn đề hoặc một vài vấn đề để Bộ trưởng có thể lắng nghe.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn (Ảnh: Quang Vinh)

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các bộ trưởng, trưởng ngành giải trình rõ ràng về nguyên nhân, trách nhiệm, biện pháp, để phiên chất vấn hiệu quả, thực chất, có chiều sâu, mang tính xây dựng cao, không chỉ giải quyết vấn đề thời sự cấp bách mà còn có giải pháp căn cơ lâu dài cho những vấn đề được chấn vấn.

Phát biểu trước chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, các vấn đề lao động, việc làm, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và quản lý, phát triển bảo hiểm xã hội có ý nghĩa chiến lược quốc gia, liên quan trực tiếp đến miếng ăn, giấc ngủ hàng ngày của hàng triệu người dân, người lao động và lực lượng hưu trí. Biến động khó lường của kinh tế thế giới, hậu quả đại dịch khiến nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất.

Trong tình hình đó, Đảng, Nhà nước và các cấp ngành đã quyết định nhiều giải pháp, cùng tinh thần tương thân tương ái, cả nước đã vượt qua khó khăn, đảm bảo cơ bản các chính sách an sinh. Với bốn nhóm chính sách hỗ trợ, 120.000 tỷ đồng đã hỗ trợ trên 68 triệu lượt người dân, lao động và trên 1,4 triệu lượt người sử dụng lao động. Sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, lao động việc làm nảy sinh nhiều vấn đề, đòi hỏi ngành phải hành động mau lẹ, ứng xử kịp thời.

ĐB Bố Thị Xuân Linh chất vấn (Ảnh: Quang Vinh)

Dẫn báo cáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5 đánh giá về quy mô lao động việc làm tại nhiều địa phương trong cả nước vẫn còn mất cân đối lớn, thị trường phục hồi chậm dẫn đến tình trạng một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn như thiếu việc làm, sức lao động chưa được tận dụng, phát huy và khai thác hợp lý dẫn đến việc di chuyển nguồn lao động từ địa phương này đến địa phương khác còn ở mức cao, chi phí sức lao động lớn song hiệu quả lao động vẫn còn thấp và lãng phí, ĐB Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) đề nghị Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết các vấn đề trên?.

ĐB Nguyễn Thị Hà chất vấn (Ảnh: Quang Vinh)

Theo ĐB Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh), sau hơn 2 năm thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 theo Quyết định 176 của Thủ tướng Chính phủ, thị trường lao động Việt Nam bước đầu đã có cải thiện, tuy nhiên chất lượng nguồn nhân lực đất nước vẫn ở vị trí thấp với nhiều nước trong khu vực. “Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt khoảng 26%. Vậy, Bộ trưởng đánh giá như nào về quá trình triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên? Đến bao giờ chất lượng nguồn nhân lực đất nước mới tiệm cận được với các nước trong khu vực?”-bà Hà nêu vấn đề.

Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tình trạng thiếu việc làm bình quân tỷ lệ thất nghiệp quý I/2023 là 2,25 %. Nguyên nhân của tình trạng này do cắt giảm đơn hàng, tái cơ cấu sản xuất, thay đổi về lực lượng lao động và thực hiện giải quyết chính sách cho lao động. Về thị trường lao động, quy mô lao động độ tuổi từ 15 trở lên khoảng 55 triệu người. Đến quý I/2023, số người tham gia thị trường lao động từ 15 tuổi trở lên 51,4 triệu người. Thị trường lao động Việt Nam thời gian qua đã có một bước hình thành và phát triển tương đối nhanh chóng cả về cơ cấu, cả về quy mô, cả sự phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, lao động kỹ năng còn thấp, số lao động qua đào tạo bằng các hình thức khác nhau là trên 70% nhưng số có bằng cấp, chứng chỉ hiện nay là 26,4%, thấp so với các nước phát triển.

Theo ông Dung, thời gian qua sau khi có Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết 19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 06 về phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hiện đại, đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Nghị quyết đã nêu 9 nhóm giải pháp căn bản từ việc tuyên truyền, nhận thức, xây dựng chính sách, việc triển khai tổ chức thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đến bao giờ chất lượng nguồn nhân lực tiệm cận các nước trong khu vực?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO