Đến năm 2030 đồng bào dân tộc thiểu số không còn xã, thôn, bản, ấp đặc biệt khó khăn

Quốc Trung 05/04/2022 13:16

Ngày 5/4, tại Sóc Trăng, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011-2025 khu vực đồng bằng sông Cửu Long” (gọi tắt là Chương trình).

Chỉ đạo và chủ trì Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cùng lãnh đạo Trung ương và địa phương trong vùng ĐBSCL…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh thăm hỏi các đại biểu chức sắc tôn giáo tại hội thảo.

Công tác giảm nghèo đồng bào dân tộc chưa thật sự bền vững

Vùng ĐBSCL có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước. Với quy mô dân số trên 17 triệu người, chiếm khoảng 18% dân số cả nước; dân tộc thiểu số có trên 1,3 triệu người, chủ yếu là đồng bào Khmer, chiếm tỷ lệ 7,6% dân số vùng và chiếm tỷ lệ 9,28% DTTS cả nước; đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống tập trung phần lớn tại các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang và Cà Mau.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm hỏi các chức sắc tôn giáo tại hội thảo.

Những năm qua, vùng ĐBSCL đã có những chuyển biển tích cực, đạt nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, đồng bào DTTS vùng đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều khó khăn, thách thức, toàn vùng vẫn còn 60 xã và 182 thôn đặc biệt khó khăn. Công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS chưa thật sự bền vững, chênh lệch giàu - nghèo giữa đồng bào DTTS với đồng bào các dân tộc khác trong vùng chưa được thu hẹp, các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo trong vùng đồng bào DTTS chưa được giải quyết đồng bộ, triệt để.

Cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị dạy học còn thiếu; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động là người DTTS chưa đáp ứng được nhu cầu việc làm của người lao động và mục tiêu đề ra. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ y tế còn thiếu và không đồng bộ, công tác phòng, chống dịch, khám và điều trị bệnh cho vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn. Một số giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS đang có nguy cơ bị mai một. Công tác phát triển đảng, việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ dân tộc chưa có sự chuyển biến tích cực.

Biểu diễn nghệ thuật của đồng bào Khmer tại hội thảo.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định: “Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Ngày 19/6/2020, Quốc hội ban hành Nghị Quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đây là quyết định có tính lịch sử, lần đầu tiên Quốc hội thảo luận và thông qua Đề án dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, đảm bảo thực hiện Khoản 5 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 là "Quốc hội quyết định chính sách dân tộc”.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các lãnh đạo dự hội thảo.

Khẩn trương thực hiện Chương trình đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả

Phát biểu khai mạc Hội thảo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhìn nhận: Nhiều năm qua, đời sống của người dân vùng ĐBSCL đã có nhiều thay đổi, cải thiện. Tuy nhiên hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của vùng thấp hơn so với bình quân cả nước. Giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào tăng diện tích canh tác, tăng vụ, còn bấp bênh, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Thị trường tiêu thụ, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ, thiếu bền vững. Đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng còn rất nhiều khó khăn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội thảo.

Nhân đây, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu dự Hội thảo nêu những kinh nghiệm thành công, những khó khăn vướng mắc và đề xuất các giải pháp thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Phát triển nguồn nhân lực; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ. Tổ chức liên kết sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động; Phát triển văn hóa, giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục, trình độ dân trí; bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của đồng bào dân tộc thiểu số; Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, để người dân thật sự là chủ thể tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan cần kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đặc biệt là công tác phối hợp của các bộ, ngành; khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn, quản lý, điều hành và các quy định, điều kiện cần thiết để giải ngân nguồn vốn. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, giải pháp huy động các nguồn lực hợp pháp khác bổ sung cho Chương trình để việc triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Lãnh đạo các địa phương trong khu vực cần chủ động liên kết vùng, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn với các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể ở Trung ương trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội khu vực dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao tiền hỗ trợ đồng bào dân tộc các địa phương vùng ĐBSCL.

Hơn 137 ngàn tỷ đồng thực hiện Chương trình

Thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 và được Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021, mục tiêu thực hiện Chương trình sẽ “Thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản, ấp đặc biệt khó khăn”. Quốc hội cũng đã phê duyệt tổng nguồn vốn hơn 137 ngàn tỷ đồng để thực hiện Chương trình với 10 Dự án thành phần, 14 Tiểu dự án và 36 nội dung đầu tư, hỗ trợ cụ thể trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2025.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương hỗ trợ 4,5 tỉ đồng cho 9 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Tại hội thảo để nhanh chóng thực hiện triển khai Chương trình, tỉnh Sóc Trăng cũng kiến nghị bộ, ngành Trung ương cần sớm bố trí nguồn vốn năm 2021, năm 2022 để các địa phương triển khai sớm các thủ tục thực hiện Chương trình…Xem xét tiếp tục cho kéo dài thời gian thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng hiện không còn thuộc các xã khu vực III, khu vực II thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến hết năm 2025, nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là hộ nghèo giảm bớt khó khăn.

Tỉnh Kiên Giang cũng có những định hướng về triển khai công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030; Đẩy mạnh phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, gắn kết du lịch với giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá các dân tộc thiểu số; Khảo sát, kiểm kê, đánh giá thực trạng và lựa chọn lập danh mục di sản vãn hóa phi vật thể về dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số và lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Khuyến khích những người có uy tín, kỹ năng biểu diễn nghệ thuật dân gian; Đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống; Hỗ trợ và tổ chức phục dựng, trình diễn, truyền dạy, sáng tạo, phổ biến giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu trong cộng đồng…

Để triển khai có hiệu quả Chương trình, từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, tập trung công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, hệ thống di sản văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các lễ hội, nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức phong phú; Chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, tập trung phát triển các khu, cụm văn hoá - du lịch như khu Ao Bà Om, khu du lịch biển Ba Động, các di tích nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer, Bảo tàng văn hoá dân tộc Khmer, các điểm du lịch làng nghề; phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, các loại hình nghệ thuật dân gian tại điểm du lịch Cồn Chim, Cồn Hô…

Hội thảo đã tập trung thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình, xác định rõ những giải pháp đặc thù trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng và các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn các tỉnh vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 nói chung; công tác lập kế hoạch, tổ chức thực hiện; công tác kiểm tra, giám sát; việc lồng ghép nguồn lực của địa phương, đặc biệt là lồng ghép trong việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội.

Bên cạnh việc củng cố hạ tầng thiết yếu thì phát triển kinh tế xã hội ở các tỉnh trong khu vực cần quan tâm nhiều hơn tới việc đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị, chăm lo đời sống tinh thần của người dân đi cùng với hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên làm giàu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đến năm 2030 đồng bào dân tộc thiểu số không còn xã, thôn, bản, ấp đặc biệt khó khăn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO