Dệt may, da giày tham gia TPP: Bứt phá

Minh Phương 02/01/2016 16:18

Tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), lợi thế về nguồn nhân lực sẽ giúp cho ngành dệt may và da giày của Việt Nam nhiều cơ hội bứt phá. Theo giới chuyên gia kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, dệt may và da giày không những có cơ hội mở rộng phát triển thị trường với những ưu đãi về thuế mà còn là cơ hội để hàng triệu lao động Việt Nam có cơ hội kiếm việc làm, vì đây là hai ngành cần số lượng nhân công lớn nhất.

Dệt may, da giày tham gia TPP: Bứt phá

Dệt may, ngành sản xuất được coi là sẽ bứt phá khi TPP được thực hiện.

Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa

Ngành dệt may và cả da giày mặc dù luôn đạt kim ngạch xuất khẩu lớn, song “điểm nghẽn” của hai ngành này nằm ở chỗ vẫn phải nhập khẩu nguyên phụ liệu quá nhiều. Chính vì thế việc chủ động nguồn nhiên liệu được coi là mấu chốt cho phát triển bền vững.

Dệt may và da giày là hai lĩnh vực có sự đóng góp không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Riêng với lĩnh vực dệt may, trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2014, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 18,4%/năm. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 24,7 tỷ USD, đóng góp 16,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Sản phẩm dệt may có khả năng cạnh tranh và chiếm lĩnh nhiều thị trường lớn và khó tính trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu…

Theo ông Lê Tiến Trường- Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương, Việt Nam sẽ tiếp cận sâu rộng hơn vào các nền kinh tế lớn nhất. Đặc biệt, đối với Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương- TPP, Việt Nam càng có cơ hội thâm nhập sâu rộng vào thị trường Hoa Kỳ vốn luôn là thị trường tiềm năng của sản phẩm dệt may Việt Nam.

Đặc biệt, với đặc thù là ngành kinh tế sử dụng nhiều lao động nhất (2,5 triệu lao động tham gia ngành dệt may, chiếm 10,31% lực lượng lao động toàn ngành công nghiệp hiện nay), các FTA, đặc biệt là TPP không những tạo động lực cho ngành này phát triển nhanh hơn mà còn giúp Việt Nam có cơ hội tạo công ăn việc làm, ổn định an sinh xã hội cho hàng triệu lao động trong nước, vì đây chính là ngành cần lực lượng lao động lớn nhất.

Là một trong những DN sản xuất hàng dệt kim lớn trong ngành dệt may, lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân chia sẻ tâm tư: Dù vẫn có những thách thức nhất định ở phía trước do ngành dệt may còn hạn chế về khả năng cung ứng nguyên phụ liệu, vẫn phải nhập khẩu một lượng không nhỏ các nguyên liệu cho ngành này, song với cú hích từ việc hoàn tất đàm phán TPP, quá trình cải thiện chuỗi giá trị trong ngành dệt may bằng việc gia tăng thực hiện các dự án đầu tư nguyên phụ liệu sẽ được đẩy nhanh hơn, vì chỉ có thúc đẩy đầu tư gia tăng sản xuất nguyên phụ liệu trong nước, Việt Nam mới có thể tận dụng những ưu đãi từ TPP.

Trên thực tế, thời gian qua, ngành dệt may và cả da giày mặc dù luôn đạt kim ngạch xuất khẩu lớn, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, song “điểm nghẽn” của hai ngành này nằm ở chỗ vẫn phải nhập khẩu nguyên phụ liệu quá nhiều, và chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, vì chi phí rẻ… nên khi đối diện với những quy định của TPP, các DN sẽ khó được hưởng lợi từ quy tắc “từ sợi trở đi trong TPP”.

Tuy nhiên Việt Nam hội nhập và trở thành một trong những nước thành viên TPP thì không còn con đường nào khác, mỗi doanh nghiệp trong ngành sẽ phải cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn, nâng cao trình độ sản xuất, năng lực cung ứng để tận dụng cả cơ hội về thị trường, gia tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu và quan trọng hơn là tận dụng ưu đãi, một trong những lợi ích quan trọng nhất mà các FTA mang lại.

Nhận định về những thách thức cũng như cơ hội mà ngành dệt may sẽ phải đối diện trong tương lai không xa, ông Lê Tiến Trường cho rằng, để có thể tận dụng được những cơ hội do quá trình hội nhập mang lại, các DN dệt may phải thực sự nỗ lực trong việc đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm khắc phục những điểm yếu còn tồn tại lâu nay, đó là điểm yếu về năng suất lao động thấp, điểm yếu về công tác thiết kế, xây dựng thương hiệu, đặc biệt là vấn đề cung ứng nguyên phụ liệu cho ngành.

Theo ông Trường, xác định được những điểm yếu nói trên, các DN ngành dệt may đã và đang rất nỗ lực trong việc khắc phục những hạn chế về năng lực quản lý, về khả năng tiếp thị và làm thương hiệu. Đặc biệt, ngành dệt may đang tập trung nhân lực và vật lực để đầu tư phát triển sản xuất nguyên phụ liệu, nhằm giảm dần việc phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, nhất là đối với sản phẩm vải dệt thoi phục vụ cho xuất khẩu. Cùng với đó, các khu công nghiệp dệt nhuộm được đầu tư xây dựng tập trung đẻ xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về môi trường…

Vị lãnh đạo Vinatex cũng cho hay, để đón đầu TPP và các, nhiều dự án lớn phục vụ cho ngành dệt, nhuộm đã được đầu tư, đơn cử như khu công nghiệp Trảng Bàng (Tây Ninh) có quy mô 30.000 tấn sợi/năm với tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng. Các khu công nghiệp phục vụ cho ngành nhuộm cũng được ngành dệt may hết sức chú trọng đầu tư…

Chia sẻ về những nỗ lực nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của dệt may, ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cũng cho biết, trong 5 năm vừa qua, việc đẩy mạnh đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu đã giúp tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may tăng lên mức 50%. “Mục tiêu đạt 70% trong năm 2018 trong tầm tay”- theo ông Giang.

Cơ hội cho hàng triệu lao động

Cũng là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam, ngành da giày cũng được đánh giá là có nhiều thuận lợi lớn khi Việt Nam tham gia TPP.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, Việt Nam là một trong các nước sản xuất giày dép hàng đầu thế giới, xuất khẩu tăng 21,9%/năm. Hiện Việt Nam nằm trong top 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới, đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, nhưng là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới về giá trị, sau Trung Quốc và Italia. Giày dép Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 50 nước, sản phẩm túi xách hiện đã có mặt ở trên 40 thị trường...

Được biết, ngành da giày đã và đang đóng góp phần không nhỏ vào tăng trưởng GDP của quốc gia. Xuất khẩu giày dép đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ ba, sau điện tử và dệt may. Thực tế, dù giá trị gia tăng của ngành da giày chưa được như kỳ vọng song với trên 800 doanh nghiệp, 1 triệu lao động, ngành đã giải quyết công ăn việc làm cho một số lượng lớn lao động phổ thông, trong đó lao động nữ chiếm tới 85%.

Theo lãnh đạo các DN da giày, khi tham gia vào TPP, các DN sẽ nhận được lợi thế đầu tiên là xóa bỏ mức thuế hiện tại từ 3,5- 57,4%, hưởng ưu đãi các dòng sản phẩm da giày về mức 0%, điều này chắc chắn sẽ là động lực để thúc đẩy các DN trong ngành tăng trưởng xuất khẩu. TPP sẽ đem lại cho Việt Nam cơ hội trở thành một trong ba trung tâm dệt may, da giày lớn nhất thế giới. Đồng thời, nhiều ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ được hình thành để đáp ứng nhu cầu rút ngắn chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đầu tư vào Việt Nam.

Đặc biệt, theo ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ sử dụng lao động cao và chính sách hướng xuất khẩu mạnh khiến cho ngành da giày của Việt Nam sẽ trở thành nguồn tạo việc làm quan trọng. “Theo ước tính, cứ tăng thêm 1 tỷ USD xuất khẩu sẽ tạo thêm được 150 - 200 ngàn việc làm. Do đó, đây chính là ngành chiến lược về xuất khẩu và tạo việc làm khi Việt Nam gia nhập TPP”, ông Đức nhấn mạnh. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng khuyến cáo, quy tắc xuất xứ mà TPP đưa ra có thể hạn chế đáng kể những tác động tích cực này.

Giới chuyên gia trong ngành cũng nhận định, các DN da giày và túi xách đang đứng trước nhiều thách thức do những cam kết về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu mà Việt Nam phải thực hiện, trong khi ngành da giày trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nguyên vật liệu cho sản xuất. Bởi vậy, việc tập trung đầu tư các nhà máy cung cấp nguyên vật liệu phục vụ cho xuất khẩu da giày là điều các DN trong ngành cần phải tập trung hướng tới trong thời gian này. Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu, các DN da giày cần đẩy mạnh công tác tiếp thị, phát triển thị trường, đặc biệt tập trung đưa ra nhiều sản phẩm mẫu mã cạnh tranh hơn nữa để không bị các đối thủ ngoại lấn át.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dệt may, da giày tham gia TPP: Bứt phá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO