Dệt may gồng mình trong bão dịch

Minh Phương 28/09/2020 08:00

Xuất khẩu năm 2020 của ngành dệt may được dự báo sẽ chỉ đạt được mức tối đa là 34 tỷ USD, không phải ở con số 40 đến 42 tỷ USD như kỳ vọng ban đầu của ngành này. Nguyên nhân chính vẫn là bởi dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến toàn ngành.

Doanh nghiệp dệt may hoạt động trong khó khăn.

“Đói” đơn hàng, doanh thu sụt giảm

Doanh nghiệp (DN) trong ngành dệt may cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các chuỗi cung ứng trong ngành dệt may bị đứt gãy, lưu thông hàng hóa bị đình trệ. Nếu như hàng năm, vào thời điểm này, các DN đều đang rất dồi dào đơn hàng, thậm chí còn rủng rỉnh có “của ăn của để” đến giữa năm sau, thì năm nay cục diện hoàn toàn khác. Các DN dệt may luôn trong cảnh “ăn đong” nếu không muốn nói là “đói” đơn hàng.

Theo chia sẻ của ông Thân Đức Việt -Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, từ tháng 3/2020 tới nay, các đơn hàng lớn của Tổng Công ty bị sụt giảm trầm trọng. Tại các thị trường trong top đầu nhập hàng dệt may như Hoa Kỳ, Châu Âu từ đầu năm đến nay không khí rất ảm đạm, giao dịch gần như ngưng trệ, khác hẳn cùng kỳ mọi năm.

Đáng chú ý, đơn hàng về các mặt hàng chủ lực của May 10 trong những năm qua như veston, sơ mi, quần âu và các sản phẩm thời trang công sở bị cắt giảm mạnh, từ 40-60%...

Ông Việt cho biết, thông thường, các đơn hàng được nhận trước từ 3-6 tháng, nhưng với tình hình hiện tại, các đơn hàng dệt may luông ở tình trạng tháng nào nhận hàng tháng đó.

Tình trạng “đói” đơn hàng diễn ra ở hầu hết các DN ngành dệt may hiện nay. Một số DN cho biết, không chỉ không có đơn hàng, nhiều khách hàng còn xin “khất nợ” vì tình hình quá khó khăn. Quả thực, nhìn vào báo cáo doanh thu của các DN dệt may, có thể thấy rõ, ngành may mặc lao đao đến mức nào vì“ngấm đòn” của đại dịch Covid-19.

Theo đó, số liệu báo cáo của Công ty May Sông Hồng cho biết, doanh thu của Công ty trong quý II/2020 giảm 17% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 962 tỷ đồng, lãi ròng giảm 55% xuống 58 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2020, Công ty lãi ròng 122 tỷ đồng, giảm 44% so với nửa đầu năm 2019. Cũng ở tình thế đi xuống, Tổng Công ty CP May Việt Tiến báo lãi quý II/2020 giảm 40% còn 52,5 tỷ đồng...

Theo thống kê của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 8 tháng qua ước đạt 19,25 tỷ USD, giảm 11,6%; vải mảnh, vải kỹ thuật khác ước đạt 260 triệu USD, giảm 36,8%; xơ, sợi dệt các loại ước đạt 2,2 tỷ USD, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Bộ Công thương cũng cho biết, đến thời điểm này, chỉ có một số DN nhận được khoảng 50-60% đơn hàng cho tháng 9, các tháng còn lại của năm 2020 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng.

“Lửa thử vàng”

Với những diễn biến đầy khó khăn hiện nay của ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) dự đoán, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2020 có thể đạt được cao nhất khoảng 34 tỷ USD, trong khi mục tiêu đặt ra là 40 đến 42 tỷ USD. Nêu lên nguyên nhân của sự sụt giảm này, ông Giang cho rằng, đó là do dịch Covid-19 đã khiến văn hóa tiêu dùng của người dân thay đổi, chuyển sang chi tiêu cho những sản phẩm thiết yếu chứ không chú trọng nhiều đến việc mua sắm quần áo, đồ thời trang như trước. Điều này đã dẫn đến sức mua toàn cầu giảm mạnh.

Để bù đắp lại những thiếu hụt đơn hàng tại thị trường quốc tế, giới chuyên gia trong ngành nêu quan điểm, thời điểm này, các DN dệt may cần đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa. Bởi, thị trường nội địa với gần 100 triệu dân vẫn luôn là thị trường giàu tiềm năng, và hơn thế nữa, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cũng đã thay đổi thói quen, tư duy của người tiêu dùng Việt.

Chính bởi vậy, khai thác tốt thị trường nội địa chính là đòn bẩy cho DN ngành dệt may vượt qua khủng hoảng. Bên cạnh đó, DN cần tối thiểu hóa sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận bằng việc quản trị chi phí sản xuất, giữ vững chất lượng sản phẩm, bố trí lại lực lượng sản xuất, xác định lực lượng lao động chủ lực cần duy trì việc làm và thu nhập để người lao động đồng hành cùng DN vượt qua giai đoạn khó khăn khi thị trường chưa hồi phục.

Nhận định về những khó khăn chung của ngành may mặc hiện nay, ông Lê Tiến Trường -Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, tới đây sẽ vẫn là khoảng thời gian đầy cam go với cộng đồng DN, song khi vượt qua được, DN sẽ có cơ hội để tiếp tục phục hồi và phát triển. Và chính những khó khăn thách thức hiện nay là “lửa thử vàng” để khẳng định sức mạnh, năng lực của những DN có nội lực tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dệt may gồng mình trong bão dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO