Di cư nội địa và hệ lụy

Bảo Thu 21/03/2021 07:30

Thông tin từ Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), cho biết 6 tháng qua có khoảng 10,3 triệu người đã phải đi tha hương do các thảm họa liên quan tới tình trạng biến đổi khí hậu, như lũ lụt và hạn hán. Chủ yếu xảy ra ở các nước châu Á.

Biến đổi khí hậu khiến nhiều vùng tại Kenya thiếu nước trầm trọng.

Cũng theo IFRC, trong khoảng thời gian này, ngoài số người tha hương do thiên tai thì còn có khoảng 2,3 triệu người khác phải rời bỏ quê hương do các cuộc xung đột.

Tuy nhiên, số người “di cư nội địa”, có nghĩa là di chuyển một cách bất đắc dĩ ngay trong đất nước mình, đang ngày càng tăng. Họ phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn, có thể lâu dài cũng có thể trong một thời gian- nhưng cũng đã đặt ra nhiều vấn đề xã hội gay gắt.

Điều phối viên về di cư và nhập cư khu vực châu Á -Thái Bình dương (thuộc IFRC), bà Helen Brunt nêu rõ, mặc dù việc này chỉ được ghi nhận từ tháng 9/2020 đến hết tháng 2/2021 nhưng cũng đủ để cho thấy xu hướng gia tăng trên toàn cầu số người phải di cư nội địa liên quan tới biến đổi khí hậu (BĐKH).

“Mọi việc đang trở nên tồi tệ hơn do BĐKH làm trầm trọng thêm vấn đề hiện có là nghèo đói. Đó chính là sự tác động dồn dập khiến cho quá trình phục hồi kéo dài hơn và khó khăn hơn khi mà người dân chưa kịp có thời gian phục hồi mà đã phải đối mặt với thảm họa khác” - bà Helen Brunt nêu rõ.

Theo báo cáo của IFRC, khoảng 60% trong số những người di cư nội địa trong 6 tháng qua là ở châu Á, vì thực tế cho thấy khu vực này đang trở nên dễ bị tổn thương trước những mối đe dọa về khí hậu hơn so với các khu vực khác trên thế giới, do thiếu các biện pháp thích nghi và ứng phó với BĐKH.

Con theo Trung tâm Giám sát di cư nội địa (IDMC), trung bình có 22,7 triệu người di cư mỗi năm, trong đó phần lớn là những người di cư do các thiên tai, tác động tiêu cực của BĐKH.

Trên quy mô toàn cầu, người ta ghi nhận 17,2 triệu người di cư nội địa trong năm 2018 và 24,9 triệu người năm 2019. Hiện chưa có con số di cư nội địa trong cả năm 2020, song IDMC ước tính con số đó vào khoảng 19 triệu người.

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra cảnh báo, 140 triệu người tại 3 khu vực thuộc các nước đang phát triển sẽ di cư trước năm 2050 nếu môi trường không được cải thiện. Cụ thể, trong khoảng 30 năm nữa, 86 triệu người tại khu vực châu Phi cận Sahara, 40 triệu người tại Nam Á và 17 triệu người tại Mỹ Latinh dự báo là sẽ di cư trong nước.

Dòng người này sẽ gây ra tình trạng chia cắt rộng lớn, đe dọa sự phát triển kinh tế, xã hội của nhiều quốc gia mà nổi lên là các vấn đề về hạ tầng, nguồn nước, bệnh tật, học tập và thực phẩm. Cùng đó, nạn di cư từ nước này sang nước khác kéo theo các nguy cơ bùng nổ xung đột trên biên giới cũng được WB dự báo sẽ vẫn còn căng thẳng.

Thực tế cho thấy, BĐKH sẽ tác động nhiều nhất tới các nước nghèo nhất bởi dễ bị ảnh hưởng nhất, khiến sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, đe dọa nguồn nước và tăng nguy cơ xảy ra lũ lụt, hạn hán và các đợt nắng nóng kéo dài.

Tuy nhiên, WB lưu ý rằng, vẫn có thể ngăn chặn những hậu quả tồi tệ của BĐKH và di cư. “Di cư do BĐKH sẽ là hiện thực, song nó sẽ không trở thành một cuộc khủng hoảng nếu chúng ta hành động ngay bây giờ, hành động một cách táo bạo” - Giám đốc cấp cao về biến đổi khí hậu của WB, ông John Roome nói.

Ít lạc quan hơn, bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành WB cho rằng “Các nhà nghiên cứu ngày càng nhận ra rằng sẽ có thêm nhiều người di dời trong nước để chạy trốn những tác động từ từ của BĐKH như hạn hán, mất mùa và nước biển dâng”.

Trong một động thái chia sẻ và cảnh báo về thảm họa thiên nhiên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã gửi video tưởng nhớ đến những nạn nhân Nhật Bản đã thiệt mạng và mất tích trong trận động đất sóng thần lịch sử xảy ra cách đây 10 năm, tại vùng biển Đông Bắc Nhật Bản (ngày 11/3/2011; cùng lời hối thúc các quốc gia cần chú trọng hơn nữa tới công tác phòng ngừa và ứng phó với thiên tai.

Tổng Thư ký LHQ kêu gọi các nước đầu tư nhiều hơn nữa vào giáo dục, xây dựng kế hoạch để chủ động ứng phó hiệu quả với những thảm họa thiên nhiên như BĐKH, động đất và dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy đến trong tương lai. “Điều quan trọng là người dân trên khắp thế giới phải đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, nhất là quan tâm đến đối tượng là người cao tuổi và người tàn tật”- ông Guterrees nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Di cư nội địa và hệ lụy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO