Di dời 9 cơ sở khỏi nội đô: Cần cụ thể phương án quy hoạch sau di dời!

Hoàng Chiến 10/07/2022 15:23

Việc di dời 9 cơ sở kinh doanh trong nội đô cần xác định rõ ràng mục tiêu, phương án sau quy hoạch. Tránh nêu chung chung, không rõ ràng tạo điều kiện để thay đổi quy hoạch trong tương lai. Đó là những đề xuất của chuyên gia quy hoạch đô thị trước nghị quyết về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội mới được thông qua mới đây.

9 cơ sở phải rời khỏi nội đô

Mới đây, trong kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội, 100% các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, trong vòng 5 năm tới, 9 cơ sở nhà đất do các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ đang quản lý, sử dụng phải di dời theo quy hoạch.

Cụ thể, danh mục 9 cơ sở phải di dời gồm: Công ty In báo Nhân Dân Hà Nội; Công ty TNHH một thành viên In báo Hà Nội mới; Nhà máy Bia Hà Nội - Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội; Công ty TNHH một thành viên Thuốc lá Thăng Long; Công ty TNHH một thành viên In và Thương mại Thông tấn xã Việt Nam; Nhà máy xe lửa Gia Lâm - Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội; Tổng kho xăng dầu Đức Giang; Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Nông nghiệp; Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam.

Nhà máy Bia Hà Nội tại 183 Hoàng Hoa Thám, diện tích hơn 52.000 m2 trong diện di dời.

Việc di dời các cơ sở nhà, đất theo quy hoạch nhằm làm cơ sở để các đơn vị, doanh nghiệp có kế hoạch và xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất phải di dời theo quy hoạch, qua đó góp phần sử dụng đất hiệu quả, đúng mục đích sử dụng, đúng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tạo thêm quỹ đất cho khu vực nội thành xây dựng các công trình công cộng, bảo đảm hạ tầng xã hội, tạo cảnh quan kiến trúc và văn minh đô thị.

Nhà máy Thuốc lá Thăng Long trên đường Nguyễn Trãi cũng trong diện di dời.

Xác định rõ ràng, cụ thể và thận trọng sau di dời

Theo TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, việc di dời một số cơ sở công nghiệp, trụ sở một số bộ, ngành và một số trường Đại học trong nội đô đã có chủ chương quy hoạch từ lâu nhưng chưa thực hiện được do vướng mắc vì không đồng bộ các cơ sở pháp lý.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam.

Đánh giá của chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, việc Hà Nội chọn ra 9 cơ sở để di dời trong nội đô trong giai đoạn 5 năm tới là một trong những quyết tâm mới của thành phố. Tuy nhiên, cần xác định rõ sau khi di dời phải làm gì, mục đích sử dụng đất ra sao, tránh hiện tượng tiếp tục làm tăng thêm dân số vào thành phố.

“Rất may, hiện nay đã có 6 quy hoạch phân khu trong nội đô. Vấn đề cần làm bây giờ là cụ thể hoá chúng, đặc biệt là lấy ý kiến của các tổ chức xã hội và người dân để xác định mục đích sử dụng sau quy hoạch. Bởi trong định hướng quy hoạch đã xác định rõ những cơ sở này sau quy hoạch sẽ trở thành những không gian và công trình công cộng chứ không được làm nhà ở”, KTS Đào Ngọc Nghiêm đề xuất.

Theo chuyên gia, vừa qua, trong đề xuất về chương trình phát triển nhà ở có nêu ra vấn đề là các quỹ đất này có thể được bố trí nhà ở, điều này là không hợp lí. Bởi vậy, cần xác định rõ ràng, cụ thể trong mục tiêu sau khi di dời 9 công trình này là gì, không thể nói chung chung, bởi trong danh mục này có nhiều loại hình sở hữu khác nhau. Có loại hình sở hữu của các doanh nghiệp, cũng có loại hình đất đai thuộc sở hữu của các tổ chức Đảng như nhà in Báo Nhân Dân, Hà Nội mới.

Ngoài ra, đối với một số địa điểm mang yếu tố văn hoá của Hà Nội cần đặc biệt thận trọng và phải căn cứ vào cơ sở khoa học để quy hoạch. Như nhà máy bia Hà Nội đã đề xuất từ những năm 2000 nhưng không di dời được với lí do đặc sản của bia Hà Nội được tạo nên từ chính nguồn nước ngầm của khu vực Hoàng Hoa Thám. Do vậy nếu di dời thì thương hiệu bia Hà Nội sẽ bị ảnh hưởng về chất lượng…

“Những trường hợp này rất cần phải xem xét lại các phương án sau di dời sao cho hợp lí nhất. Thứ nhất là các cơ sở đất của tổ chức Đảng sẽ khác với các doanh nghiệp như nhà máy in của Báo Nhân Dân, Báo Hà Nội mới. Thứ hai là quy hoạch phải gắn với các yếu tố văn hoá, đặc sản của Hà Nội”, chuyên gia nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Di dời 9 cơ sở khỏi nội đô: Cần cụ thể phương án quy hoạch sau di dời!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO