Di dời Ga Hà Nội không nằm trong quy hoạch

Minh Quân (ghi) 22/08/2017 08:35

Về ý kiến đề xuất di dời tuyến đường sắt liên tỉnh và ga Hà Nội ra khỏi khu vực nội đô; trao đổi với báo Đại Đoàn Kết, một số kiến trúc sư, nhà nghiên cứu cho rằng không khả thi, nếu thực hiện sẽ kéo theo rất nhiều bất cập.

KTS Ngô Doãn Đức.

KST Ngô Doãn Đức - Chủ tịch Liên đoàn tư vấn Kiến trúc Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Tôi không đồng tình di dời ga Hà Nội

Ga Hà Nội không nên di dời bởi địa điểm này liên quan tới tuyến đường sắt phía Nam đi từ Ngọc Hồi sang Yên Viên. Tất nhiên, đề xuất trên dựa trên các yếu tố về giao thông. Mặc dù cách đặt vấn đề không sai chỉ có điều cách làm để sao khắc phục được những yếu tố cản trở giao thông, an ninh thì cần phải bàn thêm. Đây sẽ là một tuyến giao thông huyết mạch chỉ có điều là phương án thì chưa khả thi.

Trước đây cũng có người đưa ra phương án là xây dựng đường trên cao, mỗi tuyến có khoảng 6 xe bus. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi là không nên bởi tuyến đường này rất đặc biệt, nó chạy qua phố cổ. Chính vì điều này cho nên dù đã bàn nhưng vẫn chưa triển khai được mà hiện nay dù có thay đổi vẫn chưa được thấu đáo.

Ga Hà Nội là địa điểm đã đi vào lịch sử hơn 100 năm. Bản thân nhà ga sau khi được cải tạo về mặt kiến trúc cũng đã có nhiều thay đổi. Nên chăng thay vì di dời ta nên phục hồi lại những kiến trúc cũ. Ví như lần bom Mỹ đánh phá khiến ga bị hỏng một số hạng mục kiến trúc. Mà đây là những kiến trúc tương đối đẹp được người Pháp xây dựng.

Ngoài ra, ga Hà Nội hiện nay không những là một điểm giao thông mà còn là một khuôn viên đặc biệt có kiến trúc nhà ga gắn liền với lịch sử phát triển của Hà Nội. Nhà ga cần được đặt trong tổng thể nghiên cứu chứ đừng nói từng cái một. Do đó, việc đầu tiên theo tôi chúng ta phải làm là tổ chức một hành lang giao thông đường sắt an toàn. Trong đó nên nghĩ đến việc tổ chức tuyến đường sắt trên cao. Những đoạn đường sắt chạy qua phố cổ nên làm gọn nhẹ, giảm âm thanh lớn để không ảnh hưởng tới dân cư sinh sống tại đây.

Thêm nữa, với những hệ lụy trong quá trình phát triển của đô thị chúng nên nên tìm ra cách khắc phục chứ không nên vấn đề nào cũng nghĩ đến việc di dời. Phải hết sức cẩn trọng, không phải cứ thích là bỏ. Đặc biệt, hệ thống giao thông của Hà Nội hiện nay là khá chắp vá cho nên cần phải có một cách làm mang tính tổng thể. Mặc dù trong lĩnh vực này chúng ta đang còn rất kém. Đơn cử như việc xây các khu đô thị mới tưởng như giảm tải được mật độ, nhưng tình trạng tắc nghẽn giao thông vẫn thường xuyên xảy ra. Như khu Mỹ Đình giờ cao điểm rất khó di chuyển, đường trên cao vành đai 3 di chuyển cũng rất trắc trở.


KTS Phạm Thanh Tùng.

KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam: Đây là quan điểm không đúng

Điều đầu tiên tôi xin khẳng định đề xuất di dời ga Hà Nội không nằm trong diện quy hoạch phát triển giao thông của thủ đô giai đoạn 2020 – 2030. Ngoài ra, ga Hà Nội được khẳng định là trung tâm đường sắt của thủ đô. Ở nhiều quốc gia trên thế giới các khu đô thị lớn việc có ga đường sắt trong nội đô là chuyện bình thường, thậm chí có quốc gia có đến 3 – 4 ga.

Ngoài ra, ga Hà Nội còn là biểu tượng của đường sắt Việt Nam nữa, cũng như là một công trình có ý nghĩa rất lớn đối với lịch sử phát triển Hà Nội. Ở đây có một vấn đề là khi người ta nghĩ có ách tắc giao thông thì người ta nghĩ ngay tới chuyện chuyển ga đường sắt đi, sẽ giảm được ách tắc giao thông. Quan điểm này là quan điểm không đúng và là một bài toàn hoàn toàn không chính xác về trong quy luật.

Vậy bài toàn ở đây là gì? Thứ nhất, trong nội thành những khu đường sắt đi qua rất cần có cầu vượt. Mà đây là việc hết sức đơn giản mà thế giới đã làm rất nhiều. Không phải vì ách tắc giao thông mà chúng ta lại đi di chuyển một cái tuyến đường sắt như vậy. Việc đầu tiên chúng ta phải làm bây giờ là đảm bảo được hành lang giao thông của tuyến đường sắt, không nên để nhà dân ở hai bên đường như hiện nay. Thứ hai, những chỗ có giao cắt nên cho làm cầu vượt, đường hầm. Trong trường hợp lâu dài khi huy động được những nguồn lực lớn cùng với việc các tuyến đường sắt trên cao, đường sắt đô thị hoàn thành việc đưa đường sắt ra khỏi trung tâm như thế nào, đấy lại là một bài toàn khác. Tất cả những vấn đề như vậy chúng ta thấy rằng những việc đề xuất, những việc làm hiện này là không trên cơ sở khoa học.


Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Tôn vinh hơn là xóa bỏ

Chúng ta thấy ga Hà Nội bây giờ nhem nhuốc, bởi chúng ta chưa làm cho nó văn minh, chưa làm cho nó trở thành nơi đi và đến đúng nghĩa văn minh lịch sự. Đoạn đường sắt nối từ ga Giáp Bát vào, từ Gia Lâm sang trước đây người ta có ý định làm đường sắt trên cao nhưng không thành. Câu hỏi đặt ra việc gì phải di chuyển ga Hà Nội ra ngoại thành, tại sao không dùng số tiền đó làm các trục đường sắt trên cao từ ngoài ô vào Hà Nội. Như vậy vừa giữ được quy hoạch đường sắt như từng có, chúng ta có lại giữ được công trình vừa là nhà ga vừa là công trình kiến trúc, văn hóa mang biết bao giá trị tinh thần cho thành phố.

Tôi nghĩ không nhất thiết phải di chuyển ga Hà Nội, nên giữ ga Hà Nội ở vị trí hiện nay. Công việc quan trọng nhất tôn vinh ga Hà Nội là làm lại hệ thống đường từ ngoài vào ga. Dù sau này nếu ga Hà Nội không sử dụng vào mục đích vận chuyển hành khách, cũng nên giữ đó như là dấu mốc về lịch sử văn hóa của đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Di dời Ga Hà Nội không nằm trong quy hoạch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO