Di họa miền 'chảo lửa' - Bài 1: Những người không lành lặn

Đơn Thương 26/07/2017 07:45

Chiến trận Hà Tuyên – nơi có “chảo lửa” một thời Vị Xuyên. Theo con đường Quốc lộ số 2 dẫn lên cửa khẩu Thanh Thủy, dưới màu xanh của rừng, của ruộng, ai cũng ngỡ tàn dư cuộc chiến đã lặng im. Nhưng không hẳn như vậy, dưới sự bình yên ấy người dân vẫn đang phải gánh những hậu họa của chiến tranh.

Hà Giang những ngày tháng 7, tự dưng mưa kéo dài đến bất thường. Mưa “vắt” qua tháng 6 đến những ngày này vẫn không tạnh. Với đôi chân “cái còn, cái mất”, ông Nguyễn Văn Thủy tập tễnh đưa tôi lên tận bờ nương, thôn Cường Thịnh, xã Phương Tiến (Vị Xuyên, Hà Giang), nơi mà hơn 10 năm về trước, ông cùng anh trai của mình đã dính họa…

Từ 1 người lành lặn Nguyễn Văn Hường đã trở thành tàn tật vĩnh viễn.

Tròn, méo vết chân

Nằm bên đường dẫn lên Cửa khẩu Thanh Thủy, nhà ông Nguyễn Văn Tập nằm bên đường, trông lúp xúp với hai mái lợp ngoi lên, chỉ cao hơn cây dại chừng vài gang tay.

Dè dặt đặt chân qua bờ ruộng lúp xúp bùn đất, tôi lựa bước tìm vào nhà ông. Những cơn mưa rừng kéo dài, không một ngày nắng để hong đất làm cho căn nhà càng ẩm thấp hơn.

Mưa, khí đất khí đồi xông lên làm cho bàn chân phải đã mất của ông đau và run lên từng chặp. Trong căn bếp tứ bề vách thủng, mấy túm lạc củ để giống bám mồ hóng nhẫn nại chịu đựng những ngọn khói từ một không gian hết sức quạnh quẽ.

Trong cơn đau, ông Tập kể về tình cảnh của mình. Ông sinh năm 1964, lúc biên giới bước vào kì căng thẳng thì ông cũng vừa tròn 20.

Cùng với những người lính đến từ nhiều vùng miền của đất nước như Sư 356, Sư 314, Sư 313… ông vào lính, cầm súng bảo vệ quê hương. Hết Lao Chải, Xín Chải, Minh Tân – Những địa danh đỏ lửa một thời, ông hành quân, cắm và nằm chốt.

Đi suốt, đánh suốt nhưng hòn tên, mũi đạn đã tránh ông. Năm 1988 biên giới bắt đầu lặng tiếng súng, ông xuất ngũ ra quân. Về quê, việc đầu tiên ông nghĩ đến là lấy vợ, một người con gái dưới chân núi Khau Miều mà ông đã yêu trước khi vào lính.

Ngày tháng thoi đưa, cùng với những năm sau này của thời hậu chiến, 3 cô con gái của ông lần lượt ra đời, lớn lên trên những hố pháo, hầm tránh bom dạo nào.

Ruộng ít, để có cái nuôi con, ông đã cùng Nguyễn Thanh Khắp - anh trai của mình nhằm hướng núi Khau Miều, nơi một thời ghi dấu những bàn chân hành quân để phát nương mở rẫy kiếm gạo ăn.

Thế rồi, di họa thời hậu chiến đã tìm đến ông. Ấy là vào một trưa tháng 3 năm 2007, đang cùng anh trai dọn dẹp nương rẫy thì chiếc dao đi rừng được đánh từ mảnh đạn “pháo H” (một loại pháo phản lực) đã băm phải một quả đạn cũng thuộc loại “pháo H” chưa nổ còn sót lại. Sau quầng lửa cùng tiếng nổ long trời lở đất, ông không biết gì.

Khi tỉnh dậy, ông thấy mình nằm trong bệnh viện được gần 1 tháng. Nghe người thân bảo, vụ nổ ấy, mảnh pháo đã tiện đứt bàn chân phải của ông, do viêm nhiễm, để cứu lại phần còn lại của chiếc chân, các bác sĩ đã phải phẫu thuật, tiện và cắt xương của ông đến gần đầu gối. Và đau đớn hơn nữa, người anh trai của ông, ông Nguyễn Thanh Khắp cũng đã mất một chân từ vụ nổ. Giờ đây, từ một người lành lặn, mỗi lần đi ruộng, đi nương, đôi bàn chân của hai anh em ông lại “vẽ” lên đất những ‘vết tròn, vết méo”.

Tai ương những gia đình

Trong chiến trận Hà Tuyên, mà địa danh phải kể đến là “Chảo lửa” Vị Xuyên, từ tháng 4 – 1984 đến tháng 5 – 1989, cùng với các cao điểm như 1509, Bình độ 600, Làng Pinh, Làng Lò… thì đỉnh điểm nhất của sự tàn phá và sát hại dân thường phải kể đến là Thanh Thủy và xã cận kề là Phương Tiến. Theo những người lính đã từng tham chiến ở đây, “kẹp” hai bên khu vực các xã là hai dải núi có tên Răng Cưa và Khau Miều.

Cái bất lợi của hai núi này là chạy song song và hướng thẳng lên các khu vực cao điểm, không có núi án ngữ nên vô hình chung trong chiến tranh hai xã Phương Tiến, Thanh Thủy của huyện Vị Xuyên đã nằm trọn trong tầm pháo kích.

Cùng với đó, đây lại là khu vực tranh chấp căng thẳng của chiến trường nên các loại đạn pháo không đủ tầm, chưa kịp kích hoạt để nổ cũng như mìn được gài cắm và sót lại với số lượng lớn. Và đây cũng là nguyên nhân làm đất “bị ô nhiễm” cũng như tạo ra những hậu họa cho người dân sau 33 năm im tiếng súng.

Đi trong lòng hai xã nằm trong tầm đạn pháo này, đến đâu chúng tôi cũng nghe chuyện về những mảnh đời bất hạnh do di họa chiến tranh để lại. Bên cạnh trường mẫu giáo mầm non xã Phương Tiến, với sự hoang vắng của các lớp học vào kì nghỉ hè là ngôi nhà của đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Hường. Trong những nạn nhân với tên gọi “tai nạn do bom mìn để lại sau chiến tranh” thì đây là một trong những gia đình đặc biệt nhất.

Họ đặc biệt là do người chồng có tên Hường bị nặng nhất, trẻ nhất và neo nhất trong xã Cường Thịnh. Hôm chúng tôi vào, dưới màn mưa núi tầm tã, người vợ trẻ của Hường vẫn còng lưng như một dấu hỏi để vớt bèo, đem về băm làm thức ăn cho mấy con ngan, hy vọng chúng mau lớn để thêm phần thuốc thang chữa thương cho chồng.

Với thể trạng mệt mỏi, gần như bị tàn phế do cụt cả hai chân tay trái, mất thêm mắt phải, gượng đỡ với cơn đau, Hường kể về trường hợp của mình. Hường sinh năm 1981, đến lúc đứng tuổi mới lấy vợ. Hai con trứng gà trứng vịt, với mảnh đất khó khăn vùng chảo lửa phên dậu nên gia cảnh rất vất vả. Lam lũ mưu sinh, thế rồi di họa của cuộc chiến vẫn không dời bỏ Hường.

Anh vẫn nhớ, hôm ấy, cũng lại cữ tháng Ba, để có thêm chất đạm đưa cơm cho hai đứa con, Hường đã vác chài ra sông Lô đánh cá. Khi cái giỏ đan bằng tre đã lên nước sắp nặng bên hông với một mớ cá tép vụn thì cũng là lúc chân Hường đạp phải một vật cứng. Chưa kịp đoán định thì… ầm.

Tỉnh dậy thì Hường mới biết mình vừa trải qua một vụ nổ, phải chuyển từ Hà Giang xuống Hà Nội, Hường mới được cứu sống. Sau tai nạn đó, Hường mất đi một tay, một chân trái cùng với một con mắt bên phải.

Cơn mưa bất ngờ từ núi Khau Miều xối xả đổ về. Qua màn mưa dày đặc, vợ Hường đỏ hoe mắt, ứa lệ ngậm ngùi nói: Ngày xưa còn đầy đủ chân tay, anh ấy còn ra ngoài làm thuê bốc mướn còn có cái ăn. Nay thì như thế này, không biết thời gian tới còn bấu víu vào đâu nữa?!

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Di họa miền 'chảo lửa' - Bài 1: Những người không lành lặn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO