Di họa miền 'chảo lửa' - Bài 2: Nghèo khó những phận người

Đơn Thương 27/07/2017 08:50

33 năm sau chiến trận đã đi vào lịch sử với tên gọi Hà Tuyên, dưới sự yên bình cảm tưởng như có thể sờ và nắm được trong lòng bàn tay ấy, những tiếng nổ vẫn bất thường chát chúa vang lên. Mạng dân lành tiếp tục bị đánh đổi; người may mắn thì mất đi một phần cơ thể và có thể tàn tật vĩnh viễn để giờ đây đành ngồi bên bậu cửa với một ước mơ cơ thể còn nguyên vẹn để cùng gia đình, làng bản chung tay xóa đi những vết thương chiến tranh trong một tình cảnh hết sức nghèo khó.

Rốn pháo xã Phương Tiến một thời.

Trăn trở giữa ngã ba “cửa tử”

Trong khu vực “chảo lửa”Vị Xuyên, cùng với các địa danh đã đi vào huyền thoại một thời thì “Ngã 3 cửa tử”, đường dẫn lên các cao điểm một thời như Lao Chải, Xín Chải thì Thanh Thủy vốn nghiệt ngã nhất. Ngày trước, những người lính của các binh đoàn chủ lực dồn bước tuổi xuân lên đây để giữ phên dậu Tổ quốc. Trước mưu đồ “vẽ lại đường biên” của 50 vạn quân bên kia biên giới thì địa danh này luôn được dành cho những “ưu ái” về vật liệu nổ. Vậy lên, vượt qua được ngã 3 này là cả một kì công.

Trong danh sách dài đến gần 3 trang do lãnh đạo xã cung cấp, tử nhiều hơn sống, người tàn tật vĩnh viễn nhiều hơn người còn có thể tham gia lao động do tai nạn bom mìn để lại sau chiến tranh, tôi tìm vào Nặm Ngặt, đến với gia cảnh của Lý Văn Lòng. Gặp, trước sự hỏi thăm của tôi, nhiều người Nặm Ngặt bảo, thương thằng Lòng lắm! Nếu nó không giẫm phải mìn trong một lần đi nương thì nó đã có một gia cảnh ổn định, khối đứa trong thôn không theo được vì nó khỏe, biết tính toán.

Sinh năm 1980, 3 tuổi Lòng đã biết chân trần cắt đường rừng theo cha mẹ và dân làng chạy xuống mãi tận khu vực làng Má mà ngày ấy người ở vùng phên dậu gọi là tuyến sau để náu nạn. Xuống đây, chỗ ở mới, tạm bợ, lại không có ruộng, đói bụng, lại với quan điểm thương nhớ đất tổ tiên, mình đi thì còn ai cắm lại vùng phên dậu nên cha mẹ Lòng lại đưa anh em về Nặm Ngặt, lúc ấy pháo vẫn còn rát lắm.

Lên 9 tuổi, sau thời kì cao điểm của ngày 12-7-1984 mãi đi vào lịch sử khi 600 chiến sĩ của sư đoàn chủ lực, có tên 356 ngã xuống trong 1 ngày để tổ chức tấn công tái chiếm các đỉnh cao, bình yên đến với Lòng cũng như gia đình cùng quê hương chòm xóm. Năm Lòng 18, ấy là năm 1998, Xuân, mùa lấy vợ lấy chồng của người Dao đến, Lòng đi kiếm vợ và được cha mẹ cưới cho vào tháng 3. Đứa con đầu chuẩn bị thai nghén chào đời thì hậu họa đến, Lòng giẫm phải mìn sót lại trong một lần đi nương kiếm ăn cho gia đình. Vụ nổ đã vĩnh viễn lấy đi của Lòng một ống chân bên phải khi đứa con chưa chào đời.

Hết tuyến huyện, rồi tỉnh, sau những ngày tháng “đánh bạn” với bệnh viện, Lòng về xóm núi Nặm Ngặt với một thương tật vĩnh viễn ở mức độ cao. Ốm đau, bàn chân “vết tròn, vết méo” của Lòng đã không thể giẫm ruộng, leo đồi được nữa. Cùng với sự hạn chế về vận động này là cái nghèo cái đói đeo đuổi.

Gian khó chưa buông

Ngồi giữa rốn pháo một thời, trong cữ mưa rừng không ngớt, ông Chủ tịch UBND xã Bùi Hữu Trung cứ thở sượt khi nói về đất phên dậu. Ông bảo chiến tranh luôn là điều khiếp sợ và để lại hậu họa nhiều lắm. Ngay như đất này thôi, việc chăm lo cho các gia đình chính sách, truy tìm hài cốt liệt sĩ còn cả một núi công việc thì nay tiếp tục đến việc lo cho các gia đình bị tàn dư sau cuộc chiến với tên gọi nạn nhân của tai nạn bom, mìn.

Chỉ tay lên những vệt rừng còn xanh mướt, ông Trung hỏi tôi, anh biết tại sao những cánh rừng kia còn xanh không? Dường như không cần sự suy đoán và trả lời, ông Trung bùi ngùi: Ở đất này, những cánh rừng nào còn xanh đấy là rừng còn mìn, còn đạn, còn vật liệu nổ sót lại. Tôi đưa mắt bao quát, phần xanh của rừng ở đây còn nhiều hơn phần rừng trống.

Địa hình phức tạp, rừng đất bị ô nhiễm do vật liệu nổ nên đất đai của Phương Tiến đã không được mở rộng trong năm. Người dân trông vào đất, đất thiếu cái ăn cứ thế teo tóp dần. Ông Trung lo lắng, Phương Tiến vốn là rốn pháo, có 8 thôn nhưng có đến 3 thôn vùng vao, nơi xa nhất 13 km, muốn lên chỉ ngửa mặt dồn chân mới đến được. Do diều kiện, tàn dư của cuộc chiến nên hiện tại số hộ nhèo và cận nghèo toàn xã còn đến 60%. Cả xã chỉ có 38 hộ xây được nhà còn lại chủ yếu là nhà gỗ và nhà tạm.

Bên “Ngã 3 cửa tử”, trụ sở UBND xã Thanh Thủy nằm khá khiêm tốn trên con đường dẫn lên Thác gọi hồn. Ông Chủ tịch xã Lý Xuân Lìn luôn thở dài sượt khi nói về hiện trạng và nạn nhân của bom mìn còn sót lại. Ông Lìn cho biết, căn cứ vào chế độ, chính sách theo quy định, chúng tôi đã tăng cường rà soát và hỗ trợ cho các gia đình thuộc diện này. Có điều danh sách luôn không dừng lại mà thường xuyên tăng. Hiện ngân sách đang hỗ trợ cho 27/48 người, đấy là những người bị nổ và cụt các phần chân tay từ khớp trở xuống. Năm nay, ngoài tiền mặt hỗ trợ, tổng các nguồn quà, chúng tôi đã cố gắng chia đều cho các gia đình với mức hỗ trợ thêm là 1 tạ gạo, 1 thùng mì tôm và các loại thuốc men.

Trên con đường trở về Thành phố Hà Giang, anh bạn đưa tôi đi thực địa thỉnh thoảng lại chỉ một vạt đất sạt đỏ bên sườn đồi rồi bảo: Chắc đấy là do mìn, pháo còn lại tự phát nổ, cầu mong không có ai bị gì.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Di họa miền 'chảo lửa' - Bài 2: Nghèo khó những phận người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO