Đi làm giúp

Nguyễn Minh Hoa 25/01/2021 17:11

Người quê lấy bận làm vui, dường như phải có bận bịu lòng mới yên. Ngơi việc lại thấy tay chân như thừa, bảo lam làm hay nói tham công tiếc việc cũng đúng.

“Làm giúp” nghe thì đơn giản nhưng nhìn rộng ra là quan hệ họ mạc, trong xóm ngoài làng…

Đồng áng có mùa vụ đã đành, làng nào có nghề phụ nữa thì phải nói tất bật quanh năm. Nhiều bà, nhiều chị cứ phải nói là “chân không chạm đất”, phải quán xuyến từ việc bé đến việc lớn, việc trong nhà, trong họ mạc cho đến việc nhà hàng xóm láng giềng, rồi việc làng nước. Có lẽ chính vì thế mà người quê mới có lệ “đi làm giúp”, bao đời nay tồn tại, là chất keo cố kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm.

Người quê có lúc nông nhàn, lại có sau giêng ngày rộng tháng dài, nhưng không hẳn những tháng ấy đã nhàn, bởi gia chủ đã cắt đặt việc cả, nhiều khi trong họ còn phải nhìn nhau mà bày việc nhà mình ra làm không sợ thiếu nhân lực. Người quê không sẵn đồng tiền để mà thuê mướn, nên thường phải tự tay làm, từ công to việc lớn như xây cất nhà cửa, hiếu hỉ, mồ mả, cho đến đảo ngói, xây nhà ngang... khi dỡ việc ra làm bao giờ cũng nghĩ đến việc cậy nhờ họ mạc, làng xóm và để đáp lại thịnh tình đã được giúp thì bao giờ việc nhà người cũng là việc nhà mình. Nếu không cũng toàn chỗ anh em họ mạc, con chú con bác gần gặn nên khó có thể bỏ được. Không đi bố mẹ cũng nhắc phải sang mà làm, mai việc nhà mình người ta còn hỏi đến. Chính vì thế mà ‘’đi làm giúp’’ tuy là việc nhà khác, việc của nhà họ mạc, hàng xóm láng giềng, bị động trong quỹ thời gian của mỗi người mà lại được xếp sắp tham dự và làm lụng từ tâm, không quản khó.

Đi làm giúp bao giờ cũng là mang tâm thế người nhà đi làm giúp gia chủ khi nhà ấy có việc, có đám chứ không phải đi làm đổi công như thợ cấy, thợ cầy vẫn đổi công ngày mùa. Thường thì cánh chị em biết nấu nướng sẽ lo việc bếp núc. Cánh đàn ông con trai sẽ làm những việc nặng, nhưng cũng có những người tay dao tay thớt giỏi sẽ làm đầu bếp chính, chị em chỉ làm theo chỉ đạo của bếp trưởng này. Xưa, đồ dùng nấu bếp như nồi xoong to, chõ xôi, cho đến bát đĩa mọi nhà thường không sẵn nên mỗi người đi làm giúp thường nhận lời và mang luôn vật dụng nhà mình đi cho mượn. Nhà có việc lớn ngả 1 hay cả đôi lợn trên dưới tạ hơi cũng là do cánh bếp làm lấy hết.

Cánh lo việc chính cũng ai vào việc nấy, người cầm trịch có khi không phải là chủ nhân mà lại chính là một trong số những người làm giúp có chuyên môn. Ví như việc cất nóc cái nhà, họ to, cánh bếp lo đến 10 mâm. Lợn móc mua đến nửa con, xương hầm, thịt luộc, lại giả cầy, món xào... Cứ bảo cơm thợ nhưng vẫn đủ bát, đủ đĩa, đơm múc đầy đặn, có rau, có thịt, lại có cả phạng dưa cải muối đúng độ ăn với thịt luộc chẳng chê vào đâu được. Ai cũng biết gia chủ mai có việc lớn, nhỡ quên việc nhỏ nên chị em làm giúp đã sang vo gạo, ngâm gạo đỗ từ tối hôm trước, để hôm sau sẽ sang làm sớm. Người xóc đãi, người trát chõ đồ xôi để kịp khi ông thầy đến đồ lễ đã chu đáo, tươm tất.

Từ tờ mờ sáng cánh đàn ông con trai cũng đã đến, chuyện như pháo rang, thuốc lào rít sòng sọc. Mùi hành, mùi tàu, húng chó thơm sực từ bếp. Ai cũng biết bữa sáng gia chủ mời bát cháo lòng đây rồi. Ai đến trước dùng trước, ai đến sau dùng sau, bát cháo bê tận tay, rượu rót đầy chén. Ăn xong cánh chị em cũng thu dọn bát ngay, còn cánh thợ là biết việc mình. Động thổ, xây móng quan trọng thế nào thì khi cất nóc cũng quan trọng không kém. Bố con ông thầy cúng đến rất đúng hẹn, chiếu hoa trải dưới sân, xôi đơm đĩa, chân giò luộc, cùng hoa quả, rượu thuốc, tiền vàng, ngựa mã đầy đủ.

Tre vớt đã khô, vài ngày trước đã được cọ rửa sạch, lạt đã chẻ, đinh đã mua, ngói móc đã xếp đống. Cánh làm giúp kẻ đến trước, người đến sau nhưng ai đến cũng biết việc ngay, hòa vào đám rào rào ấy nhanh chóng.

Gia chủ ăn vận tươm tất ngồi phía sau chấp lễ, giọng hai bố con ông thầy vang vang xen trong tiếng trống, chiêng. Cánh làm giúp răm rắp mọi việc ít khi phải ghé tai hỏi chủ nhà. Nếu không chủ nhà khó mà hành lễ được. Không khí nghi lễ cất nóc thật trang nghiêm, người đã từng, người giờ mới biết, nhưng ai cũng hiểu ngôi nhà là mái ấm, là tài sản của gia đình, nên phải thành tâm. Sớ dâng thay lời gia chủ vụng ăn nói, ông thầy đọc to, rõ, vợ chồng chủ nhân đội sớ lên đầu thành kính vái lạy quan thần linh, đức thần tài, tiền hậu chủ bản gia đất này cùng tiền nhân dòng họ mình mong phù hộ cho mọi việc thuận, việc cất nóc suôn sẻ.

Hóa kim ngân tiền vàng, sớ ngựa xong, cũng là khi việc cất nóc được tiến hành, giui mè khi đóng đinh, khi buộc lạt, tiếng người oang oang át cả tiếng búa. Chẳng mấy viên ngói đầu tiên đã được lợp. Người đón, người đỡ, người lợp, cả 2, 3 dây chuyền cho hai mái nhà. Tay lợp, miệng chuyện, những kinh nghiệm xây dựng nhà trước được trao đổi. Người mỏi tay, gọi ời ời người khác thế chân để xuống làm chén nước, điếu thuốc. Người lại leo thang kiểm tra xem ngói có vênh không, lợp có chuẩn không, kẻo mà giột.

Khi xôi đã se mặt, gà đã chặt xếp đĩa, thịt lợn cũng đã thái, rau sống đã bốc đĩa thì cũng là lúc mái nhà gần lợp xong. Chủ nhà nhìn đồng hồ thấy cũng đến bữa, mời anh em xuống dùng cơm kẻo đói. Món xào cũng thấy đã phi hành tỏi thơm om, người ngồi vào mâm rót xong chén rượu cũng là lúc đĩa xào nóng được chị em bê lên. Mấy người ra giếng rửa tay vào sau cũng tìm mâm ngồi ghép cho đủ. Cánh bếp núc tất bật vừa bưng, vừa xếp, vừa nghe gọi thêm cơm, thêm canh. Người nào cũng bận cả, nhà có việc đúng là chẳng ai chơi, chẳng ai chỉ tay năm ngón được.

Cơm nước xong, trà nóng, thuốc thơm cũng đã sẵn sàng, có uống rượu nhưng chẳng ai phê, vì ai cũng thấy lượng việc chưa xong, còn lợp nốt, còn trát ngói bò, đắp bờ đầu hồi, mọi việc phải xong trước khi trời tối. Nhưng cũng là đã vãn việc, ai bận cứ về trước, ai thư thả làm nốt việc và dùng cơm tối với gia đình. Thường thì chỉ còn lại những người thân cận với gia chủ ở lại dọn dẹp và ăn bữa tối này. Nồi mượn cũng được người làm giúp xách về, chõ cũng được đem đi trả, bữa tối chong đèn cơm rượu có món mới, cũng có cả thức ăn trưa còn mà ai cũng vui vì vừa xong việc lớn.

Nếu là làm giúp đám cưới thì có khi lên đến 3 ngày, từ dựng rạp ngày trước đám cưới cho đến dỡ rạp sau khi nhà gái sang lại mặt. Cỗ quê lại hàng trăm mâm, ăn tối, ăn trưa cánh đầu bếp tất bật suốt, nhiều chị được nhắm trong đoàn đưa dâu mà bận viẹc bếp núc đến nỗi không kịp ăn cỗ. Mâm cuối ăn xong là phải vội vàng về sắm nắm áo dài, rồi đánh tí son để đưa dâu vì đi thiên hạ không thể xuề xòa được.

Lại có việc hệ trọng, không phải ai cũng giúp được là việc sang cát. Nhất nhất phải máu mủ họ hàng sau mới đến khác chi, khác ngành. Việc từ lúc nửa đêm, đến sớm mai đã phải xong xuôi. Nhà ai cũng có cha già mẹ héo, lo việc của anh em trong họ thì mai này việc nhà mình mới có người gánh đỡ, chứ không bấn lên sẽ không biết đường nào mà lần, lại điều tiếng anh em trong nhà không bảo được nhau.

Làm giúp không kén người biết việc mà chỉ cần người nhiệt tình. Trẻ học già, anh chị em bảo nhau, học nhau mà làm. Nhiều người vụng hay ở làng khác về làm dâu, làm rể, cung cách nấu nướng có khác, nhưng về làng này bảo nhau dần cũng thành thông thạo. Việc đám hiếu cũng bận rộn, vừa lo nghi lễ cho người nằm xuống, lại phải lo tang chế, rồi cơm cho khách xa... tang gia bao việc thế thường phải cậy nhờ người biết thủ tục, thạo việc và người cầm trịch... Đúng là những việc này chẳng bao giờ thuê mượn được, cứ phải trông vào người làm giúp thì mới tin cậy được.

“Làm giúp” nghe thì đơn giản ngỡ như rửa bát, nấu cỗ, hay bắc rạp, têm trầu cho nhà có đám, ấy thế nhưng nhìn rộng ra nó là quan hệ họ mạc, trong xóm ngoài làng, khẳng định tình thân của người trong họ, trong làng xã. Mọi người nhìn nhau mà sống, biết mình biết người, chan hòa với nhau và có trách nhiệm trong cách ứng xử của mình. Chuyện trong làng có nhà ế cỗ vì thuê người làm và lời nói trịnh thượng để mất lòng người thân, hàng xóm mà thành ra thế, khiến mọi người nhắc mãi.

Sau này chuyện cỗ bàn có khác xưa, nhiều nhà cân nhắc rồi chọn cách thuê người nấu cỗ khi nhà có đám. Những tưởng cánh làm giúp thất nghiệp nhưng không phải, vẫn phải cánh chị em pha trà rót nước mời tận tay khách, bù đôi đũa rất nhanh khi khách làm rơi, và chẳng có ai thuê mà biết thu vén đồ thừa của các mâm cẩn thận chu đáo như cánh làm giúp... dù không phải tự tay lo cỗ bàn, nhưng vẫn phải chia việc từ đầu đến cuối các đám hiếu hỉ, làm móng hay đổ trần...

Nhớ quê, nhớ cả cái dáng tất tả quần xắn móng lợn, khăn chéo buộc trên đầu, các dì, các chị nấu cỗ, nhặt rau thâu đêm... Rồi cảnh dựng rạp, kê bàn đám cưới, lại cảnh các anh các chú đốt rơm xách thuổng xách mai hướng về phía cánh đồng mùa giáp Tết. Nên mỗi lần về quê, thấy việc là tôi lại sang cùng đám chị em rôm rả chuyện và xắn tay áo làm giúp ngay. Làm vui quên cả mệt, có bốc bả cũng ngon, bao điều được nghe, được học cũng từ những đám làm giúp như thế này. Để rồi rất lâu sau, khi đến bạc tóc rồi tôi mới hiểu đó là một phần hồn cốt quê nhà, một phần ấm áp trong tâm hồn mình, một nẻo về bao dung và tin cậy .

Tôi đã cất giữ và tựa vào khi nhớ thương và cả khi chênh vênh tìm lối.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi làm giúp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO