Đi qua vùng lũ

Điền Bắc 08/11/2020 07:37

Đến nay, đã gần 10 ngày sau trận lũ lịch sử, nhiều địa phương tại Nghệ An vẫn đang ngổn ngang, người dân tất bật dọn dẹp, khắc phục, chính quyền tìm cách hỗ trợ để hạn chế phần nào những thiệt hại. Trong khi đó, tại xã Thanh Mỹ, dù lũ đã qua nhưng trong mắt người dân nơi đây còn khá đượm buồn, khi nhiều tài sản của họ đã trôi theo dòng lũ, trong phút chốc họ trở nên trắng tay. Dẫu vậy, họ vẫn phải vượt qua, tái thiết lại cuộc sống, bởi xung quanh họ là tình nghĩa đồng bào.

Khi lũ đi qua.

43 năm lặp lại

Trở lại rốn lũ Thanh Mỹ vào những ngày đầu tháng 11, khi cơn lũ đi qua được hơn tuần. Trên con đường vào trung tâm xã, cảnh xơ xác, bùn đất, tiêu điều đập vào mắt chúng tôi, nó thể hiện rõ sự hung dữ của cơn lũ mà theo người dân nơi đây khẳng định là hơn 40 năm mới lặp lại.

Để vào xã Thanh Mỹ - địa phương ngập nặng nhất của huyện Thanh Chương, chúng tôi phải men theo tuyến đường Hồ Chí Minh, qua một vài điểm xã ngập lụt mới dừng chân nơi được gọi là trung tâm xã. Sau cơn lũ, tuyến đường này cũng đã xuất hiện chi chít ổ trâu.

Thời điểm này, chỉ còn bùn đất, vệt nước in hình trên khung nhà, bờ tường chứ không như cách đó ít hôm, khi đỉnh lũ đang còn hoành hành, cả xã ngập trắng nước, từ trung tâm xã mọi ngả đường muốn di chuyển phải có thuyền.

Biết chúng tôi lên sau lũ, ông Phạm Công Lực, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Mỹ cho biết, hôm nay hầu hết nước đã rút, xã đang triển khai công tác dọn dẹp, khắc phục sau lũ.

“Trận lũ đúng là kỷ lục, theo các vị cao niên thì trận lũ này phải từ 43 năm trước, nay mới lặp lại, nó làm cho người dân trở tay không kịp, nhiều nhà mất trắng, nhiều người khó khăn” - ông Lực buồn bã.

Vừa di chuyển, ông Lực cho biết rõ hơn, trong đợt lũ vừa qua, toàn xã có 700 hộ bị ngập, trong đó 200 hộ bị ngập sâu, thiệt hại về tài sản rất lớn.

Ngay trong sáng ngày 29/10 bắt đầu mưa to, cộng với nhiều nhà máy thủy điện trên thượng nguồn sông Giăng xả lũ, làm nước dâng lên quá nhanh, nhiều hộ bị mắc kẹt, kêu cứu trong đêm.

“Chúng tôi đã huy động lực lượng sơ tán hàng trăm người đến nơi an toàn, còn tài sản thì không kể hết. Nặng nhất là 2 xóm Mỹ Hương và Mỹ Lương, rất nhiều nhà dân vào thời điểm đó ngập tận mái nhà, nghĩa là ngập sâu từ 2-3 m” - ông Lực nói.

Những gì còn sót lại.
Những gì còn sót lại.

Dừng lại tại nhà anh Nguyễn Duy Hưu (xóm Mỹ Hương, xã Thanh Mỹ), đang dọn dẹp sau lũ. Được biết, anh Hữu một trong những hộ kinh doanh buôn bán các mặt hàng chăn, gối nệm, bàn ghế giường tủ và một số vật dụng. Vậy nhưng, trong một đêm bất ngờ, nước lũ lên nhanh, gia đình anh không kịp trở tay nên toàn bộ đồ đạc, hàng hóa bị ngập nước và bị cuốn trôi. Anh Hữu cho biết, ước tính ban đầu hàng tỷ đồng.

“Tài sản của gia đình chúng tôi gần 2 tỷ nay đã bị trôi gần hết và một số đồ đạc trong gia đình bị hư hỏng hoàn toàn” - anh Hữu buồn bã. Cũng theo anh Hữu, đây là trận lũ lịch sử, trong đời anh chưa bao giờ thấy, bởi vậy khi lũ ập vào, anh không thể trở tay kịp.

Cũng tại xóm Mỹ Lương, nhiều người đang tập trung dọn dẹp nhà của cho cụ bà Nguyễn Thị Nhân (100 tuổi), mẹ liệt sĩ sống một mình cũng đã khẳng định như vậy.

“Nước lên quá nhanh ngập mái nhà, cơ quan chức năng chỉ kịp đưa bà cụ đi sơ tán, còn toàn bộ đồ đạc bị ngập, trôi, hư hỏng hết cả” - hàng xóm bà Nhân cho biết. Còn bà Lưu Thị Hiền (xóm Mỹ Lương) nhớ lại, hôm đó mưa, mưa kinh khủng. Trong chốc lát, ngập khắp nơi, khi thực nhớ để cứu tài sản thì không kịp nữa, lúc ấy chỉ cố chạy lấy người. Người dân chúng tôi mất hết rồi, đây đúng là trận lũ lịch sử quá kinh khủng.

Còn anh Nguyễn Đình Tương (xóm 5) vẫn chưa hoàn hồn nói, nước lên rất nhanh, cả gia đình cố gắng cứu tài sản, nhưng càng cứu nước càng lên. Đến hôm nay thì mất hết rồi, bao nhiêu lúa gạo ngập trong lũ, các đồ gia dụng không còn cái nào hoạt động, xót quá.

Nhiều người cao tuổi sống ở đây cho rằng, nước lũ lên nhanh chưa từng có! Hơn cả năm 1978. Nhưng chỉ hơn một ngày sau đã rút cơ bản, bà con nhân dân cùng lực lượng chức năng dọn dẹp nhà cửa sớm ổn định cuộc sống.

Tái thiết cuộc sống

Dù trận lũ đã đi qua, song đến nay nhiều lực lượng vẫn đang cố gắng giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả của mưa lũ, ổn định cuộc sống. Xem nhân dân như chính người thân của mình, nên về với bà con ở xã Thanh Mỹ, Thanh Hà, Thanh Tùng... các CBCS sư đoàn 324 đã bắt tay ngay vào công việc thu dọn nhà cửa, đồ đạc, phơi thóc đến sửa lại chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm… giúp các gia đình già cả, neo đơn, gia đình chính sách.

Bộ đội còn phối hợp chính quyền địa phương đến thăm hỏi và tặng quà, động viên các gia đình chính sách, người già và phối hợp trạm y tế, tổ chức thăm khám sức khỏe cho bà con… Lực lượng quân đội giúp dân nạo vét bùn đất, tổng vệ sinh, làm sạch đồ dùng học tập, dọn bàn ghế cho các trường học nhằm giúp học sinh trở lại trường sớm nhất.

Bộ đội giúp dân dọn dẹp sau lũ.

Bà Bùi Thị Vinh - Hiệu trưởng Trường mầm non xã Thanh Hà cho biết: “Sau khi lũ rút, khối lượng công việc khắc phục hậu quả là rất lớn; ban đầu chúng tôi dự kiến phải mất từ 4-5 ngày. Nhưng rất mừng, có bộ đội về giúp đỡ nên chắc chắn thời gian khắc phục sẽ hoàn thành sớm hơn. Rất cảm ơn màu áo xuân xanh”. Đó là hình ảnh ấm áp tại nơi lũ đi qua.

Càng ấm áp hơn khi giữa lúc khó khăn như vậy, những đoàn xe thiện nguyện của các địa phương trong tỉnh thậm chí cả những vùng vừa thiệt hại nặng nề như Hà Tĩnh, Quảng Bình về với các vùng lũ. Đoàn thì đi vào trụ sở UBND xã để bàn giao hàng; đoàn thì đi thẳng xuống nhà văn hóa các xóm, thôn hay đến từng nhà để phát quà. Đó là lương thực, thực phẩm, quần áo, sách vở và cả tiền để giúp người dân vơi đi khó khăn.

“Mặc dù Quảng Bình cũng vừa trải qua những trận lụt lịch sử, nhưng vì đồng bào, 2 ngày nay mình cùng nhiều anh em kêu gọi tiền, hàng ra cứu trợ người anh em xứ Nghệ, bởi trong lúc khó khăn nhất, người dân nơi đây đã nhem đóm lửa thiện nguyện cho bà con vùng lũ” - anh Tuấn (quê Lệ Thủy, Quảng Bình) đang trao quà tại Thanh Chương chia sẻ.

Theo báo cáo thiệt hại do mưa lũ của UBND huyện Thanh Chương: Mưa lũ đã cuốn trôi 3 người, bị thương 3 người; hư hỏng 35 nhà ở; hư hại nhiều hạ tầng giao thông, hệ thống điện; 26 trường học bị ngập và hư hại. Hơn 3.000 ha cây trồng và thủy sản bị thiệt hại. Tổ chức di dời hơn 4.700 hộ dân do bị ngập và bị sạt lở đất… Ước thiệt hại toàn huyện hơn 60 tỷ đồng.

Ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, trận lũ vừa qua, huyện chúng tôi thiệt hại nặng nề, người chết, tài sản cuốn trôi, nhiều công trình bị tàn phá, hư hỏng. Sau lũ, mọi phương án được triển khai để dọn dẹp, giúp dân khắc phục được huyện chỉ đạo sát sao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi qua vùng lũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO