Di tích Văn Thánh Miếu hơn 200 năm tuổi trước ngày trùng tu

Nguyễn Quốc 09/11/2022 12:26

Di tích Văn Miếu (hay còn gọi là Văn Thánh Miếu, thuộc phường Hương Hồ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế), là một trong những công trình tiêu biểu nằm trong Quần thể di tích cố đô Huế. Di tích có tuổi đời trên 200 năm sẽ được tỉnh này trùng tu trong thời gian tới.

Vào năm 1808, dưới triều vua Gia Long, nhà vua cùng triều đình đã quyết định chọn một quả đồi gần chùa Thiên Mụ, sát tả ngạn sông Hương để xây dựng Văn Miếu và mở trường Quốc Tử Giám. Công việc xây dựng Văn Miếu được khởi công vào ngày 17/4/1808 đến ngày 12/9/1808 thì hoàn thành.
Văn Thánh Miếu là nơi thờ tự các bậc Tiên thánh, Tiên hiền Nho học và các bậc hiền tài của đất nước.
Đến thời các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Thành Thái, Văn Thánh Miếu được trùng tu, nâng cấp và xây dựng thêm các công trình kiến trúc trên một khu đất rộng khoảng 3 hecta.
Văn Miếu có nhiều công trình kiến trúc lớn nhỏ, trong đó có 2 hàng bia Tiến sĩ.
Hai hàng bia đá Tiến sĩ gồm 32 tấm bia ghi danh 293 vị Tiến sĩ triều Nguyễn, bắt đầu từ khoa thi đầu tiên năm Minh Mạng thứ 3 (năm 1822) đến khoa thi cuối cùng vào năm Khải Định thứ 4 (năm 1919).
Việc lập Văn Miếu và dựng bia Tiến sĩ nhằm nhắc lại sự tôn trọng việc học, đề cao nhân tài của đất nước và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Theo thời gian, hiện nay một số hạng mục trong di tích Văn Miếu đang trong tình trạng xuống cấp.
Tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 7, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VIII đã quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Tu bổ, tôn tạo và phục hồi thích nghi Di tích Văn Miếu” tổng mức đầu tư hơn 65,9 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, dự kiến triển khai trong 3 năm.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Di tích Văn Thánh Miếu hơn 200 năm tuổi trước ngày trùng tu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO