Đi tìm vẻ đẹp của làng

NGUYỄN VĂN HỌC 31/03/2022 11:56

Đến nhiều làng quê bây giờ, tôi không khỏi xót xa vì làng xã bây giờ nhiều giá trị đã mất đi. Cũng may, vẫn còn những góc làng gìn giữ được nét đẹp cổ kính, giản dị như là nhan sắc của làng.

Cây cầu ở đình Bình Vọng (xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội).

Giản dị cũng là hạnh phúc

Có lúc muốn trốn sự ồn ào của phố xá, tôi lại tìm về làng Nôm, thuộc huyện Văn Lâm (Hưng Yên). Một ngôi làng còn gìn giữ được những dấu xưa, không chỉ là cổng làng cổ kính, chiếc cầu đá uy nghi trước thời gian, mà còn bởi nhiều di tích khác kết hợp với sự đậm đà trong cách giao thiệp giữa người dân với nhau, ứng xử với khách phương xa.

Dường như đô thị hóa chưa tràn đến ngôi làng, và hẳn nhiên cây gạo cổ thụ đầu làng vẫn được hiện diện, là chứng nhân của thời đại, của bao kiếp người đã sinh ra, lớn lên, phương trưởng rồi đi khắp bốn phương trời. Người dân vẫn giữ nề nếp sinh hoạt cũ. Có miếng ngon anh em chia năm chia bảy, có bát nước chè xanh cũng trân trọng mời nhau đến thưởng thức, tâm sự, nói chuyện đồng áng, mùa màng, thời tiết, hóng gió trời, thưởng thức hoa trái thơm trong vườn. Và họ gọi đó là hạnh phúc.

Những nề nếp đó, sự hạnh phúc và cảm nghiệm về hạnh phúc ở chừng mực giản dị như thế còn ít quá. Xem ra chỉ còn thấy đâu đó một phần nơi những ngôi làng cổ kính, còn nhiều bậc cao niên giữ được nếp sống Nho giáo. Như làng Phượng Vũ ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Các cụ coi cây đa bến nước sân đình là gương mặt của làng. Lối ứng xử văn hóa, sinh hoạt tình nghĩa, tục lệ ma chay cưới hỏi, giỗ chạp… các cụ coi là những tinh hoa cần phải gìn giữ và phát huy. Ngay như giờ đây, các lão niên còn giữ lối sinh hoạt thơ, đọc “Truyện Kiều” hằng tháng ở đình làng.

Cụ Nghiêm Xuân Đạt, cho hay: “Điều đó làm cho chúng ta biết trân trọng giá trị, trân trọng nhau. Các cụ dùng những bài học đó giáo dục con cháu. Để con cháu biết kính trên nhường dưới. Ra đường, trẻ em gặp người lớn thì phải chào. Chúng tôi đi nhiều nơi, thì thấy điều đó đã bị phai mờ mất rồi”.

Ngoại thành Hà Nội còn nhiều ngôi làng giữ gìn được nét xưa. Đặc biệt làng Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) được mệnh là “làng Hollywood tại Việt Nam” bởi nơi đây là phim trường của rất nhiều bộ phim nổi tiếng. Ở Tây Mỗ, nổi tiếng nhất là không gian của gia đình bà Hoàng Thị Yên, với nếp nhà cổ, nhà thờ dòng họ, cổng ngõ, những bức tường rêu, mít cổ thụ. Bà cũng được gọi là “chị nuôi” của các đoàn làm phim, bởi nhiều đoàn về quay phim đã nhờ bà nấu ăn.

Tìm nhan sắc làng, tôi thường tận dụng cơ hội về làng Cơ Giáo, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín). Một ngôi làng bình dị xanh mướt cây cảnh. Những ngôi nhà thiết kế dạng biệt thự được bố trí trong không gian vườn cây xanh mướt. Những chiếc cổng uốn cây, những con ngõ nhỏ sạch sẽ duyên dáng được điểm trang bởi cây cảnh, sẽ khiến chúng ta nhận thấy đây là không gian đáng sống. Bao lo toan của cuộc sống cũng sẽ vơi bớt.

Anh Nguyễn Văn Giang, một trong những người làm nên thương hiệu cây cảnh Cơ Giáo, cho biết: “Không gian làng quê đáng sống là điều chúng ta có thể làm được. Mỗi người dân đều có thể làm và cùng chung tay vì môi trường ấy”.

Cách trung tâm huyện Thường Tín không xa là làng Bình Vọng (xã Văn Bình), một làng cổ nổi danh hiếu học. Làng Bình Vọng có ngôi đình rêu phong. Nơi đây lưu giữ nhiều di vật quý của làng, tiêu biểu như tấm bia "Bình Vọng xã đình bi" được tạo năm Vĩnh Tộ thứ ba (1613), ghi rõ 6 điều lệ làng sẽ xử người phạm tội trộm cắp, nói tục, cố ý gây thù kết oán... Đình Bình Vọng có một cái ao lớn, xung quanh có nhiều cây cổ thụ rợp bóng mát.

Tiêu biểu, đình có một cây cầu bắc qua ao có kiến trúc đặc trưng cho làng quê Bắc bộ Việt Nam. Không có tư liệu chính thức ghi rõ năm xây dựng cây cầu nhưng theo các cụ cao niên trong làng thì có lẽ cầu được xây dựng vào thời nhà Lê, thế kỷ XVI. Năm 1940, do ảnh hưởng của chiến tranh nên cầu bị hư hại nặng, đến năm 2000 thì được tu sửa lại theo phong cách cũ.

Cây cầu được xây theo kiểu "Thượng gia hạ kiểu", trên là nhà, dưới là cầu, gồm 7 gian, 5 gian thông thủy và 2 gian ở 2 đầu cầu. Thân cầu được làm bằng gỗ lim, có chiều rộng hơn 3m và chiều dài gần 20m. Bên trong cầu có 2 bục gỗ để khách nghỉ chân, ngắm cảnh.

Bà con thôn Thụy Hương (xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) dưới gốc si cổ thụ.

Còn đó những lo lắng

Cách đây chục năm, tìm hiểu về quá trình xây dựng nông thôn mới, tôi đã chứng kiến quá nhiều ngôi làng mở đường to mà phải phá đi những hàng rào dâm bụt, ô rô vô cùng đẹp mắt. Kể cả những pho cổng hàng trăm năm cũng bị đốn ngã. Làm việc với Văn phòng điều phối Trung ương xây dựng Nông thôn mới thì được biết, nhiều địa phương quá máy móc. Chính sự máy móc đó đã làm mất đi hồn cốt làng quê. Không cứ phải tất cả đều đường bê tông to, nhà cao tầng mới là nông thôn mới, mới là văn minh. Nhiều kiến trúc sư cho rằng, nghĩ như vậy là sai hoàn toàn.

Làm việc với nhiều lãnh đạo các địa phương, ngay như Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương… quá trình nhập cuộc, xây dựng nông thôn mới vô cùng sôi nổi. Song ngoài chạy theo thành tích, cố gắng để hoàn thành các tiêu chí, dẫn đến nợ đọng nghiêm trọng, thì sự “vung tay quá trán” còn làm mất đi những pho cổng cổ, những nhà sinh hoạt văn hóa lâu đời, thay vào đó là những pho cổng tốn kém hàng tỷ đồng, những nhà văn hóa rộng hàng nghìn mét, nhưng không có người đến sinh hoạt. Đồng thời, hệ thống cây xanh nông thôn đã bị tàn phá thậm tệ. Ngay như cán bộ một số huyện ở Thanh Hóa, đã phải thốt lên: “Người thành phố đang tích cực trồng cây xanh đô thị để điều hòa không khí. Trong khi nông thôn có sẵn không giữ, lại phá bỏ”.

Nói rộng ra, trong cả nước liệu còn bao nhiêu ngôi làng sau quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn còn giữ được dù chỉ hai phần ba giá trị xưa kia? Nhiều nhà văn hóa tâm sự rằng, chỉ sau hai chục năm, khuôn mặt làng quê bây giờ đã hoàn toàn đổi khác.

Dấu ấn một ngôi làng Việt đơn sơ với lũy tre xanh, những con đê bao quanh làng, rồi cổng làng… hầu như không còn thấy nữa. Thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng. Ngay lúc này chính người nông thôn phải hối tiếc vì đã chặt bỏ nhiều cây xanh đến thế, vì đã hối tiếc xây những ngôi nhà cao lừng lững rồi không sử dụng hết. Đáng lo ngại hơn, như KTS Trần Huy Ánh cho rằng, không cẩn thận thì sau khi chúng ta đã “về đích” đầu làng thì thấy nghĩa trang hoành tráng, cuối làng là bãi rác to đùng!

Chọn cách sống chậm lại

Xét cho cùng thì người nông dân sinh sống ở chính những làng quê là chủ thể của nông thôn mới. Họ phải là những người gìn giữ, gắn kết và thừa hưởng những giá trị mà cả cộng đồng xây dựng. Điều đó không thể bị phụ thuộc vào bệnh thành tích của một số cán bộ địa phương. Hoặc cán bộ địa phương cố “xin” có công trình để hưởng lợi.

Bởi vậy, không nên quá chú tâm đến các tiêu chí giao thông, cơ sở vật chất văn hóa mà lơ là các hoạt động văn hóa, tinh thần-vốn dĩ quyết định tính bền vững của các giá trị truyền thống ở mỗi làng quê. Nhiều người đề xuất, đưa tiêu chí truyền dạy văn hóa, văn nghệ, tạo sân chơi bổ ích trong cộng đồng dân cư vào tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Chúng ta nên đặt câu hỏi, rồi đến lúc to đẹp để làm gì, khi thiếu đi hồn cốt, thiếu đi những nét căn bản để nuôi sống những cơ sở vật chất mà chúng ta bỏ nhiều tỷ đồng ra xây dựng.

Chúng ta sẽ chẳng có gì cả, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam thốt lên, nếu chất quê không còn neo đậu lại trong lòng cư dân. Phải làm sao để nhan sắc của làng đọng lại, mỗi người con trở về không thấy xa lạ? Như nhiều lão nông đã chọn cách sống “chậm lại”, cũng là cách để giữ được gương mặt của làng, với hệ thống thiết chế văn hóa, những di chỉ, sắc phong, lối sinh hoạt gắn kết bền chặt... Âu đó cũng là những điều thật mừng nơi làng quê.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi tìm vẻ đẹp của làng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO