Đi vào thực chất, tránh hình thức

Hoàng Mai 05/10/2018 09:00

Trong chương trình Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đang họp tại Hà Nội, các Ủy viên Trung ương Đảng sẽ bàn bạc, thảo luận, cho ý kiến vào Đề án Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương với mục đích tăng cường hơn nữa công tác xây dựng Đảng mà đầu tiên là xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên, người đứng đầu thật sự đi đầu trong công tác và trong đạo đức, tác phong.

Có chuyển biến nhưng hiệu quả chưa cao

Trong Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Quy định 101/QĐ-TƯ (Quy định 101) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu (hay lãnh đạo chủ chốt các cấp), nhiều địa phương cho biết, các cấp ủy đảng ở địa phương mình đã có chuyển biến rõ nét, nhận thức của cán bộ, đảng viên được nâng cao, vai trò gương mẫu của đảng viên được phát huy, góp phần củng cố tăng cường sức chiến đấu của tổ chức đảng.

Nhiều biện pháp được đưa ra để thực hiện Quy định mà có thể thấy rõ nhất là biện pháp tuyên truyền, đăng ký học tập và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh như tại Bình Phước, Quảng Trị, Thái Bình và nhiều địa phương khác. Bên cạnh đó, có những địa phương như Quảng Trị còn kết hợp việc kiểm tra thực hiện Quy định 101-QĐ/TƯ với kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ nay là Chỉ thị 05-CT/TƯ; Nghị quyết 04-NQ/TƯ khoá XI, Nghị quyết 04-NQ/TƯ khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Còn tại Thái Bình, Ban Thường vụ tỉnh này đã hướng dẫn cán bộ, đảng viên đăng ký nội dung “nêu gương” phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị; một số tổ chức đảng đã quy định trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong chương trình, kế hoạch công tác và coi đây là một trong những căn cứ để đánh giá cán bộ, đảng viên cuối năm. Tại Hà Nội, ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Quy định 101, Thành ủy Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện 7 nội dung về trách nhiệm nêu gương, tập trung vào 5 vấn đề trọng tâm.

Theo bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội, Hà Nội nêu cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, trước hết là của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đối với việc chỉ đạo giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm, ở từng lĩnh vực, địa phương, đơn vị đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên theo các kênh khác nhau.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể “kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sức lan toả lớn. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá như vậy trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8

Cần thiết có một quy định ràng buộc trách nhiệm đủ mạnh

Theo như Báo cáo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, từ năm 2014 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 840 tổ chức đảng và 58.120 đảng viên vi phạm trong đó có 2.720 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái. Riêng từ đầu nhiệm kỳ đã thi hành kỷ luật 490 tổ chức đảng và 35.000 đảng viên vi phạm, trong đó vi phạm do tham nhũng có gần 1.300 đảng viên. Đáng nói ở đây là, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã có 56 cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có 11 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, khai trừ 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi trao đổi với Đại Đoàn Kết đã cho rằng, rất nên ban hành Quy định trách nhiệm về nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và nhấn mạnh: Đức trị và pháp trị phải gắn với nhau. Đức trị thì phải tự giác nhưng cũng trên cơ sở phải hành động từ pháp luật nữa. Cho nên hai cái đó phải gắn chặt chẽ.

Nói về Đề án Quy định trách nhiệm nêu gương, ông Vũ Thanh Sơn- Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo bồi dưỡng (Ban Tổ chức Trung ương) khẳng định, Đề án được gửi gắm kỳ vọng rất lớn. Trung ương muốn làm sao sớm ban hành được Quy định này để trước hết, trách nhiệm nêu gương phải được xác định là yêu cầu đầu tiên với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Với 4 điều, Đề án Quy định được chú ý nhiều ở Điều 2, gồm 10 điểm trong đó thể hiện rõ yêu cầu từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu về bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu; đạo đức, lối sống, phong cách làm việc; trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; vai trò trung tâm đoàn kết, hạt nhân lãnh đạo trong hệ thống chính trị.

Đặc biệt, Điểm 10 Điều 2 quy định: Uỷ viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Trung ương Đảng chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín, hoặc để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị hoặc để xảy ra mất đoàn kết kéo dài, hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật. Quy định này chỉ rất rõ người, rõ việc và rõ trách nhiệm đối với từng Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương. Dự thảo Quy định sẽ được Hội nghị bàn thảo kỹ càng để đi đến thống nhất và sớm ban hành cùng với việc tổ chức triển khai thực hiện - nói như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi vào thực chất, tránh hình thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO