Địa danh cũ - mới: Không chỉ là chuyện tên gọi

Hương Lê (ghi) 19/10/2015 23:32

Chủ trì hội thảo “Di sản văn hóa từ Phủ Lạng Thương đến TP Bắc Giang” tổ chức cách đây ít ngày, GS sử học Lê Văn Lan khẳng định rằng ông ủng hộ việc trở lại tên gọi xưa có của Phủ Lạng Thương. Nhưng điều ấy sẽ chỉ thực sự có ý nghĩa khi người ta xác định được rằng việc đổi tên không chỉ là câu chuyện về đô hiệu. Mà quan trọng hơn đó là việc mở rộng  nghiên cứu từ văn hóa học tới đô thị học để chỉ ra con đường mà TP Bắc Giang hay Phủ Lạng Thương sẽ phát triển ra sao trong hiện tại và tương l

Một góc thành cổ Xương Giang di tích lịch sử văn hóa tại TP Bắc Giang, (Ảnh tư liệu).

Sau hội thảo vừa rồi có nhiều quan điểm khác nhau về việc đổi lại tên Phủ Lạng Thương cho Thành phố Bắc Giang hiện nay. Tôi cho rằng, hãy khoan bàn đến chuyện tốn kém tiền bạc, mà nên bàn đến câu chuyện đô hiệu (tên gọi thủ phủ của một tỉnh) ở tầm cỡ lớn hơn. Thực ra việc đề xuất đổi tên Phủ Lạng Thương được gợi ý từ ý tưởng đổi tên Thành phố Thăng Long (Hà Nội) trước đó.

Tôi được biết có những người con Bắc Giang tha thiết đổi tên cho Thành phố Bắc Giang, trong đó có những người đã và đang công tác trong ngành văn hóa ở địa phương. Tại hội thảo Di sản văn hóa từ Phủ Lạng Thương đến TP Bắc Giang”, các đại biểu đã trình bày, phân tích rất nhiều cơ sở để đổi tên TP Bắc Giang thành Phủ Lạng Thương.

Báo chí nói rằng, khi tổng kết hội thảo tôi có nói có 5 cơ sở, nhưng thật ra không chỉ có thế. Có tới hơn 20 tham luận được trình bày và gửi tới hội thảo ấy. Hãy đọc bài viết của TS Khổng Đức Thiêm - ông ấy kể ra được lý lịch và thành tích của 29 nhân vật nổi tiếng trong lịch sử, đã có những đóng góp trong lĩnh vực văn hóa cho Phủ Lạng Thương. Điều ấy đã chứng minh rằng, từ rất sớm vùng đất này đã có những nhà hoạt động văn hóa có tiếng tăm.

Có nhiều lý do để trở lại với tên gọi Phủ Lạng Thương. Tôi ủng hộ việc đổi tên Thành phố Bắc Giang thành Phủ Lạng Thương còn bởi có thể so sánh: trong tương quan có những địa phương mà tên gọi thủ phủ không trùng với tên của tỉnh. Đơn cử như Thành phố Buôn Ma Thuột - tỉnh lỵ của Đăk Lăk. Thậm chí chỉ riêng về tên gọi Thành phố Buôn Ma Thuột hiện nay cũng đã có rất nhiều lý giải về nguồn gốc của nó rồi. Rõ ràng những chuyện quanh một tên gọi tỉnh lỵ như thế nó làm giàu cho tri thức và cả tình cảm của người dân, với một miền đất được chọn là thủ phủ của một tỉnh- nhân danh.

GS Lê Văn Lan.

Ở đây, xin nhấn mạnh trong lời tổng kết của tôi ở hội thảo trên, có đề cập tới một việc quan trọng hơn rằng: không chỉ dừng lại ở hai mấy bản tham luận đóng góp cho bản hội thảo. Đó là phải là việc đẩy mạnh nghiên cứu văn hóa học về Thành phố Bắc Giang, mà tiền thân là Phủ Lạng Thương.

Quan trọng và cần thiết hơn nữa là mở rộng sự nghiên cứu, từ nghiên cứu văn hóa học (trong đó có đô hiệu), tới nghiên cứu đô thị học để chỉ ra con đường mà TP Bắc Giang hay Phủ Lạng Thương sau này sẽ phát triển ra sao. Có nghĩa không chỉ là chuyện “cái vỏ” tên gọi, mà nó sẽ là đô thị như thế nào. Nó được hưởng từ những gì trong quá khứ, trong đó có di sản văn hóa? Rồi nó tiến lên một đô thị để xứng tầm với sứ mạng lịch sử của nó trong quá khứ và trong hiện tại, trong tương lai theo cung cách nào, với đường lối nào, với qui hoạch ra sao… Điều đó mới đáng quan tâm.

Như vậy, câu chuyện đổi tên Thành phố Bắc Giang thành Phủ Lạng Thương đặt trong bối cảnh: tiền đề đã được nêu ra; trong tương quan không gian phát triển của lịch sử thì hiện tại và tương lai… Khi đặt trong những bối cảnh ấy nó có ý nghĩa ở tầm cao hơn, xa hơn.

Phủ Lạng Thương cũng là hạt nhân đô thị của cả một vùng nông nghiệp, nông thôn là tỉnh Bắc Giang. Vì thế mà nghiên cứu về tên gọi Thành phố Phủ Lạng Thương lại càng có ý nghĩa quan trọng là như thế.

Hội thảo khoa học “Di sản văn hóa - từ Phủ Lạng Thương đến TP Bắc Giang”

Nhằm nghiên cứu, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa và tăng cường nhận thức về đặc trưng văn hóa thành phố Bắc Giang, vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang phối hợp UBND TP Bắc Giang tổ chức hội thảo khoa học “Di sản văn hóa - từ Phủ Lạng Thương đến thành phố Bắc Giang”. Tham dự hội thảo có đại diện Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, các nhà khoa học lịch sử đầu ngành cùng lãnh đạo một số cơ quan, ban ngành, đơn vị chức năng của tỉnh Bắc Giang.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng nên đổi tên Thành phố Bắc Giang thành Phủ Lạng Thương. Theo PGS Trương Quốc Bình (Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia), trải qua gần 200 năm, cùng với sự thay đổi của tỉnh Bắc Giang về địa giới hành chính, thị xã tỉnh lỵ có hơn 50 năm mang tên Bắc Giang nhưng cái tên Phủ Lạng Thương đã đi vào tình cảm và tâm thức của nhiều người như những giá trị văn hóa thiêng liêng. Không chỉ đối với người Việt, địa danh Phủ Lạng Thương vẫn được tạc ghi trong hầu hết các tài liệu văn tự quốc tế trong các lĩnh vực địa lý, địa chất, khảo cổ, dân tộc học, sử học, văn học, hành chính... do các học giả nước ngoài, đặc biệt là các nhà khoa học Pháp dày công xây dựng. Phủ Lạng Thương không chỉ là địa danh lịch sử mà đã trở thành những giá trị, văn hóa đặc hữu, góp phần quan trọng vào việc khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, góp phần tạo lập những sức mạnh vật chất để xây dựng quê hương Bắc Giang trong thời đại mới. Vì vậy, theo ông Bình, cần ủng hộ những kiến nghị để Nhà nước sớm có quyết định đổi tên Thành phố Bắc Giang thành Phủ Lạng Thương.
Theo ông Nguyễn Thế Chính - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang, ngày 11-7-1888, đơn vị hành chính “Phủ Lạng Thương” ra đời. Ngày 10/10/1895, tỉnh Bắc Giang được thành lập, Phủ Lạng Thương trở thành trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Bắc Giang.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Địa danh cũ - mới: Không chỉ là chuyện tên gọi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO