Địa danh sông nước ở Nam Bộ

Nguyễn Thanh Lợi 18/07/2019 08:39

Nam Bộ, đặc biệt là ở Tây Nam Bộ, có hệ thống kinh rạch chằng chịt, tạo ra một hệ sinh thái rất đặc trưng của vùng sông nước. Cư dân nơi đây đã gọi các địa hình thiên nhiên sông nước bằng những cái tên hết sức mộc mạc, bình dân nhưng cũng rất thực tế. Những địa danh sông nước ở Nam Bộ vừa phản ánh những địa hình thiên nhiên hết sức đa dạng, đồng thời phản ánh cách tri nhận của người những con người bình dân...

Địa danh sông nước ở Nam Bộ

Cầu Vàm Khém bắc qua một cái khém ở huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang).

Giáp nước là nơi hai dòng nước từ hai nguồn khác hướng ở hai đầu chảy lại hoặc là nơi hai dòng nước không cùng chiều gặp nhau, tạo thành vùng nước xoáy. Kinh Giáp Nước ở vùng Bình Lợi – Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh (TPHCM), rạch Dấp Nước ở huyện Nhà Bè (TPHCM) là do Giáp Nước nói và viết trại. Cầu Giáp Nước ở thị trấn Đầm Dơi (Cà Mau), dài 32m. Huyện Tam Bình (Vĩnh Long) cũng có ngôi chợ mang tên Giáp Nước.

Ba Cụm là một làng nhỏ ven sông Bến Lức, thuộc làng Thanh Hà (nay là xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, Long An), nối liền sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn đi qua các địa danh Ba Cụm, Chợ Đệm, Bình Điền. Đây là chỗ giáp ranh với thị trấn Tân Túc của huyện Bình Chánh (TPHCM). Ngày xưa ghe thương hồ các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn đi từ Mỹ Tho, theo sông Bảo Định lên Vũng Gù (Tân An), gặp sông Vàm Cỏ Tây. Từ đây có kinh Thủ Đoàn (còn gọi kinh Bánh Tét) qua Thủ Thừa, lên Bến Lức và đến Ba Cụm (nơi có 3 cây to cụm lại), gặp “giáp nước” nên ghe thuyền dừng lại chờ con nước.Thời Pháp thuộc nơi đây đã nổi danh ở Nam Kỳ với “Bối Ba Cụm”, nơi có nhiều tay trộm đường sông khét tiếng. Vùng biển ở Long Hải (huyện Long Điền, Bà Rịa Vũng Tàu) có địa danh Giáp Nước mà đã đi vào trong bài Vè Các lái (Vè lái vô): Một trăm ông lái làu làu / Đi qua giáp nước Vũng Tàu phải ghê, để chỉ sự nguy hiểm trên con đường mua bán của ghe bầu ngày xưa từ miền Trung vào Nam.

Rạch Nước Lên thuộc địa bàn các quận Bình Tân, quận 8, huyện Bình Chánh (TPHCM), từ phường An Lạc (quận Bình Tân) ăn ra sông Chợ Đệm (huyện Bình Chánh). Bài Cổ Gia Định phong cảnh vịnh còn ghi lại hiện tượng nước tràn bờ qua địa danh này: Quán Nước Lên dòng rờn rợn / Khách bộ hành tắm giặt nghỉ ngơi.

Ngọn ngay là “ngọn chảy thẳng”. Ngọn là “con rạch nhỏ nối vào con rạch lớn, cuối rạch không có đường nước đi tiếp, giống như nhánh cuối của xương cá”. Tây Nam Bộ có nhiều ngọn không tên. Rạch Ngọn Ngay, cầu Ngọn Ngay nằm trên đường vành đai 3 (phường Phú Hữu, quận 9, TP HCM). Cầu Ngọn Rạch – Cây Bàng ở ấp Tân Thạnh (xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang).

Cái Ngay là “kinh/sông thẳng”. Cái Ngay là con kinh nối rạch Cái Ngay với sông Cái Lớn (Cà Mau), dài 8 km, rộng 40 m. Sông Cái Ngay chảy qua 2 huyện Năm Căn và Đầm Dơi của tỉnh Cà Mau, có điểm đầu là ngã 3 Hiệp Tùng và điểm cuối là Thanh Tùng, dài 16,5km. Trước đây sông Cái Ngay chỉ là một con kinh, sau được mở rộng và gọi là sông. Sông Cái Quanh ở xã Tân Thanh (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng). Cái Quanh là “con sông quanh co nguy hiểm”.

Cái Tắc có dạng gốc Cái Tắt, là “rạch đi tắt từ nơi này đến nơi khác”. Ấp Cái Tắc ở thị trấn Phú Mỹ (huyện Phú Tân, An Giang). Ở huyện Phú Tân (An Giang) cũng có kinh Cái Tắc. Rạch ở huyện Châu Thành A (Hậu Giang) cũng mang tên Cái Tắc.

Cái Xép là “rạch nhỏ”, vì xóm ở cạnh rạch này. Cầu Cái Xép ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp), rạch Cái Xép ở huyện Châu Thành (Bến Tre). Một xóm nhỏ ở xã Viên An (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) cũng có tên Cái Xép.

Cán Gáo là “con kinh thẳng như cán gáo múc nước”. Kinh Cán Gáo nối sông Cái Lớn ở huyện An Biên (Kiên Giang) với rạch Cái Tàu ở huyện Thới Bình (Cà Mau), đào xong năm 1928, dài 47 km, cũng gọi Rọ Heo. Cán Gáo còn là tên con rạch ở xã Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP HCM).

Đầm là “khoảng trũng to và sâu ở giữa đồng để giữ nước”. Đầm cùng là sông vốn là một cái đầm không thông thương với sông rạch nào. Sông Đầm Cùng ở xã Phú Mỹ (huyện Phú Tân, Cà Mau), dài 36 km nhưng lại bị nói và viết chệch thành Đồng Cùng hoặc ghi nhầm là Đầm Cùn.

Đìa chà là “cái đìa trong đó có nhiều cành cây khô thả xuống cho cá ở”. Mương Đìa Chà ở xã Vĩnh Hậu (huyện An Phú, An Giang), dài 1.400 m, rộng 2 m, sâu 1m, đào năm 1980.

Đường xuồng là “dòng nước mà các chiếc xuồng thường đi lại”. Đường Xuồng là tên rạch ở xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình, Cà Mau); tên các con kinh ở huyện Tam Bình (Vĩnh Long), huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), huyện Trà Cú (Trà Vinh); con lộ ở xã Thới Bình (huyện Thới Bình, Cà Mau), từ lộ Tắc Thủ - Cà Mau đến lộ Láng Trâm, dài 12 km.

Cựa Gà vốn là tên kinh/rạch, được chuyển hóa thành tên cầu, chỉ dòng nước lớn có nhánh nhỏ đâm ngang giống như cựa con gà trống. Cựa Gà là tên cây cầu ở xã Đăng Hưng Phước (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang), dài 24 m, xây năm 1996, và là tên của hai con kinh ở huyện Càng Long (Trà Vinh) và Bạc Liêu.

Cầu Vàm Khém ở huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang). Khém có nghĩa là “lạch, xẻo, lạch hẹp” (theo Huỳnh Tịnh Của). Tây Nam Bộ còn có nhiều địa danh liên quan đến địa hình này như: khém Bà Hành, khém Bình Linh, khém Cạn, khém Rạch Già, sông Khém Sâu (huyện Long Phú, Sóc Trăng), cầu Khém Dưới, cầu Khém Trên (huyện Bình Đại, Bến Tre), kinh Khém Lớn, rạch Khém Vườn (TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp).

Vàm là từ gốc Khmer “péam”. Vàm Láng ở thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) là chỗ con rạch Cần Lộc ăn thông ra biển. Phía ngoài con rạch (vàm) rộng và sâu, gọi là “họng vàm”. Cách họng vàm một khoảng có một mái hà lãng (chỗ nước rộng mênh mông), nhiều rừng cây dày dặc hai bên bờ, có nước ngọt, ban đêm heo rừng, nai thường đến uống nước, nên gọi là “Láng Lộc”, cái vàm ở gần đó gọi tắt “Vàm Láng”. Vàm Láng là nơi chúa Nguyễn Ánh lâm nạn, được cá Ông hộ tống đưa vào bờ, nên khi lên ngôi, vua Gia Long sắc phong “Nam Hải Đại Tướng quân”. Lăng Ông Nam Hải hàng năm tổ chức lễ Nghinh Ông rất trọng thể vào ngày 10/3 âm lịch.

Ấp Mương Chài, cầu Mương Chài (xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, Long An), chảy từ trong đồng ra sông Hàn. Ở đây ngày xưa có nghề đánh bắt nên vẫn còn lưu lại địa danh xóm Câu ở cùng ấp.

Ba Lai gốc từ tiếng Khmer Baray, nghĩa là “hồ nước nhân tạo” (Bình Nguyên Lộc). Ba Lai là sông nhánh tách từ sông Tiền ở xã Phú Túc (huyện Châu Thành, Bến Tre). Ba Lai là đập ở cửa sông Ba Lai, dài 84 m, ngang 600 m, có 10 cửa đóng mở tự động, được lấp dòng sông ngày 22/3/2002. Rỏng Tượng (đường khuyết sâu) ở Tây Ninh. Tượng là voi, vì tại đây trước kia voi đi lại rất nhiều, tạo thành rãnh sâu.

Lung có gốc từ tiếng Khmer Ăn Lông, nghĩa là “chỗ trũng quanh năm có nước đọng ở giữa đồng hoặc giữa rừng”. Rạch Lung ở vùng Thủ Đức (TPHCM). Cầu Lung Âm ở xã Phú Thuận (huyện Phú Tân, Cà Mau), dài 30 m. Rạch Lung Ấu ở huyện Châu Phú (An Giang). Lung Ấu là “cái bàu có nhiều cây ấu”. Kênh Lung Cái ở huyện Bình Minh (Vĩnh Long). Cầu Lung Cần Thơ ở huyện Phú Tân (Cà Mau), dài 30m. Lung Chà Ngo là nơi có nhiều người Chà sinh sống. Rạch Lung Chim ở huyện Long Hồ (Vĩnh Long), nơi có nhiều chim. Nổi tiếng nhất ở Nam Bộ về địa hình này là Lung Ngọc Hoàng.

Hóc là dạng cổ của hói, là “dòng nước nhỏ”, ngày xưa hươu nai thường đến uống nước tại rạch. Rạch Hóc Hươu, đường Hóc Hưu ở xã Qui Đức (huyện Bình Chánh, TP. HCM). Rạch Hóc Lựu ở xã Tân Thuận Bình (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang). Hóc Lựu là “rạch nhỏ chảy qua khu có nhiều cây lựu”. Rạch Hóc Mây ở phường Tân Vạn (TP. Biên Hòa, Đồng Nai), viết nhầm thành Hốc Mây. Hóc Mây là “dòng nước nhỏ có nhiều cây mây”.

Hóc là "dòng nước nhỏ", vì từ hóc đã mất nghĩa nên người ta thêm từ rạch vào trước cho rõ, Môn vốn là “cây môn nước”. Cống Hóc Môn ở huyện Mỏ Cày (Bến Tre). Rạch Hóc Môn chảy qua thị trấn Hóc Môn, từ cầu Bến Nọc đến rạch Tra, dài độ 3.000m. Hóc Môn là tên quận của tỉnh Gia Định (1957), tên thị trấn của huyện Hóc Môn (TP HCM) (2003), tên huyện của TP HCM (2009). Ban đầu là tên rạch sau trở thành địa danh hành chính và cứ bị viết sai thành Hốc Môn...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Địa danh sông nước ở Nam Bộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO